MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họp báo Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn những tác phẩm lớn sẽ bước ra văn đàn

Mi Lan LDO | 26/11/2023 06:15

Cuộc thi Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2021-2023 do Báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Hội nhà văn Việt Nam đã đi đến chặng cuối cùng với lễ trao giải cho những tác phẩm ấn tượng và đặc sắc nhất.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, nhà văn Y Ban - Thành viên Hội đồng chung khảo, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Cuộc thi nói: “Mới đầu, khi bắt tay vào đọc các tác phẩm, chúng tôi cứ nghĩ đây là đề tài khô cứng, khó viết. Nhưng thực sự chúng tôi đã bất ngờ, xúc động khi gần 500 tác phẩm đều sinh động, đầy chất liệu đời sống, chất chứa cảm xúc về phận người”.

Còn bộn bề những đề tài chưa viết hết về công nhân, người lao động

Tại buổi họp báo Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn ngày 20.11.2023, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi chia sẻ, những tác phẩm dự thi lần này đã phản ánh đa dạng, chân thực đời sống của công nhân, công đoàn và người lao động. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều đề tài để các cây viết tiếp tục trăn trở sáng tác, đơn cử như việc thực phẩm giá rẻ, thực phẩm bẩn, không đảm bảo được bán cho công nhân, người lao động - những người thu nhập thấp, khiến nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng - tác giả của tiểu thuyết “Thời gian trong cõi tạm” gây ấn tượng mạnh lần này cho rằng, bà vẫn chưa viết hết, chưa viết đủ những điều cần viết về một thời đầy đau khổ, gian lao của công nhân xây dựng ở Hà Nội những năm 1980 -1981.

“Thời ấy chúng tôi rất đói nghèo, khổ cực. Tôi đã chứng kiến cuộc đời bất hạnh của biết bao nhiêu đồng nghiệp, bạn bè. Vẫn nhớ, có anh bạn đồng nghiệp của tôi vì đói quá, bắt được con gà ngắc ngoải ở ven hồ Phương Mai về làm thịt ăn. Anh ấy đau bụng quằn quại và mất ngay sau đó. Cuộc sống quá khốc liệt, đến mức, đôi khi tôi thấy mình dường như không đủ tài năng để viết hết, viết đủ về thế hệ công nhân, bạn bè tôi.

Lại có một chị thợ xây cùng công trình với tôi, rơi ngã vào giàn giáo mất khi còn rất trẻ. Và đến khi mất đi rồi cũng không có nổi 2 bộ quần áo lành lặn để mặc. Những số phận ấy, những con người ấy cứ ám ảnh, đeo bám tôi, tôi ước như mình có thể tài năng hơn, để viết về một thời gian lao đến thế. Để những công trình lớn đã mọc lên như Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Rạp xiếc Trung Ương...” - nhà thơ Hoàng Việt Hằng kể lại.

Chuyến đi thực tế của các nhà văn tại Công ty Thaco (Quảng Nam). Ảnh: Linh Anh

Theo nhà thơ Hoàng Việt Hằng, hiện thực trong đời sống của công nhân, người lao động “ngồn ngộn chất liệu” để nhà văn có thể sáng tác. Đó có thể là đời sống đầy vất vả, đó còn là trách nhiệm với gia đình trên đôi vai gầy rộc vì mưu sinh của mỗi công nhân, đó cũng có thể là câu chuyện về tình yêu lứa đôi, hôn nhân của những cặp vợ chồng lao động nghèo...

Với tác giả 84 tuổi Đặng Huỳnh Thái - tác giả của tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc”, điều khiến ông ám ảnh nhất khi viết về công nhân là những vụ tai nạn lao động thảm khốc, ranh giới sinh - tử chỉ trong gang tấc.

“Những năm 1960, tôi học kỹ thuật mỏ ở Hà Nội. Sau đó, tôi là một trong những người đầu tiên về vùng mỏ tiếp quản sau khi thiếu ca nội. Tôi là kỹ sư khu mỏ Cẩm Phả. Tôi từng sống và làm việc ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) trong 35 năm, tôi đã chứng kiến những hành trình đầy biến động trong đời sống của thợ mỏ, đồng thời cũng chứng kiến sự nguy hiểm trong môi trường làm việc của thợ mỏ”.

"Tôi nhớ mãi câu chuyện về những linh hồn lạc lối. Đó là năm 1944, lò ngập khiến 100 người chết. Khi ấy, kỹ thuật chưa cao, nước mưa tràn xuống lò khai thác dưới độ sâu hàng trăm mét, khiến thợ lò chết thảm. Chủ mỏ ngay sau đó đã đóng cửa lò này. Những linh hồn của 100 thợ mỏ như bị mắc kẹt lại... 100 người thợ chết ấy, để lại 100 gia đình mất chồng, mất cha” - tác giả Đặng Huỳnh Thái kể.

Tác giả “Bể than Đông Bắc” nặng lòng với câu chuyện về công nhân thợ mỏ, khi ông hiểu rằng, đằng sau mỗi người thợ mỏ thường là một gia đình nghèo khổ, khó khăn. Công việc của thợ mỏ nặng nhọc, nguy hiểm luôn cận kề.

Theo lời kể của tác giả Đặng Huỳnh Thái, “một thợ mỏ đang làm việc, bị đá rơi đè lên chân, người cộng sự đứng bên chỉ còn cách duy nhất là chặt chân của người thợ mỏ đó ngay lập tức để cứu tất cả, nếu không đất đá có thể theo đó đổ xuống, gây sập hầm”. Hay, những vụ khai thác khoáng sản cần sử dụng đến mìn, khi dùng hàng trăm tấn mìn để phá núi, sức công phá của nó có thể lớn hơn sức tưởng tượng, khiến ở khoảng cách xa, con người vẫn phải chịu “án tử” bất thình lình.

Chính vì những câu chuyện thảm khốc ấy, tác giả tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” đau đáu với những vụ tai nạn trong lao động, những nguy hiểm rình rập đời sống của người công nhân và gia đình họ.

Bên cạnh đó, còn nhiều đề tài vẫn đang bỏ ngỏ, hoặc chưa được khai thác tận cùng xoay xung quanh đời sống của người công nhân thời đại 4.0, đó là khi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão sẽ đẩy công nhân truyền thống ra khỏi nhà máy, họ sẽ phải làm gì để tiếp tục tồn tại. Đó còn là câu chuyện về tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nông thôn bị biến thành thành phố, cơ hội tưởng như nhiều hơn, nhưng cạm bẫy, lừa đảo lại giăng mắc, bủa vây cuộc sống của những công nhân, lao động nghèo.

Cuộc thi đặt nền móng cho những cây viết tài năng phát lộ, cho những tác phẩm lớn bước ra văn đàn

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2021 - 2023 sẽ tiếp tục truyền cảm hứng sáng tác ngay cả khi đêm trao giải đã khép lại. Từ đây, cuộc sống của công nhân, người lao động nghèo sẽ được chú ý hơn, được quan tâm hơn, được trăn trở nhiều hơn, tác động mạnh mẽ hơn đến các sáng tác văn học.

Nói như nhà thơ Hoàng Việt Hằng, “để viết được về cuộc sống của công nhân, người lao động nghèo, phải cần đến sự thấu cảm, sự sẻ chia, rung động với nỗi vất vả, với muôn vàn khó khăn mà họ đang phải đối diện”.

Tác giả Viên Lan Anh của tác phẩm “Đôi bờ sông Mã” lại hy vọng, các nhà văn cần viết nhiều hơn về công nhân để thấy được vai trò của tổ chức Công đoàn đã và đang đồng hành, đấu tranh cho sự công bằng, tiến bộ, mức sống của người lao động ngày càng tốt hơn như thế nào, công đoàn đang nỗ lực biến giấc mơ của công nhân trở thành hiện thực.

Nhà văn Y Ban nói, bà đánh giá cao vai trò to lớn của cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn, sau cuộc thi này, những cây viết mới xuất phát từ công nhân, từ các nhà máy xí nghiệp sẽ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam để viết về chính họ, về hiện thực cuộc sống, về ước mơ và hạnh phúc của họ.

Cuộc thi sẽ là nền móng để những tài năng văn chương được phát lộ, để những tác phẩm lớn về thân phận con người giữa biến động thời đại từ các nhà máy, xí nghiệp sẽ bước ra văn đàn.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn