MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chân dung đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động - và tờ Lao Động số 1 ra ngày 14.8.1929. Ảnh: Tư liệu

Từ Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ đến Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam

Nguyễn Kim Sơn LDO | 28/07/2023 10:57

Ngày 28.7.1929, cách đây 94 năm, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc tại Hà Nội. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam ngày nay, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra Báo Lao Động và Tạp chí Công hội Đỏ, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng.

Nguyễn Đức Cảnh và sự xuất hiện của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động. Ông sinh năm 1908, được thừa hưởng sự giáo dục Nho học của bố mẹ và học Trường Thành Chung tại Nam Định. Đang theo học tại trường, Nguyễn Đức Cảnh tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu năm 1925, cho nên bị đuổi học. Sau đó, ông làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký, làm giáo viên Trường tư Công Ích tại phố Bạch Mai và làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư. Cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh đã có những tiếp xúc đầu tiên với những hạt nhân của Nam Đồng Thư xã, tổ chức chủ trương chống lại chế độ bảo hộ của người Pháp tại Đông Dương.

Mùa thu năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật được tổ chức cử sang Trung Quốc để tìm hiểu về Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Tại đây, ông đã dự thính một lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội mở. Sau khóa huấn luyện tại Quảng Châu, ông trở về nước và gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, một tổ chức của Nguyễn Ái Quốc hoạt động chống lại thực dân Pháp tại Đông Dương và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam.

Lênin từng khẳng định: “Giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường Công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa Công đoàn và Đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác’’.

Sau đó, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng (là một trong ba tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất diễn ra từ ngày 28.7.1929 đến hết ngày 30.7.1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Tham dự Đại hội có đại biểu các Tổng công hội tỉnh và thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh)... Hội nghị đã bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời Tổng Công hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội đã thảo luận thông qua điều lệ, chương trình hoạt động và ra tờ Báo Lao Động làm cơ quan tuyên truyền và Tạp chí Công hội Đỏ làm cơ quan lý luận.

Khác với công đoàn ở các nước dân chủ tư sản, các tổ chức Công đoàn sơ khai ở Việt Nam ngay từ mới ra đời đã phải hoạt động bí mật. Bên cạnh đó, công đoàn của các nước phương Tây chỉ tập trung đòi quyền lợi kinh tế cho công nhân. Công hội Đỏ ở Việt Nam trước hết là một tổ chức tập hợp công nhân tự cải tạo mình, tiến lên có khả năng cải tạo xã hội, cải tạo thế giới. Do đó, Công hội Đỏ ở nước ta mang tính chất cách mạng và ý nghĩa chính trị rõ rệt: giải phóng dân tộc và góp phần đấu tranh cho quyền lợi chung của giai cấp vô sản quốc tế.

Sau sự kiện ra đời của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp, có sự liên kết chặt chẽ giữa các cuộc đấu tranh của công nhân của xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương, giữa các địa phương này với địa phương khác trong toàn xứ, kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân, bãi thị của tiểu thương, bãi khóa của học sinh.

Việc thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân nước ta, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Phong trào công nhân không còn mang tính chất tự phát, mà đã dần đi vào hệ thống khi Công hội Đỏ như là “sợi dây chuyền nối liền đội tiền phong với quần chúng lao động”. Việc thành lập tổ chức Công đoàn đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam cũng góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào cộng sản công nhân quốc tế.

Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào công nhân Việt Nam và có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ sự hình thành các tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân trên cả nước: Công hội Vinh - Bến Thủy (11.1929), Tổng Công hội Đỏ Đà Nẵng (12.1929), Tổng Công hội Đỏ Sài Gòn, Chợ Lớn và Phú Riềng...

“Tiếng kèn” tập hợp giai cấp công nhân

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Đỏ đã tập hợp lực lượng thợ thuyền, đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam, tạo nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, là làn sóng cách mạng đầu tiên, thổi bùng lên khí thế đấu tranh của nhân dân Việt Nam, tạo tiền đề cho Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945.

Sau năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Đỏ đã chứng tỏ là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và Nhân dân.

Ngày 20.7.1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, từ tiền đề Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ đã thiết lập nên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949. Tổ chức này, trở thành “tiếng kèn” tập hợp nhân dân lao động cả nước cùng chung tay đấu tranh cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi cuối cùng vào ngày 30.4.1975.

Sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ sau này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.

Kể từ khi ra đời đến nay, 94 năm qua đã trôi qua, là chặng đường lịch sử vẻ vang của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Với những tên gọi khác nhau để phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng như: Tổng Công hội Đỏ (thời kỳ 1929 - 1935), Nghiệp đoàn ái hữu (1936 - 1939), Hội công nhân phản đế (1939 - 1941), Hội công nhân cứu quốc (1941- 1946), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 - 1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961- 1988) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 1988 đến nay. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời, đây là tổ chức đại diện bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Qua đó, công nhân Việt Nam tập hợp dưới lá cờ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã giúp phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; tổ chức, vận động đoàn viên, người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần to lớn vào thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn