MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng miền Trung: Linga-Yoni. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển.

Trúc Chỉ trong mờ sương

hoàng văn minh LDO | 08/10/2017 13:00
Sau Viện Goethe Hà Nội (tháng 7.2016), Trúc Chỉ - Lời của sông, phiên bản 2017, dừng chân ở Đà Nẵng bằng triển lãm kéo dài từ 30. 9 đến 14.10 tại Bảo tàng Mỹ thuật. Và một lần nữa, Trúc Chỉ cho thấy thế nào là sự tiếp biến về không giới hạn của mình.

New light - New sight - New life (ánh sáng mới, góc nhìn mới sẽ cho ra những sức sống mới) là slogan của họa sĩ Phan Hải Bằng - Giảng viên khoa Đồ họa Trường Đại học Nghệ thuật Huế từ những ngày đầu khi sáng lập Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam từ cách đây gần chục năm. New light - New sight - New life cũng là kim chỉ nam sáng tác của Phan Hải Bằng trước đó với nhiều chất liệu khác nhau.

Nhưng đến khi dự án được triển khai thì đó là một “phép cộng và sự trở về”. Khi những giá trị của Trúc Chỉ sẽ góp phần cộng thêm cho Huế một giá trị mới kiểu rước đây có giấy Dó thì giờ có thêm Trúc Chỉ; trước đây có tre và những sản phẩm từ tre thì giờ có thêm Trúc Chỉ; Huế bây giờ có thêm Trúc Chỉ ngoài Pháp lam và những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống khác mang tính đại diện cho không những Huế mà cả Việt Nam... Những nguyên liệu gần gũi với đời sống người Việt như: Rơm rạ, tre trúc, mía, chuối... sẽ hóa thân thành những tác phẩm nghệ thuật - giấy, giấy - nghệ thuật có tên là Trúc Chỉ để minh định ý niệm: Với tinh thần sáng tạo và cách tiếp cận những giá trị truyền thống riêng biệt, những điều bình dị quen thuộc quanh ta cũng đều có thể trở thành một nghệ thuật, góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc đã quá phong phú.…

Và đến Trúc Chỉ - Lời của sông, phiên bản 2017 lần này, Trúc chỉ là một ví dụ của phép tiếp biến văn hóa. Bởi ngoài hình tượng dòng sông Trúc chỉ dài hơn 120m cùng hệ thống tác phẩm treo tường cùng chủ đề và motif hình ảnh, triển lãm lần này còn có mười hai mô hình trụ đứng Trúc chỉ đa nghĩa, gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng miền Trung: Linga-Yoni với hệ thống hình ảnh gợi nhớ quê hương... “Và chắc chắn khi dòng sông Trúc chỉ đi vào miền Nam, miền Tây, phép cộng và sự tiếp biến sẽ còn được thể hiện với nhiều mô hình đa nghĩa khác tùy thuộc vào tính đặc trưng của văn hóa bản địa” - họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết. Tiếp biến còn là sự thổi hồn vào khái niệm giấy thủ công, vào tre trúc và các nguyên liệu sẵn có tại địa phương một tinh thần mới, làm cho các chất liệu thân quen hiện ra với một ánh sáng và vị thế mới: Ánh sáng của nghệ thuật!

Vậy nên “Trúc Chỉ đã khai minh cho tôi rất nhiều điều” - nhà báo, nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Trọng Chức, nguyên “kiến trúc sư” của tờ Tuổi trẻ cuối tuần đã phát biểu như vậy tại khai mạc triển lãm. Trúc Chỉ khai minh, thật ra không phải là điều gì ghê gớm mà hãy hiểu đơn giản như “lòng chợt từ bi bất ngờ” như một câu hát của Trịnh. Và đó là cảm giác chung của rất nhiều người tham dự triển lãm đã phát biểu trong buổi Artist’ Talk sau khai mạc.

Là bởi Trúc Chỉ - Lời của sông (phiên bản 2017) quá đẹp về mặt thị giác, quá lạ về chất liệu và quy trình thực hiện, hệ thống tác phẩm quá hoành tráng vượt hình dung của giới làm nghề như tâm sự của họa sĩ lão thành Vũ Dương - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Trúc Chỉ là một loại giấy nhưng không chỉ đơn giản là câu chuyện về một loại giấy hay một tấm giấy. Mà là một ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để biểu hiện một loại hình nghệ thuật - giấy của người Việt, do người Việt tạo ra, chứ không phải chỉ để gọi tên một loại nguyên liệu. Và người Nhật có Hòa Chỉ (washi), người Hàn có Hàn Chỉ (hanji), người Trung Quốc có Xuyến Chỉ thì chúng ta bây giờ có Trúc Chỉ chứ không phải tên gọi nguyên liệu như: Gampi, Kozo, Hemp...

Là bởi Dự án nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam đã ra đời và định danh từ cách đây hơn 5 năm với rất nhiều triển lãm khắp cả nước. Đã đưa khái niệm “Giấy” thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo khác, để trở nên là một tác phẩm độc lập, tự thân, mang ngôn ngữ đồ họa rõ nét và có khả năng đối thoại, ứng biến với các loại hình nghệ thuật, chất liệu khác cho sáng tạo truyền thống cũng như đương đại. Đây cũng chính điểm khác biệt tạo nên nét đặc trưng và độc đáo mà Trúc Chỉ đã tạo dựng được, trên nền tảng tiếp biến và vận dụng các nguyên lý, kỹ thuật đã có theo một phương thức mới một cách khoa học và sáng tạo. Từ đó hình thành nên thuật ngữ Đồ họa Trúc Chỉ/ trucchigraphy, được công nhận và sử dụng bởi các họa sĩ, nhà chuyên môn của Việt Nam cũng như bạn bè các nước khác.

Nhưng với số đông, ngay cả ở nơi khai sinh Trúc Chỉ là Huế, Trúc Chỉ vẫn đang mơ màng trong mờ sương… Sự mờ sương, tất nhiên đến từ việc điều gì mới lạ cũng cần có thời gian để làm quen, để hiểu, để cảm... theo trục nhận thức. Nhưng cũng đến từ việc ai đó không chịu quen, chịu hiểu, chịu cảm hoặc có hiểu mà coi như không hề hiểu. Trong mờ sương, tất nhiên không chỉ là chuyện riêng của nghệ thuật đồ họa Trúc Chỉ ở đất nước mình...

Trúc chỉ là gì?

Theo họa sĩ Phan Hải Bằng, danh xưng “Trúc Chỉ” được Nhà văn - Dịch giả - Nhà giáo Bửu Ý định danh vào tháng 4 năm 2012, với ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để đề cao giá trị Việt. Trúc Chỉ theo ý đó được hiểu là một loại hình nghệ thuật - giấy của người Việt, do người Việt tạo ra, chứ không phải chỉ để gọi tên một loại nguyên liệu cụ thể nào như: Gampi, Kozo, Hemp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn