MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân nhà máy da giày trong giờ làm việc. Ảnh: Lương Hạnh

Truyện ngắn dự thi: Công nhân thời vụ

Lao động LDO | 19/06/2022 06:29

Lãnh mang mấy bộ quần áo công nhân đi giặt, phơi ra trước sân nhà. Ngồi nhìn những giọt nước rỏ tong tỏng trên dây phơi xuống nền sân xi măng bỏng đốt, Lãnh khẽ thở dài.

Nhà máy may mặc ít việc, những đơn hàng lớn đã được hoàn thành. Kể từ mai chị lại phải nghỉ làm công nhân để quay về quanh quẩn với cây lúa củ khoai. Một năm hai màu áo. Cởi bỏ áo công nhân thì lại khoác lên mình mưa nắng ruộng đồng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Chỉ có điều lúc đơn hàng nhiều, công nhân thời vụ buộc phải làm tăng ca. Thành ra ruộng đồng bỏ bê, có khi lúa nhà người ta đã xanh um mà ruộng mình vẫn chưa bừa ngỡn. Cấy sau thì lúa chín sau. Cả đồng gặt hết còn ruộng nhà mình, trâu bò, chuột bọ thi nhau phá. Có vụ đành phải gặt lúa non. Thật ra mấy năm gần đây người nông dân quê Lãnh cũng không còn thiết tha với ruộng đồng. Người trẻ thì đi làm ăn xa hoặc xin vào các khu công nghiệp lớn cả rồi. Người già ở nhà mải bận bịu đưa đón lũ trẻ con đi học ngày vài lần cũng đã mệt nhoài. Phân đạm, thuốc thang đắt quá. Tiền thuê nhân công, máy móc cày bừa, gặt, tuốt cũng cao. Lúa được mùa còn đỡ, chứ nhiều năm sâu bệnh, gió bão thu được vài hạt lúa, ngồi tính lại thấy tiền bỏ ra còn đắt hơn đi đong lúa. Nhưng những người như Lãnh không làm ruộng thì biết làm gì để sống? 

Lãnh đã ngoài bốn mươi, ngày xưa mới học hết cấp 2. Ở tuổi ấy chỉ có đi chạy chợ hoặc xuống phố xin giúp việc cho các gia đình. Chồng Lãnh đi xây theo công trình, xa nhà miết. Mẹ chồng đã già yếu, mấy đứa con đang tuổi ăn học nên Lãnh không thể nghĩ đến việc xuống phố kiếm kế sinh nhai. Đành ở nhà bám lấy vườn vặng, ruộng đồng phụng dưỡng mẹ già và chăm lo cho các con ăn học. Lần này tranh thủ trời mưa dai dẳng, công trình nghỉ mấy ngày nên Thiên đảo về thăm nhà, dúi cho vợ vài đồng trang trải cuộc sống. Bữa cơm có hàng xóm tới chơi, Thiên vui quá làm vài ly rượu. Rượu vào thì lời ra, Thiên than:

- Đời thằng thợ xây khổ thật. Làm bục mặt, vôi vữa ăn mòn cả tay chân. Ấy vậy mà chủ thầu nào cũng nợ tiền công dai dẳng. Hứa nay khất mai. Tiền mồ hôi công sức của mình mà như đi ăn xin vậy. Đời mình thiếu học nên vất vả, phải cố gắng chăm lo cho tụi nhỏ ăn học thành người. 

Đúng lúc ấy Hạnh đi làm về. Cởi chiếc áo công nhân đầy bụi vải, Hạnh thở dài:

- Có học như em rồi cũng làm công nhân đây thôi. Phí bao công đèn sách.

Cả nhà như lặng đi. Hạnh là cô em út ít học giỏi nhất nhà nên được mọi người dồn tình yêu thương lo lắng. Nhà nghèo, bố đau ốm liên miên, mấy anh chị em đều phải nghỉ học sớm để gái út nuôi giấc mơ trở thành một cô giáo dạy văn. Thiên theo chú đi làm phụ hồ từ lúc còn chưa vợ con gì. Hai chị cũng theo người thân vào Tây Nguyên làm cà phê. Những đồng tiền mặn đót mồ hôi ấy được gửi về thuốc thang cho bố và để Hạnh được tiếp tục đến trường. Sau bốn năm ăn học nơi thủ đô đắt đỏ, Hạnh ra trường mang tấm bằng đại học đi khắp nơi không xin nổi một suất dạy hợp đồng. Chỗ nào cũng “nói nhỏ” cần vài trăm triệu mới được vào biên chế. Lúc còn sống bố nói: “Hay là nhà mình bán một thổ đất để lo lót xin việc cho con?”. Hạnh từ chối, quyệt nước mắt quyết không để gia đình phải khổ thêm vì mình. Trong lúc chờ thi biên chế hết đợt này đến đợt khác, Hạnh về quê xin vào làm công nhân dưới khu công nghiệp. Hôm đi phỏng vấn xin việc, nhìn tấm bằng đại học trên tay Hạnh, chị trưởng phòng nhân sự cười bảo:

- Công ty không nhận người có bằng đại học đâu em. Nhất là không đúng chuyên ngành. 

- Bằng cấp 3, trung cấp, cao đẳng xin được, tại sao bằng đại học lại không ạ?

- Vì công ty gặp nhiều trường hợp rồi. Mấy cô cậu có bằng cấp cao hay đòi hỏi nọ kia lại còn thường xuyên chống đối. Rất khó bảo. Mà thật ra các em cũng đâu muốn gắn bó lâu dài với nghề này...

Lần sau đi xin việc Hạnh phải giấu nhẹm ngay tấm bằng đại học của mình. Ban đầu Hạnh cũng chỉ tính làm tạm thời nhưng không ngờ lại gắn bó với nhà máy may mặc lâu đến thế. Những buổi tăng ca về khuya, một mình hun hút trong đêm sương lạnh, Hạnh không khỏi chạnh lòng. Phần đông bạn bè đều được đứng trên bục giảng dìu dắt từng thế hệ học trò. Suốt bao nhiêu năm qua nhiệt huyết trong Hạnh chưa bao giờ vơi cạn. Nhà máy may nằm ngay gần một trường cấp 2. Có khi đang ngồi bên bàn may mà đầu óc Hạnh chỉ thấy vang lên tiếng trống trường giục giã. Giờ giải lao ít ỏi, ngồi ở phòng ăn nhai nhồm nhoàm suất cơm công nhân khô khốc, Hạnh nghẹn lòng khi thấy bóng dáng chiếc áo dài của cô giáo thấp thoáng bên trường học. Hạnh mường tượng ra cảnh mình đứng trên bục giảng, say sưa đọc một bài thơ nào đó. Hạnh phải cố gắng lắm mới có thể quên đi những đôi mắt học trò trong trẻo, thơ ngây để tập trung vào công việc hiện tại của mình. 

Thời gian thấm thoắt trôi qua Hạnh trở thành công nhân có tay nghề, nhiều kinh nghiệm. Đầu năm ngoái Hạnh được chuyển sang làm nhân viên KCS. Công việc tưởng nhẹ nhàng hơn nhưng hóa ra lại áp lực vô cùng. Do đơn hàng mỗi tháng trong năm khác nhau, lúc nhiều lúc ít nên nhà máy thường chỉ tuyển công nhân thời vụ. Việc này giúp công ty cắt giảm chi phí quản lý, đào tạo, các khoản phúc lợi như thưởng lễ, Tết hoặc không phải đóng kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm... Công nhân thời vụ là những người như chị Lãnh, có khi đang chân lấm tay bùn còng lưng cấy lúa dưới đồng thì nghe tin công ty cần người gấp. Vội vàng chạy lên bờ rủ nhau đi nộp hồ sơ mai còn kịp đi làm. Nhiều người trong số họ thiếu kinh nghiệm, tay nghề. Nên chất lượng sản phẩm không cao, hàng lỗi nhiều, phải làm đi làm lại mất rất nhiều công sức. Bỏ qua thì không được, mà mỗi lần lập biên bản lô hàng lỗi là nhiều anh chị em công nhân tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Hạnh vốn là người nhạy cảm, nên những lời nói vào ra như mũi kim xoáy vào lòng người. Áp lực từ trên xuống, từ dưới lên khiến Hạnh thấy mệt mỏi. Những lúc ấy trong lòng Hạnh lại vang lên những tiếng trống trường.

Từng có lần đơn hàng của chị Lãnh buộc phải làm lại. Nhìn dáng chị cặm cụi bên bàn may, Hạnh áy náy vô cùng. Lúc trở về nhà Hạnh hỏi:

- Chị có giận em không?

- Giận gì mà giận. Chị không làm sai thì ai bắt lỗi nổi. Em không phạt chị thì làm sao nói nổi người ngoài. Chẳng ai ghét em đâu. Vì miếng cơm manh áo, lúc cáu giận lỡ lời...

Chị Lãnh là người hiền lành. Từ khi về làm dâu trong nhà chưa bao giờ thấy chị hơn thua, to tiếng với ai. Kể từ khi bố mất, mẹ Hạnh giao mọi công việc trong nhà cho chị Lãnh. Nửa mẫu ruộng, vài sào vườn, chị làm quần quật suốt ngày vẫn không đủ vun vén chi tiêu. Trồng rau thì rau rẻ. Chăn nuôi thì hết đợt dịch này đến đợt dịch khác. Năm xưa cả đàn lợn mấy chục con chết phải mang đi tiêu hủy. Khoản nợ hơn trăm triệu vay xây chuồng trại, mua cám bã vẫn còn chưa trả nổi. Cấy lúa thì lấy công làm lãi. Nuôi cặp bò cái đẻ năm một, suôn sẻ thì mỗi năm bán được vài chục triệu tiền bò. Ngồi tính ra mỗi gánh cỏ cắt còng lưng được vài nghìn bạc. Cuộc sống thì trăm thứ chi tiêu. Hai đứa con học hành đủ thứ tiền. Rồi việc làng việc xóm, thăm hỏi ốm đau, đổi mả, cưới xin... đủ cả. Mẹ chồng già cả, đau yếu, Lãnh về làm dâu gánh trên vai một năm gần hai mươi cái giỗ nhà chồng. Đàn gà chạy nhung nhúc ngoài vườn cũng chỉ đủ cúng giỗ chứ có được bán con nào. Nhiều lúc ngồi ngoài hiên, nhìn cái nắng chói chang nhức nhối, chị nheo mắt thở dài hỏi vu vơ “giờ biết làm gì ra tiền nhỉ?”. Hạnh ngồi chải tóc kế bên, thấy nắng tức căng cả lồng ngực nhỏ. Lãnh nhìn tay Hạnh khẽ thốt lên:

- Tay em thon dài, mềm mại thế kia đúng ra phải đứng trên bục giảng.

- Ngày trẻ, chị Lãnh từng ước mơ gì?

- Nói em không tin, chứ chị chỉ mơ ước được làm công nhân thôi. Thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Nhà nghèo, học mới hết cấp 2 nào có ước mơ nhiều. Làm công nhân vất vả thật đấy nhưng còn có đồng lương ổn định. Bao nhiêu thứ trông vào.

- Thế là bây giờ chị được toại nguyện rồi còn gì. 

- Chị giờ chẳng biết mình thuộc giai cấp nông dân hay công nhân nữa. Cháu cô nó vẫn trêu đấy thôi. Nó bảo: Một mình mẹ đủ làm khối liên minh “công-nông” rồi còn gì nữa. 

Lãnh bật cười ha ha. Nhưng nụ cười héo đi sau một cái thở dài. Chị bảo:

- Chị chỉ ước gì có công ty nào chịu nhận mình vào làm lâu dài để thoát khỏi cảnh làm công nhân thời vụ. Làm gì làm một thứ thôi để còn chuyên tâm vào công việc. Chứ ngồi làm may mà cứ thấp thỏm không biết bao giờ hết việc? Hết việc biết làm gì để kiếm tiền? Rồi lo không biết mấy hôm bận đi làm từ sáng tới khuya lúa dưới đồng có bị chuột bọ phá không? Mấy ruộng nhà bên có hiện tượng sâu bệnh, không biết đã lan sang ruộng mình chưa? Mà em biết đấy, công nhân thời vụ nghỉ việc không có trợ cấp thất nghiệp, ốm đau không có bảo hiểm y tế, nguy cơ bị bỏ mặc nếu gặp tai nạn lao động nữa.

- Em nghe nói công ty mới có thêm đối tác lớn, nguồn đơn hàng ổn định nên sẽ tuyển dụng thêm nhiều lao động dài hạn đấy. Chị đã từng làm thời vụ nhiều năm, chắc sẽ được ưu tiên đấy ạ.

- Thật không? Được thế thì tốt quá.

Mắt Lãnh ánh lên niềm vui. Thứ niềm vui hiếm hoi của một người đàn bà nhiều lo toan vất vả. Hạnh chưa bao giờ nhìn thấy chị vui vì một điều gì đó khác những lần nhận từ tay chồng xấp tiền lương thợ xây đòi được từ chủ công trình sau nửa năm khất nợ. Hoặc lúc bán được thứ gì đó trong nhà ra tấm ra món cũng đủ khiến chị cười. Nhưng thường nụ cười ấy tắt nhanh khi chị nhẩm tính trong đầu những thứ phải chi tiêu, vài món nợ đã đến lúc cần phải trả. Nhưng riêng niềm hy vọng sẽ trở thành công nhân dài hạn của công ty may mặc lớn nhất huyện cứ âm ỉ trong chị mãi. Chị nghĩ về nó lúc đội nắng đi bừa ngoài đồng. Lúc sấp ngửa thu rơm chạy mưa ngoài đường. Lúc vét những đồng tiền cuối cùng trong nhà đi mua thuốc tiêm gà. Lúc nghe xong cuộc điện thoại đòi nợ của đứa em họ xa. Chị than: “Ngày xưa vay mấy chỉ vàng. Giờ giá vàng tăng ngất ngưởng. Mà thật ra thứ gì cũng tăng. Chỉ có người nông dân là khổ, quanh quẩn chẳng thấy làm gì ra tiền. Giờ chỉ mong công ty may sớm có việc trở lại, chị mà được làm lâu dài thì tốt quá”. Mấy từ “thì tốt quá” chị thốt ra tha thiết như một ước mơ. 

***

Cuối cùng thì ước mơ được trở thành công nhân lâu dài của Lãnh cũng trở thành hiện thực. Lãnh đặt bút ký hợp đồng lao động, mừng mừng tủi tủi giết thịt một con gà béo nhất đàn để ăn mừng. Mà cũng đáng để ăn mừng lắm chứ khi Hạnh vừa nhận kết quả trúng tuyển viên chức giáo viên. Hạnh mừng còn hơn cả lúc cầm giấy trúng tuyển đại học.

Trường học mà Hạnh được nhận vào giảng dạy tuy trong huyện nhưng xa nhà hơn chục cây số, phía bên kia sông, ngày hai buổi đợi đò. Có hề gì, chỉ cần được đứng trên bục giảng sống với niềm đam mê của mình là Hạnh đủ thấy vui rồi. Hạnh sẽ cởi bỏ bộ quần áo công nhân, tạm biệt những người đồng nghiệp của mình trong một chặng đường đời với quá nhiều cảm xúc.

Buổi chia tay bịn rịn hơn Hạnh nghĩ. Mấy anh chị ai cũng mừng cho Hạnh. Họ nói: “Biết đâu sau này con chị lại được học cô giáo Hạnh”. Lúc Hạnh quay lưng rời nhà máy cũng là lúc chị Lãnh chuẩn bị vào ca. Đây đâu phải ngày đầu tiên đi làm mà sao chị lại nôn nao đến lạ. Chị thấy mình như đang bước sang một trang đời mới. Chị sẽ tới nhà máy mỗi ngày, sẽ có thu nhập ổn định mỗi tháng. Nếu chăm chỉ làm việc nhiều năm sau này về già chị sẽ có đồng lương hưu trang trải. Nghĩ đến đó thôi mà lòng vui khó tả, vuốt lại bộ quần áo công nhân còn thơm mùi xả vải, chị mỉm cười bước vào nhà máy...

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng). 

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn