MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Truyện ngắn dự thi: Điều ước đêm giao thừa

Nguyễn Thị Trúc Ly LDO | 01/01/2024 06:00

Gần mười giờ, hai đứa nhỏ vừa ngủ, chị lại cặm cụi ôm bó lác và nhúng vội bó lục bình vào nhà, bật YouTube nghe bộ phim truyền hình Việt Nam “Tình yêu còn lại”, bộ phim chị đã xem từ hồi còn học cấp ba đến giờ hơn cả chục năm mà vẫn không chán.

Ngoài kia là tiếng nói cười của mấy người trong ấp vừa đi kêu Lô tô về “ổng may mắn ghê trúng cả SH”, “mai nhất định sẽ đi tiếp để có xe mà chạy”...

Chị lắc đầu “rồi lại có chuyện vỡ nợ cho xem”. Tết vừa rồi, chị cũng dẫn hai đứa nhỏ đi kêu Lô tô, thằng bé ngây ngô chỉ tay về mấy chiếc xe trên sân khấu.

“Mẹ ơi, mai mẹ bỏ chiếc xe cũ đi, rồi mình trúng xe mới này chạy nhen”

Đoàn Lô tô vừa mở màn kêu được hai lượt, chị lại dẫn hai đứa nhỏ về, với chị, đưa hai đứa đến đây để nó biết Lô tô trong tuổi thơ chị như thế nào, biết đâu sau này, thế giới 4.0 sẽ không còn Lô tô, và cuộc sống của những người trong đoàn Lô tô sẽ về đâu?

Cứ suy nghĩ vu vơ, sợi dây đan hơn bốn mét mà chưa thắt lại, nhìn sợi dây dài thăm thẳm, chị lại tự động viên: “Mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, để mai này con mình đỡ khổ”.

Đôi chân chị đầy vết nứt, chai sằn dù mới chạm ngưỡng ba lăm, tóc cũng xuất hiện sợi bạc li ti...

Chị cũng là một viên chức tại một Trung tâm trên tỉnh, sáng nào chị cũng thức thật sớm để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, chạy hơn 20km để đến chỗ làm, có mệt đó, nhưng niềm yêu thích công việc, chị luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc được lãnh đạo giao, chị cũng chẳng ngần ngại mà đi công tác ở mấy cơ sở, chiếc xe chị vẫn bon bon trên mọi nẻo đường. Nhớ hồi chị mang bầu đứa con thứ hai, con đường đang làm, đi lại rất khó khăn, khói bụi mịt mù, chị vẫn xin đi công tác cho hoàn thành nhiệm vụ. Năm vừa rồi, chị được cơ quan ghi nhận thành tích lao động xuất sắc, công đoàn viên xuất sắc.

“Mẹ ơi, nay ăn ngon vậy”, hai đứa nhỏ ngồi ăn mà khen suốt buổi, dường như lâu lắm chị mới mua cho hai đứa con vịt quay mà ăn.

“Công ty anh phá sản, sếp bỏ đi lấy hết lương của anh em trong xưởng”.

“Thôi, không sao, kể như mình nghỉ ngơi ở nhà với các con một thời gian đi, em lo được mà”.

Vậy là chị trở thành trụ cột gia đình, an ủi chồng, chứ lòng chị rối lắm, suy nghĩ về những ngày sắp tới đây, làm gì để lo cho gia đình. Lương của chị thật sự không đủ trang trải cho sáu thành viên, nên chị phải thức đêm nhiều hơn để làm mấy công việc lặt vặt từ thắt dây, làm mứt, làm bánh... không có tiền để thuê người làm cùng, nên chị làm hết mọi khâu, từ chế biến, thiết kế đến viết bài giới thiệu, còn chồng chị phụ việc đi giao hàng.

Cũng may cái Tết vừa rồi, món ăn chị làm ra đều được khách hàng đón nhận, chiều 29 tết, chị mới dám lấy tiền ra chở hai đứa nhỏ đi sắm mấy bộ quần áo mới, mà chẳng dám mua cho riêng mình. Sợ chồng chị tủi thân, chị vẫn hay an ủi: “Mình may mắn ở quê, nên có ít tiền mình vẫn sống được mà, còn ngoài kia biết bao anh chị công nhân còn khổ hơn mình, công ty đóng cửa, họ dường như không còn Tết”.

Đêm giao thừa, chị ngồi sắp xếp từng tờ tiền lẻ bán được hàng với tiền lương mà cơ quan thưởng, chị vừa đủ trang trải, chị thấm mệt nhưng vẫn cố làm xong mẻ mứt tầm ruột cho khách. Tiếng pháo râm rang trên tivi, tiếng chúc mừng của Chủ tịch Tỉnh, chị lại hy vọng vào một năm được ấm no, an yên bên gia đình.

Bầu trời đêm giao thừa trong veo, cành mai vàng được tắm mình trong ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn đường, ước mơ về một nhà máy sản xuất thực phẩm từ nông sản của người nông dân làm ra mà năm nào cũng gặp cảnh được mùa mất giá, rồi những chị công nhân trong xóm sẽ không còn cảnh ly hương, phải mưu sinh nơi xứ người, chị nhất định có cơm ăn thì anh em làm chung cũng sẽ có cháo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn