MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ chuyện của Tuấn Anh, Công Phượng trên đất Nhật: Đừng ảo tưởng, không ai “bị lừa” cả

GIANG ANH LDO | 23/10/2016 15:20
Việc Tuấn Anh không được đăng ký danh sách thi đấu và Công Phượng chỉ vào sân “điểm danh” vài phút cuối cần phải được nhìn nhận là chuyện bình thường, theo cách thực tế nhất. Và cái nhìn thực tế sau một “trận đấu quảng cáo”, đó là điều cần thiết, nhất là khi hơn 1 tháng nữa AFF Cup 2016 sẽ khởi tranh mà những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng chính là những niềm hy vọng…

Chuyện từ một trận đấu hạng Tư

“Trình độ và họ chơi thứ bóng đá thực sự trình độ, dù là cầu thủ nghiệp dư. Nếu bỏ Tây với các cầu thủ da màu để chơi bài nhồi bóng bổng và đá toàn nội binh, các đội V.League của mình sẽ không “ăn” nổi họ đâu…”.

Năm 2014, khi được mời tham gia cùng chuyến du đấu của U.13 SLNA - đội vô địch giải Thiếu niên nhi đồng Yamaha, HLV Hữu Thắng cùng cả đoàn đi Nhật được Ban tổ chức bố trí cho dự khán một trận đấu ở giải hạng Tư của CLB Azul Claro. Chỉ là một trận đấu ở hạng nghiệp dư, với bóng đá Nhật Bản thì là bán chuyên nghiệp, được tổ chức theo từng khu vực mà theo so sánh thì tương đương với “giải khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh”, thế nhưng về công tác tổ chức và sự chuyên nghiệp thì V.League cũng không bằng. Và điều đáng nói nhất, chất lượng trận đấu cùng chất lượng cầu thủ hạng Tư của Nhật Bản khiến HLV Hữu Thắng - người hiện đang dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam - cũng phải thán phục. Thể hình, thể lực tốt, các cầu thủ chơi kỹ thuật với tư duy bóng đá cao khiến ông thầy của Sông Lam phải tấm tắc vì “nghiệp dư mà chơi bóng khác biệt quá, hiện đại và văn minh”.

 

 

Công Phượng, Tuấn Anh đang là hy vọng ở ĐT Việt Nam. 

Ảnh: DD

Ở chuyến du đấu đó, U.19 SLNA gặp các đối thủ kém 1 tuổi và đều thắng lớn nhưng chơi bóng trên sân, sự khác biệt về phong cách lẫn tư duy của các cậu bé Nhật Bản là rõ ràng. Và từ những gì trông thấy ở một trung tâm bóng đá trẻ thuộc hàng cơ sở, thấp nhất trong hệ thống bóng đá theo phân cấp của người Nhật, từ điều kiện cơ sở vật chất đến hệ thống đào tạo trẻ với chân rết rộng khắp, dễ để nhận ra khoảng cách lớn so với bóng đá Việt Nam mà theo ước lượng cảm tính của một người đang làm bóng đá thì “có thể 30 năm nữa, chúng ta cũng không đuổi kịp được”.

Thời điểm đó, chính HLV Hữu Thắng khi so sánh và nhắc đến lứa cầu thủ tài năng của Học viện HA.GL Arsenal JMG với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều… từng tiếc nuối rồi ước ao, “giá như cầu thủ trẻ Việt Nam được đào tạo, trưởng thành trong môi trường như thế này”, thay vì đối diện với quá nhiều cái khó do chủ quan lẫn khách quan khi chỉ biết “đóng cửa tập chay” và giai đoạn trưởng thành, ra lò thì có phần lạc lõng so với phần còn lại của nền bóng đá như trung tâm bóng đá mà bầu Đức dồn hết tâm huyết vào xây dựng.

Đến chuyện một “trận đấu quảng cáo”

Khi các đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc đồng ý nhả cầu thủ về khoác áo Đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với CHDCND Triều Tiên và những Tuấn Anh, Xuân Trường tỏa sáng, cùng quân HA.GL để lại dấu ấn đậm nét, trận đấu thuộc vòng 36 J.League 2 giữa Mito Hollyhock và Yokohama FC được chọn để làm điểm nhấn, với 2 cầu thủ Việt Nam là Công Phượng - Tuấn Anh.

Từ bộ trang phục được thiết kế riêng, từ mẫu áo riêng dành cho số ít cổ động viên Việt Nam đến những màn quảng bá, quảng cáo rồi cả việc phát sóng trực tiếp trên một kênh chuyên về bóng đá ở Việt Nam…, tất cả khiến sự chú ý dồn về trận đấu mà tưởng như Công Phượng, Tuấn Anh sẽ là những nhân vật chính, nhất là sau màn trình diễn chói sáng của cặp Tuấn Anh - Xuân Trường ở trận thắng giao hữu CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng thực tế, Tuấn Anh không đạt yêu cầu để có thể đăng ký còn Phượng thì vào sân mấy phút cuối, không có tình huống đáng chú ý nào và thậm chí không được chạm bóng sau gần 10 phút có mặt.

Thực tế phũ phàng đó khiến cho nhiều khán giả cảm giác hụt hẫng, thất vọng và “như bị lừa”, nhưng không phải. Bởi về bản chất, ngay từ đầu việc Tuấn Anh hay Công Phượng sang Nhật thi đấu đã được nhìn nhận ở khía cạnh thương mại hơn là sự xứng đáng về chuyên môn và đây được coi là chuyến “du học” để trưởng thành. Việc hình ảnh 2 tuyển thủ Việt Nam được đẩy lên ở thời điểm, tình huống cụ thể có quá nhiều yếu tố thuận lợi như trận đấu này là điều bình thường, thậm chí nên nhìn nhận ở khía cạnh sự trọng thị của người Nhật với những cầu thủ trẻ đến từ Việt Nam mà trước đó chỉ dự bị, thỉnh thoảng được vào sân.

Vấn đề từ một “trận đấu quảng cáo”, có lẽ đó là thói quen kỳ vọng quá mức của số đông. Và ở đó, hơn bao giờ chúng ta có cái nhìn thực tế nhất về những tài năng sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam đang có, sau gần 1 năm qua Nhật “du học”. Và sau những gì thể hiện khi quay về khoác áo Đội tuyển Việt Nam, điều gần nhất để chờ đợi, đó là AFF Cup 2016 mà những Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng sẽ là những niềm hy vọng cũng như giải U.21 quốc tế cuối năm nay mà BTC mới quyết định đổi cả địa điểm về TP.Hồ Chí Minh, với sân chơi giao hữu cho các cầu thủ trẻ phù hợp với việc ghi điểm và quảng cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn