MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh hoạ của Thuỳ Anh.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH LDO | 01/10/2023 13:47

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

Đến Cổng trời, anh nhận ra tấm bia đá khắc tên ba và những y bác sĩ đã ngã xuống, nằm lặng lẽ trên đỉnh đồi, giữa tiếng thông reo vi vút. Phía trước cắm một đóa hoa hồng đủ sắc màu. Cánh hoa vẫn còn tươi, tựa như nơi này thường xuyên có người chăm sóc, thăm viếng.

Càng tiến về gần xóm Củi, anh có cảm giác mình đang lái xe về quá khứ mấy mươi năm - nơi chỉ có những ngôi nhà lúp xúp bằng gỗ cũ nép bên bìa rừng. Không khí lãng đãng trong màn sương lạnh buốt. Lưng chừng con dốc là trạm xá xóm Củi. Ngoài sân đang lố nhố người già trẻ nhỏ đứng nhòm vào cửa phòng bệnh. Qua tiếng xì xào của họ, anh biết hôm ấy có thai phụ trở dạ.

Gần tối, anh gặp được bác sĩ Lương khi ông đã kết thúc ca đỡ sinh. Đó là một ông già với nét mặt điềm đạm, tóc bạc như sương, có một vết sẹo dài trên má. Nhìn thấy anh, ánh mắt ông sáng rỡ: “Cháu Nhân con ba Giao phải không?”. Anh bối rối, mở ba lô tìm tờ giấy bổ nhiệm công việc ở trạm xá xóm Củi, bác sĩ Lương mỉm cười, khoát tay: “Chú biết rồi, thôi về nhà nghỉ ngơi đã cháu”.

Nhân ngạc nhiên, không biết rằng bao nhiêu năm qua, bác sĩ Lương luôn liên lạc với gia đình và dõi theo từng bước đi của mình.

Bác sĩ Lương dẫn anh đi về hướng ngôi nhà nhỏ cách trạm xá chỉ vài chục mét, lọt thỏm giữa rặng hoa hồng leo, cành lá ken dày vào nhau, xen kẽ màu hoa hồng phớt, đỏ tía, vàng cam, thơm ngát một triền đồi. Nhân rưng rưng, chợt hiểu ra chủ nhân của những bông hoa hồng cắm trên bia tưởng niệm.

“Về đây còn thiếu thốn và buồn tẻ lắm, cháu nghĩ kỹ chưa?”, bác sĩ Lương bất giác hỏi. Nhân đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà gỗ cũ đơn sơ của vợ chồng già, đòn tay ám bồ hóng đen xì vì vẫn phải đun nấu bằng bếp củi. Đêm xóm núi lạnh căm, bốn bề tĩnh lặng chỉ có tiếng côn trùng và chim gù từ bìa rừng vọng lại.

Anh hiểu vì sao bác sĩ Lương lại hỏi mình câu ấy, nhưng chẳng phải bác sĩ sẽ đến nơi nào có người cần mình hay sao, ba cũng đã sống một cuộc đời như thế! Bác sĩ Lương cảm động, lòng thầm nghĩ: “Thằng bé thật giống anh Giao”.

Ông chợt nhớ đến một ngày cuối năm 1980, lúc ông vẫn là một bác sĩ trẻ ở thị trấn, hăm hở với những chuyến đi chống dịch. Buổi sáng còn mờ đất, hai vợ chồng bật dậy, nhào xuống bếp nhóm lửa rang hai mẻ bắp lớn. Trời lạnh căm căm, Lương ôm túi đựng đầy bắp áp sát vào ngực cho ấm, hướng về con đường mòn dẫn đến trạm.

Chợt nán lại bên cành hoa hồng mới giâm trước cổng nhà đã ra vài chiếc nụ còn ướt đẫm sương, anh nói vọng vào với vợ: “Nó có nụ rồi này, chắc lúc anh về sẽ nở đấy”.

Ở trạm, các bác sĩ và nhân viên của đội sốt rét, lái xe kiêm giao liên cũng vừa tới. Anh hồ hởi mở túi bắp rang còn ấm, đi một vòng phát cho mỗi người một vốc to: “Anh em tranh thủ ăn kẻo lát nữa nguội cắn gãy răng đấy”. Mọi người vui vẻ đón lấy, cất vào túi áo blouse, vừa trệu trạo nhai vừa bốc những thùng thuốc lên chiếc xe tải mui bạt mới được UNICEF viện trợ.

Chín y bác sĩ thay phiên nhau trèo lên thùng xe. “Chật quá, để tao với thằng Lương ngồi ngoài bửng”, bác sĩ Giao đề nghị.

Đoàn hướng về xóm Củi, thời ấy còn cách thị trấn cả ngày đường. Hôm trước có thư báo xin viện trợ vì dịch sốt rét rất nặng. Con đường đi vào xóm đầy những đoạn cua chữ chi hiểm hóc, xuyên qua những rừng thông bạt ngàn. Mặt đường gồ ghề đá.

Bác sĩ Giao huých tay Lương: “Này, hồng nhà cậu lên khỏe không? Đi chuyến này về cậu cắt cho tớ mấy cành nhé, vợ tớ cũng thích hoa hồng”. “Anh thích thì có, lại cứ đổ vơ cho chị”, bác sĩ Giao phá lên cười. Tiếng cười thỉnh thoảng bị đứt quãng vì đoạn đường xóc nảy.

Gần đến Cổng trời - nơi đã rất gần xóm Củi, bỗng có tiếng súng nổ “chắp chắp” dội vào thùng xe. “Ai bắn kiểu gì kỳ vậy?”, bác sĩ Giao thất thanh hét lên. Trong xe, liên tục có tiếng “á”, “úi” của anh em. Chiếc xe dừng hẳn, có lẽ mọi người đều đã dính đạn. Bên cạnh Lương, bác sĩ Giao đang ôm bụng, máu tươi ộc ra, một viên M79 găm vào bên hông.

Nhìn viên đạn, Lương đoán ngay, chắc là lực lượng FULRO phục kích, chặn cướp thuốc. Anh vội ấn bác sĩ Giao nằm rạp người sát bửng xe, cả hai từ từ trườn xuống nép vào bánh xe rồi nhích về mép đường. Tiếng súng vẫn nổ. “Mày trúng đạn không Lương?”.

Lương nghe khắp người mình đau đớn, máu tươi thấm ướt quần áo, vẫn chưa biết trúng đạn chỗ nào. Đúng lúc ấy, một tiếng nổ chát chúa vang lên, chiếc xe bốc cháy. Một bác sĩ văng ra khỏi xe, rớt xuống trước mặt anh, thân thể bốc cháy ngùn ngụt.

“Lương, mày còn đi được không?”, bác sĩ Giao lay Lương đang thất thần bất động. Anh chết điếng khi nhìn những người anh em cùng đoàn, người cháy đen, người rớt trên mui xe, trong miệng vẫn còn ngậm bắp rang được chia cho hồi sáng. Lương nấc lên một tiếng khô khốc, đăm đăm nhìn vào vết thương trên hông đồng đội: “Mày kệ anh, đi tìm người đến nhanh lên!”.

Bác sĩ Lương cố lết theo vệ đường, anh tìm được đội Lâm Nghiệp đang cắm trại gần đấy, dùng hết sức bình sinh, thốt lên: “Lên Cổng trời cứu anh em”, rồi ngất xỉu. Lúc tỉnh lại, anh đã thấy xung quanh mình là một màu trắng toát của bệnh viện. Ngoài sân có tiếng rên khóc, kêu gào bi thương, cộng hưởng của mấy chục con người.

Một bác sĩ tiến đến bên giường, mắt rớm lệ, lắp bắp thông báo anh em mất rồi. Chỉ có mình anh sống sót dù trên người có tổng cộng mười một vết đạn. Đội Lâm Nghiệp tìm được bác sĩ Giao, nhưng anh cũng mất trên đường về bệnh viện.

Đúng lúc ấy, một cậu bé con tầm 5 - 6 tuổi bỗng nhào đến bên giường bệnh của anh: “Ba ơi! Ba ơi!”. Nó khựng lại, bần thần đứng nhìn gương mặt anh rồi khóc toáng lên, người phụ nữ chạy lại, ôm lấy con: “Không phải ba đâu con, ba... mất rồi”. Hai mẹ con gục khóc trên sàn nhà.

Anh nhận ra thằng cu Nhân - đứa con duy nhất của bác sĩ Giao. Khoảnh khắc đó, anh thấy mình tội lỗi vì là người “may mắn” sống sót. Anh nằm chơ ngơ ngó trần nhà lạnh toát, không dám chớp mắt, vì mỗi lần hàng mi cử động là nước mắt trào ra không cách nào ngăn lại.

Người ta chữa lành những vết thương trên da thịt anh, nhưng nỗi ám ảnh trong lòng không cách nào khâu vá được. Từng ngày sau đó trôi qua thật khó khăn. Bác sĩ Lương giấu cơn trầm cảm nặng nề, cả những đêm dài bật dậy trong ác mộng. Vì mang trên người nhiều thương tật, anh được đơn vị sắp xếp làm một công việc hành chính nhẹ nhàng với giấy tờ, sổ sách. Nhưng mỗi ngày trôi qua nặng nề và vô nghĩa. Nỗi đau buồn dần biến thành cảm giác chán nản rã rời, như xóa hết mọi hy vọng và niềm vui sống.

Hai năm sau, anh chủ động gửi đơn xin chuyển công tác về xóm Củi - khi ấy đang rất thiếu bác sĩ. Anh vẫn tin những vết thương tật trên thân thể mình không ảnh hưởng gì đến khả năng cứu chữa người bệnh.

Lúc ấy, trạm xá xóm Củi vẫn là một ngôi nhà cũ xập xệ, thiếu thốn đủ bề. Nhiều người trong xóm kể rằng, trước kia, họ chỉ biết chữa bệnh bằng lá rừng hoặc phó mặc sinh mạng vào tay ông trời. Thỉnh thoảng họ cũng cố khênh người bệnh nặng hoặc thai phụ khó sinh trên những chiếc võng hoặc cáng tự chế, đi cả ngày đường lên bệnh viện thị trấn. Vậy mà bao lần khiêng được nửa đường, họ đã phải khiêng về vì bệnh nhân thoi thóp, muốn được mất ở nhà.

Từ hôm bác sĩ Lương đến, ngày nào cũng có một vài ca sốt rét, sốt xuất huyết, tai nạn trong rừng, thai phụ trở dạ hay những đứa trẻ nghịch dại bị thương... Mỗi khi có người bệnh, cả xóm bỏ hết việc, tụ tập trước cửa trạm xá. Ô cửa sổ phòng bệnh khi ấy như một cái màn hình chiếu bóng, người dân trở thành khán giả chăm chú xem bác sĩ chữa bệnh.

Họ reo hò, rối rít bắt tay bác sĩ khi ông bước ra. Bác sĩ Lương thầm cảm ơn họ, vì ở đây, ông lại được là một bác sĩ thực thụ. Chính những người dân chất phác ấy khiến mỗi ngày của ông thêm ý nghĩa, khiến nỗi đau buồn, bi thương cũng phai nhạt dần.

Những người xóm Củi muốn giữ chân bác sĩ, đã dựng lên cho vợ chồng ông một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ như bao ngôi nhà khác trong xóm. Vợ ông vui vẻ đào đất, trồng lại những gốc hoa hồng mang từ nhà cũ. Sống ở vùng đất giá lạnh, mấy bụi hoa hồng chẳng mấy chốc đã bén rễ và đâm hoa tua tủa.

Bác sĩ Lương cắt những bông hoa đầu tiên, đạp xe lên Cổng trời, thắp một nén hương cho người ngã xuống. Về sau, nơi này được công đoàn Y tế tỉnh dựng lên một tấm bia để tưởng nhớ những liệt sĩ ngành y.

Năm tháng vùn vụt trôi, người dân xóm Củi dần yên tâm với sự có mặt của bác sĩ Nhân. Trạm xá cũng được xây mới và trang bị thêm máy móc, xe cứu thương, có thêm hai điều dưỡng trẻ trở về. Vợ chồng bác sĩ Lương quyết định đã đến lúc giã từ xóm Củi để về lại thị trấn - nơi vẫn còn một khoảnh vườn nhỏ và ngôi nhà cũ mà mấy mươi năm trước, họ chẳng ngần ngại bỏ hoang.

Trước khi đi, bác sĩ Lương “bàn giao” lại hàng hoa hồng cổ cho Nhân chăm sóc, chỉ cắt ít cành mang theo. Ông sẽ trồng lại một vườn hồng mới từ đám cành nhỏ ấy như để thực hiện một nhiệm vụ mới trong đời. Ông tin rằng nếu còn một nhiệm vụ nào đó, người ta sẽ luôn biết cách tiến về phía trước.

Hôm nay, Nhân lên thăm Cổng trời, thấy một bó hoa hồng còn tươi màu đặt ở đấy. Anh mỉm cười, biết rằng vườn hồng nhà bác sĩ Lương đã nở những bông đầu tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn