MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn miếu Hải Dương.

Truyền thống tôn sư trọng đạo

Bài và ảnh Nguyễn Hữu Mạnh LDO | 19/11/2023 13:26

Văn miếu hàng tỉnh là nơi thờ phụng Khổng Tử, các bậc hiền triết và đặt bia ghi lại tên tuổi của các bậc đại khoa trong tỉnh. Nhiều huyện, xã, làng, thôn xưa từng có văn chỉ. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các Văn miếu hàng tỉnh; Văn từ, Văn chỉ ở các làng xã - một loại hình di tích ít người biết tới sẽ giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống tôn sư trọng đạo của người dân Việt Nam ở mỗi làng quê.

Văn miếu hàng tỉnh

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội) đã rất nổi tiếng, trở thành biểu tượng, điểm đến ưa thích cho khách du lịch quốc tế và mỗi người dân Việt Nam khi có dịp ghé thăm Thủ đô. Khu di tích này có diện tích 24.000m2, trong đó có khu nhà bia lưu giữ 82 tấm bia ghi tên 1.306 vị Tiến sĩ từ năm 1442 đến 1779. Khu Đại Thành thờ Khổng Tử, các vị tiên hiền và khu Thái học (Quốc Tử Giám) - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Phía trước Văn miếu có hồ Văn, phía Tây có vườn hoa Giám. Đây là quy mô của Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay, cho ta thấy phần nào Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới triều Lê được miêu tả trong sách Việt sử Thông giám cương mục: “Hồi đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ của nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu thốn. Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho sửa rộng thêm ra. Đằng trước nhà Thái học dựng Văn miếu. Khu vũ của Văn miếu có điện Đại Thành để thờ Tiên Thánh, Đông vũ và Tây vũ chia ra thờ các tiên hiền và tiên nho; điện Canh Phục để làm nơi túc yến [trước ngày chính lễ một ngày, các quan được tham dự vào hành lễ, đều tề tựu Văn miếu túc trực, để sáng sớm hôm sau hành lễ gọi là túc yến]; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng để làm nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh Luân. Giảng đường phía Đông và giảng đường phía Tây thì để làm chỗ giảng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho Bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách; bên Đông, bên Tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong ba xá, mỗi bên 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghỉ ngơi của học sinh; bên đông, bên tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm”.

Theo thống kê, đến thời Nguyễn cả nước có 28 Văn miếu ở Kinh đô và các tỉnh thành, dinh trấn: Hà Nội (năm 1070), Huế (năm 1692), và Văn miếu các tỉnh: Biên Hòa (năm 1715), Bắc Ninh (sửa năm 1802), Quảng Nam (năm 1802), Bình Định (năm 1802), Nghệ An (năm 1803), Thanh Hóa (năm 1805), Quảng Yên (năm 1805), Cao Bằng (năm 1809), Lạng Sơn (sửa năm 1809), Quảng Ngãi (năm 1817), Quảng Bình (năm 1818), Nam Định (năm 1821), Hải Dương (năm 1823), Gia Định (năm 1824), Tuyên Quang (năm 1825), Bình Thuận (năm 1826), Hứng Hóa (sửa năm 1830), Thái Nguyên (năm 1832), Hưng Yên (năm 1839), Ninh Bình (năm 1839), Khánh Hòa (năm 1846), Sơn Tây (năm 1847), Vĩnh Long (năm 1864 - 1866), và Văn miếu các đạo: Quảng Trị (năm 1802), đạo Phú Yên (năm 1802), đạo Hà Tĩnh (năm 1833).

Văn miếu ở địa phương xuất hiện vào thời thuộc Minh, ghi trong Việt sử thông giám cương mục: năm 1414, “Hoàng Phúc nước Minh truyền bảo cho các phủ châu huyện dựng Văn miếu và các đàn thờ Xã Tắc, Phong Vân, Sơn Xuyên cùng các thần không ai thờ cúng, để tuế thì tế lễ”. Đến thời Lê sơ, Nho giáo phát triển cực thịnh, chắc chắn việc tu bổ, xây dựng Văn miếu được triều đình chú trọng. Năm 1465, nhà vua định lệ tế Văn miếu ở các trấn lộ: “Dùng hai ngày đinh mùa Xuân mùa Thu, chỉ tế mười vị hiền triết thôi”.

Chính điện - Văn miếu Sơn Tây.
Văn miếu Hải Dương.
Chính điện - Văn Miếu Hải Dương.

Di tích biểu hiện cho truyền thống tôn sư trọng đạo

Văn từ, Văn chỉ cũng là nơi thờ Khổng Tử nhưng ở cấp địa phương: huyện, xã, làng, thậm chí ở cả cấp thôn cũng có. Đây không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là trường học, có bia vinh danh những người đỗ đạt trong làng. Tấm bia Hà Trung thôn văn chỉ bi ký (xã Lãng Đông, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có đoạn: "Văn phong nước ta mở từ lâu. Ở triều đình xây Văn miếu, ở ngoài tỉnh ấp thì đặt Văn chỉ. Việc tôn sùng chính đạo là để chính nhân tâm. Điểm khác biệt so với Văn miếu Thăng Long đó là các Văn từ, Văn chỉ ngoài việc thờ Khổng Tử, Tứ phối, Chu Văn An hay một số người Trung Quốc có công truyền bá đạo Nho vào Việt Nam, thì ở nơi đây còn thờ cả những người đỗ đạt trong thôn, làng, xã, huyện, tỉnh. Một số địa phương, người đỗ đạt không nhiều, để tạo thêm truyền thống, cả những người không đỗ đạt nhưng có ra làm quan cũng được phối thờ".

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính ghi lại về Văn từ, Văn chỉ như sau: “Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ. Văn từ, Văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt, thì thờ Đức Khổng Tử gọi là Tiên Thánh sư, để làm chủ trương cho việc văn học trong làng. Các nơi thờ riêng những bậc khoa hoạn, đại để chia làm ba hạng: Hạng nhất là những người đỗ đại khoa (Tiến sĩ) và những người từ tam tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa; Hạng nhì là những người đỗ trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên, thờ ban hữu; Hạng ba là những người đỗ tiểu khoa (Tú tài) và những người làm đến bát cửu phẩm, thờ ban tả [...]. Nhưng nhiều nơi chỉ trọng riêng về đường khoa mục, hễ có đỗ mới được liệt tự, còn người làm quan dẫu có đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự”.

Nếu hiểu một cách chung nhất thì Văn miếu chính là cách gọi nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên thánh, tiên nho ở kinh đô và hàng tỉnh; còn Văn từ, Văn chỉ là loại hình di tích biểu hiện cho truyền thống hiếu học ở cấp huyện, cấp xã, cấp làng. Cách phân biệt trên đây chỉ mang tính chất tương đối, trong một số văn bia ở địa phương có trường hợp gọi văn chỉ của địa phương là Văn miếu huyện hay Văn miếu xã như tấm bia: Yên Lạc huyện Văn miếu bia của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc; bia Cấu tác Văn miếu bi ở xã Thiên Trạo, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình...

Trong tấm bia Văn Điển từ chỉ bi ký do Bùi Huy Bích soạn năm 1803 cho thấy việc coi trọng người hiền tài, khuyến khích việc học qua thờ phụng các bậc hiền triết đã phổ biến tới cấp làng xã: “Vả lại, từ khi thánh đạo truyền sang phương Nam, thì nước ta trở thành một nước văn hiến, thế mà từ đời Trần trở về trước, thì ngoài Đô thành ra, tìm lấy một nơi gọi là học cung hay Văn miếu thì chưa từng thấy. Thế mà ngày nay, chẳng những các lộ đều có học đường, ngay đến một xã bé xíu cũng biết noi theo”.

Ngày nay, Nho học không còn vị trí quan trọng như trước, chỉ có rất ít người Việt Nam biết chữ Hán. Hầu hết Văn miếu hàng tỉnh, Văn từ, Văn chỉ đã bị phá hủy nhiều. Mặt khác, tư liệu về Văn từ, Văn chỉ cũng không nhiều, nên việc nghiên cứu vấn đề này có phần hạn chế, tuy nhiên, rõ ràng rằng người Việt có một truyền thống hiếu học, trọng người học cao trong lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn