MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm panorama bên trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

Tư tưởng lớn, chiến thắng lớn

Nguyễn Thiện Nhân LDO | 07/05/2023 14:30
Ôman Uxêđích - Trưởng đoàn đại biểu Quân đội Algeria nói trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1960 rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7.5.1954, “đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu”. Tư tưởng “tướng quân tại ngoại và đánh chắc thắng” là hành trang của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nơi biên ải, đem lại một niềm tin sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang.

Hồ Chí Minh với chiến trường Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ là lần đầu tiên chúng ta đã tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực vào một trận đánh, phối hợp với hai nước bạn Lào - Campuchia chia sẻ với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến chung được Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhấn mạnh là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt. Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh. Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi diễn biến của toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ với một sự quan tâm đặc biệt. Người đã nhiều lần có thư, điện gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong các bức thư và điện, người xác định rõ: “Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”. Người động viên bộ đội: “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ gìn quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”.

Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin từng ngày, từng giờ, Hồ Chí Minh đã đem cho cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi. Niềm tin ấy lan tỏa ra khắp mặt trận, tới cả dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, đồng bào vùng địch tạm chiếm... Niềm tin ấy xuất phát từ cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta để bảo vệ nhân phẩm con người, vì nền độc lập, tự do, hòa bình của nhân loại.

Trả lời nhà báo nổi tiếng Australia - Wilfred Burchett về triển vọng cuộc chiến đấu của Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hình tượng “chiếc mũ lật ngược”, trong đó quân ta ở trên vành mũ, còn quân Pháp thì ở dưới lòng mũ.

Hình tượng đó thể hiện lòng tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của quân dân ta ở Điện Biên Phủ. Ở đây không chỉ là niềm tin vào thắng lợi bắt nguồn từ lòng tin vào con người mà còn là tầm nhìn xa, trông rộng lạ thường gắn với lòng dũng cảm và tinh thần kiên trì, quyết tâm chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng, mặc cho mọi trở lực và thử thách.

Tác phẩm panorama bên trong bảo tàng. Ảnh: Văn Thành Chương

Tướng quân tại ngoại

Một trong những quan điểm xuyên suốt có ý nghĩa phương pháp luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong chiến trận, Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhấn mạnh với phương châm “cơ động, linh hoạt”. Người nói: Phép dùng binh phải thiên biến, vạn hóa. Sự thay đổi trong “phép dùng binh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến không phải tùy tiện, thiếu cơ sở căn cứ, mà bao giờ cũng phải “tích cực, chủ động, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống”. Đó là trong trường hợp bàn tới phương châm tác chiến, hướng hoạt động.

Còn ở ngoài mặt trận, khi “mặt giáp mặt với quân thù”, Hồ Chí Minh nói: “Tổng tư lệnh mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao tặng cho chú toàn quyền quyết định”. Tư tưởng này ở Hồ Chí Minh đã có từ sau năm 1951 khi người viết cuốn “Phép dùng binh của Tôn Tử”. Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh đã chỉ ra “tướng biết có thể đánh và không thể đánh”. Quân đội thắng lợi là vì họ chắc thắng rồi họ mới ra đánh, quân đội thất bại thì ra đánh rồi mới cầu thắng. Ngoài biên ải, tổng chỉ huy có toàn quyền quyết định, nhưng phải trên cơ sở một nguyên tắc cao nhất là “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đó là tư tưởng lớn, vinh dự lớn, trách nhiệm lớn.

Tư tưởng “tướng quân tại ngoại” chi phối mạnh mẽ suy nghĩ hành động của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ. Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Quyết định khó khăn nhất” là khi hầu hết tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm hậu cần; các cán bộ cao trung những đại đoàn tham gia chiến đấu, nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đều thấy “nên đánh ngay, giải quyết nhanh”.

Trong những giờ phút căng thẳng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lấy lời dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động: Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Khi tổng chỉ huy đã “đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình” thì chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi điện cho các binh chủng báo chuyển phương châm tiêu diệt từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và cho các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần...”.

Một quyết định lui quân được chấp hành như mệnh lệnh chiến đấu. Mấy ngày sau khi gửi thư hỏa tốc về báo cáo Bộ chính trị, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp biết rằng: “Bác và các anh ở nhà nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn”. Chỉ huy trưởng đã xử trí tình huống theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thông minh, táo bạo, với một niềm tin tất thắng không gì lay chuyển nổi, để đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries (Đờ-cát) và hơn một vạn quân Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng.

Chiến thắng này tiêu diệt nhiều quân xâm lược ở Điện Biên Phủ, buộc đối phương phải đi đến kí kết Hiệp nghị Genève. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, được xây dựng ngày càng vững mạnh trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đó là nhân tố quyết định nhất, trong khi phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam thành đồng tổ quốc là “nhân tố quyết định trực tiếp” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong lần đến thăm Việt Nam, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã từng nói: “Tôi đã đọc lịch sử chiến tranh, từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song, trên thế giới chưa từng có, trong lịch sử chưa từng thấy”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn