MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án bảo tồn Hải Vân Quan. Ảnh: A.T

Trùng tu và búa rìu dư luận

Thanh Hải LDO | 03/04/2022 14:26
Trùng tu di tích văn hóa, lịch sử là công việc hết sức phức tạp, khó khăn và... nhạy cảm. Đặc biệt đối với những công trình kiến trúc lâu năm như các cổ tháp Chăm ở Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam, Cầu Ngói Thanh Toàn (Huế), Chùa cầu, nhà cổ ở Hội An... và nay là di tích Hải Vân quan, ngay khi triển khai đã chịu "búa rìu" dư luận. Tuy nhiên, không phải ý kiến nào cũng đúng. Để thực hiện được mục tiêu trùng tu, bảo tồn và phát huy được các giá trị được di tích mà không xâm hại nghiêm trọng là câu chuyện không hề dễ.

Hải Vân quan có bị xâm hại khi trùng tu?

Sau những ồn ào phản ứng của người dân liên quan đến các dự án trùng tu cụm tháp Chăm - tháp Bánh Ít ở Bình Định, tu sửa Đình Chèm ở Hà Nội chưa dứt, thì nay dư luận đã hướng những chỉ trích đến dự án trùng tu Hải Vân quan.

Cuối năm 2021, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan đã được khởi công. Đây là dự án liên tỉnh, bởi di sản nằm giữa ranh giới 2 địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Và vì vậy, sự hợp tác thực hiện của ngành văn hóa, chính quyền 2 địa phương được xem là "cái bắt tay" lịch sử.

Cái khó của 2 địa phương khi thực hiện chung 1 dự án trùng tu di tích đôi khi không phải là kinh phí, các thủ tục hành chính... mà là quan điểm. Để có được sự thống nhất về quan điểm, phương án hạ giải, trùng tu di tích quan trọng này, cả 2 địa phương đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, bàn thảo và cả những hội thảo khoa học để lấy ý kiến rộng rãi của giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu.

Thế nhưng, hiện nay, ngay sau khi triển khai dự án, hạ giải một phần di tích để thực hiện công tác trùng tu, lập tức có nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, nhiều người dân đã phản ứng, cho rằng công việc trùng tu đang xâm hại nghiêm trọng, làm thay đổi quá lớn so hiện trạng di tích. Nhất là cổng chính phía Đà Nẵng, đã bị hạ giải hoàn toàn 2 tầng so với hiện trạng trước khi triển khai dự án trùng tu. Nhiều phần công trình liền kề, gắn với di tích đã bị đập bỏ hẳn.

Trả lời thắc mắc này, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng - một trong những người có công đầu và trách nhiệm khi lập dự án trùng tu di tích Hải Vân quan - khẳng định: Việc trùng tu, bảo tồn Hải Vân quan cơ bản là giữ nguyên hiện trạng. Kể cả các lô cốt mới xây dựng thời Pháp thuộc và thời kháng chiến chống Mỹ". Theo ông Hùng, đề án trùng tu, giải pháp thực hiện đã được cả 3 Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Xây dựng và Tài Nguyên - Môi trường thẩm định nên không có việc xâm hại di tích.

Hiện trạng của di tích Hải Vân quan trước và sau khi khởi công trùng tu. Ảnh: AT

Cần giải thích rõ cho công chúng

Di tích Hải Vân quan được xây dựng từ năm 1826. Ngay từ đầu, công trình không chỉ là hệ thống cổng thành, cửa ngõ phía nam của nhà Nguyễn mà còn là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, ngay ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đây là công trình thuộc hệ thống phòng thủ Kinh đô Huế với chức năng phòng vệ đường bộ từ hướng Nam.

Trong giai đoạn 1945 - 1975, cả thời thuộc Pháp và Mỹ thì công trình trấn thủ ở nơi hiểm yếu này lại "bị" xây dựng thêm, chồng lấn lên di tích là một số vọng gác, lô cốt để trấn giữ con đường huyết mạch bắc - nam. Đặc biệt là trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng quan còn bị xây chồng thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống. Chưa kể hàng loạt các công trình tường bao, hào công sự như đài kỷ niệm “Di tích chiến thắng Đồn Nhất”, trạm Vi ba, các nhà tạm, đường dây cao thế, khu lăng mộ gia đình.

Vì vậy, giữ "nguyên trạng" theo cách nói của nhà quản lý, giới chuyên môn là khó thuyết phục ngay với người dân, du khách. Giữ nguyên trạng theo đề án là trả 2 cửa quan về nguyên thủy - tức nguyên trạng thời điểm năm 1826.

Chính vì thế, mà rất nhiều hạng mục, công trình "bị" xây thêm để phòng thủ, chiến đấu thời kháng Pháp, chống Mỹ - vốn đã xâm hại nghiêm trọng di tích, nay sẽ bị hạ giải, đập bỏ. Đây là lý do mà người dân, du khách chứng kiến khi đi ngang công trình thời điểm này, phản ứng.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, Hải Vân quan là di tích quốc gia, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận vào tháng 4.2017. Nhưng công trình mang tính lịch sử, đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người dân bởi nằm ngay vị trí trọng yếu, bên cạnh đường thiên lý bắc - nam. Vì vậy, sự quan tâm, có ý kiến khác nhau của người dân, du khách là khó tránh khỏi. Đó cũng là lý do mà 2 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng cũng như giới chuyên môn rất thận trọng, kỹ lưỡng khi thực hiện dự án này. Đây là lần đầu tiên di tích này được tu bổ, bảo tồn với quy mô lớn. Hy vọng sau khi hoàn thành, công trình sẽ có điều kiện trụ vững với thời gian và tiếp tục trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Đây không phải lần đầu tiên các dự án trùng tu di tích vấp phải sự phản ứng. Ngoài những quan điểm trái chiều của giới nghiên cứu, các nhà chuyên môn thì phản ứng của người dân, du khách cũng rất dữ dội.

Mới đây, di tích tháp Bánh Ít ở huyện Tuy Phước, là một cụm tháp Chăm cổ có niên đại hơn 1.000 năm ở Bình Định khi trùng tu, tôn tạo cũng bị phản ứng. Việc các nhà thầu, thi công đưa xe cơ giới vào di tích để thi công, đổ đất đá sát di tích, xây dựng các hạng mục phụ trợ như bồn hoa sặc sỡ ngay chân tháp... đã bị lên án quyết liệt đến mức chính quyền phải cho tạm dừng để điều chỉnh. Việc cây đa và các bậc thềm bị chặt, tháo dỡ khi trùng tu tại Đình Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng bị phản ứng, tạm dừng để thanh tra vào cuộc.

Vì vậy, đối với các công trình di tích lịch sử, văn hóa... có nhiều niên đại, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, khi trùng tu phải hết sức cẩn trọng. Không chỉ đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ, đảm bảo chất lượng mà còn chuẩn bị kỹ về truyền thông. Công chúng, người dân cần có thông tin rõ ràng, minh bạch về di tích cũng như phương án trù tu. Điều này là đương nhiên, nhưng không mấy dự án trùng tu di tích văn hóa, lịch sử nào tránh được "búa rìu dư luận".

Theo phương án xây dựng, tại 2 hạng mục chính của di tích này là Hải Vân quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan sẽ cho tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ 2 công trình này theo các dấu tích nguyên gốc; phục hồi, thay thế nền cổng lát đá, hệ thống cối, cổng đá, tường xây gạch vồ... Hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan; phục hồi nhà Trú sở, nhà Vũ khố 3 gian theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu; phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân quan xuống phía TP.Đà Nẵng theo dấu vết khảo cổ bằng đá; phục hồi tuyến đường thiên lý từ Thiên hạ Đệ nhất hùng quan đi tỉnh Thừa Thiên - Huế bằng đá xếp theo truyền thống. Dự án cũng hạ giải các công trình và kết cấu xây dựng không thuộc thời kỳ nhà Nguyễn trong khu vực, tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt được xây dựng thời Pháp thuộc.

Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 6.500m2, có tổng mức đầu tư hơn 42 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP.Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên-Huế 50%. Thực hiện trong 2 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn