MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh Tu viện Văn Thù. Ảnh: An Hạ

Tu viện Văn Thù

an hạ LDO | 23/05/2020 14:00
Người ở sân bay Thành Đô ăn mặc đẹp, chủ yếu là dân Trung Quốc, hiếm bắt gặp người nước ngoài dù đây là thành phố du lịch lớn. Khi nãy trên máy bay, tôi và D chăm chú ngắm nhìn một cô gái trẻ ngồi ở hàng ghế bên tay phải. Xuống sân bay, thi thoảng mắt tôi lại mê mải chạy theo một bóng thướt tha vừa đi lướt qua. Đồ bình dân hay đồ hiệu đều đẹp vì kiểu dáng hiện đại, và người mặc biết mặc gì hợp với mình. Tôi nhận ra vài kiểu quen quen bày trong các cửa hiệu ở phố Hàng Gà. Tôi đã quên mất là người Trung Quốc tự sản xuất được đủ thứ, đâu phải mỗi quần áo.

1. Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên được bình chọn là thành phố hạnh phúc nhất Trung Quốc. Tôi đang ở thành phố hạnh phúc nhất của đất nước hơn 1 tỉ dân, ở Thiên Phủ Chi Quốc (Thiên Phủ là cái khố của trời, quốc là khu vực, vốn chỉ những nơi có đất đai phì nhiêu sản vật phong phú. Có thể tạm hiểu là đất nước thiên đường). Mảnh đất mà "Một năm thành làng, hai năm thành ấp, ba năm thành đô", có lúc từng được gọi là Phù Dung thành vì hoa phù dung nở rực rỡ suốt 40 dặm, là nơi Lưu Bị đặt kinh đô. Buổi sáng khi thức dậy trong khách sạn, điều đầu tiên tôi tự nhủ là điều đó. 

Điểm đến đầu tiên của buổi sáng hôm sau là Văn Thù viện. Tôi luôn có cảm giác rất gần gũi với đạo Phật. Đạo Phật với tôi, còn hơn cả một khoa học. Thế nên, chuyến đi được bắt đầu bằng chuyến viếng thăm Văn Thù viện, mà không phải bất cứ địa điểm vui chơi nào, khiến tôi ngay lập tức tin rằng đó là một dấu hiệu tốt lành. Căn nguyên của niềm tin ấy là bởi điểm cuối của hành trình sẽ là Nepal.

Trước đây lâu lắm rồi, tôi đọc được, theo truyền thuyết, thì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã tạo nên vương quốc Nepal bằng việc làm cho thung lũng Kathmandu - thủ đô của Nepal, nơi vốn là một hồ nước lớn - trở thành nơi có thể ở được. Truyền thuyết là truyền thuyết, nhưng niềm tin là niềm tin. Điểm bắt đầu và kết thúc của chuyến đi có chút liên quan tới nhau làm nên một niềm tin rằng chuyến đi này chắc chắn sẽ đặc biệt.

Quang cảnh Tu viện Văn Thù. Ảnh: An Hạ

Tu viện Văn Thù cách khách sạn của chúng tôi một đoạn đi bộ. Google maps không hoạt động ở đây. Trước khi đi, tôi đã cẩn thận tải bản đồ của Thành Đô trong một ứng dụng du lịch quen thuộc, có thể sử dụng mà không cần internet, để phòng lúc cần đến. Còn lại đã có D. Trước khi rời khách sạn, chị đã kịp lấy bản đồ du lịch ở chỗ lễ tân, và nhờ viết tên những điểm cần đến bằng tiếng Trung vào ngay bản đồ. 

- Họ không biết tiếng Anh đâu. Em chỉ cần đưa tên địa điểm viết bằng tiếng Trung cho họ là được, hoặc em chụp ảnh rồi chìa cho họ xem.

D giải thích thế. Đúng là nhà văn trinh thám, tư duy luôn logic và chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Tôi hớn hở xúng xính váy mũ tung tăng đi chơi. 

Đường phố Thành Đô cực kỳ sạch. Không thấy rác, không thấy bẩn. Hè phố sạch tinh tươm. Đây là Trung Quốc. Trung Quốc xấu xí ở đâu chứ không phải ở đây. Và chẳng hiểu có phải gặp may không, gần như toàn bộ những người mà chúng tôi hỏi đường, đều nói được tiếng Anh. Thành phố hạnh phúc nhất, bắt đầu từ chính con người.

Gần tới nơi, lác đác trên vỉa hè có người bán những chùm hoa trắng tinh nho nhỏ. Thời tiết khô. Đường phố sáng bừng nắng. Dòng người đi bộ trên vỉa hè càng lúc càng đông. Vài người trong số họ mang theo chùm hoa trắng tôi thấy khi nãy. Họ mang hoa đến tu viện. Không thấy ai cầm thẻ hương hay mâm lễ, gần khu vực tu viện cũng không có cửa hàng nào bày bán đồ lễ.

Tới ngã tư, ngay cột đèn đỏ, là cổng vào tu viện. Tôi mê mải ngắm. Cổng như cổng chào, hai đầu mái cong lên như cái đầu đao, biển ghi tên "Văn Thù phường". Hình Phật ngồi trên đài sen được khoét lỗ trang trí khắp nơi, đến cái nắp cống cũng lạ, có cái đúc hình sáu con cóc quay mặt ra phía ngoài.

2. Người tới Văn Thù viện rất đông, nhưng khung cảnh tĩnh lặng thanh bình đáng ngạc nhiên. Ngoài dân địa phương thong thả với không gian thân thuộc. Tôi còn bắt gặp vài nhóm nam giới độ trung niên mặc áo phông quần soọc chơi bóng bàn ở khuôn viên phía sau, dễ nhận ra khách du lịch với khuôn mặt tập trung ngó nghiêng, lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh, điện thoại. 

Chúng tôi dạo bước quanh ngôi chùa được coi là một trong tứ viện Thiền tông của Trung Quốc, dừng lại chụp ảnh ở một hành lang dài, cửa gỗ sơn đỏ, treo biển "Đạo đức chương khôi"  trang trọng. Ra là phát huy gìn giữ đạo đức, làm cho đạo đức trong sáng hơn, đạo đức ở đây được đóng khung treo biển. 

Thông tin tôi đọc được trên travelchinaguide vỏn vẹn như sau. Ban đầu, tu viện Văn Thù chỉ là một ngôi miếu, xây dựng từ đời nhà Đường. Hơn 1.000 năm sau, một nhà sư tới chùa, tu tập nơi đây, khi ngài qua đời, trong ngọn lửa hoả táng xuất hiện linh ảnh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị Bồ Tát đại biểu cho trí huệ, từ đó mà ngôi miếu nhỏ được xây dựng trở thành tu viện Văn Thù, nơi thờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Nơi đây còn lưu giữ hơn 500 bức tranh và thư pháp từ triều nhà Đường và Tống, thánh tích xương ngón tay của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và mảnh sọ của nhà sư Huyền Trang.

3. Tôi đang làm gì ở đây? Tôi tự hỏi. Giống như rất đông người xung quanh tôi. Những du khách, chủ yếu là người Trung Quốc, tới đây làm gì? Ngoài sự tò mò, háo hức, hình như chúng tôi cũng không mấy quan tâm đến việc hành lễ. Bao nhiêu người tới đây thực sự là Phật tử, bao nhiêu kẻ hành hương chiêm bái thánh tích?

Điều dễ thấy nhất là tôi đang bước từng bước chậm, rất chậm, ý thức được sự chậm rãi của mình, từ từ tận hưởng sự thanh tĩnh trầm mặc trong tâm hồn. Tôn giáo, ở một khoảng cách xa về nhận thức, tức là ngay cả khi người ta chưa hiểu, chưa tin, chưa ngộ, cũng có quyền năng mang tới cảm giác bình yên, bằng không gian đặc trưng khác biệt với đời sống thường nhật, bằng việc gây nên niềm tin hay khiến người ta tự vấn về sự tồn tại, cho dù là sự tồn tại của một vị Chúa, một vị Bồ Tát, của nõi Niết bàn, hay của chính cuộc đời mỗi con người. 

Ngay lúc tôi đang suy nghĩ, thì câu hỏi "họ tới đây để làm gì?" có thêm câu trả lời. Chúng tôi bắt gặp một cô gái trẻ đang say sưa tạo dáng chụp ảnh. Cô gái rất trẻ, chắc chưa tới 20 tuổi. Cô mặc đồ cổ trang màu đỏ, hoa vàng lấp lánh, tay cầm quạt lụa trắng thêu hoa xanh nhạt, tóc buông dài cài trâm hoa y như trong phim. Ôi đi chụp ảnh mà kỳ công thế này! Sau khi xin chụp ảnh cùng thiếu nữ cổ trang, tôi quay sang D:

- Chị, mai em cũng muốn làm tiên nữ. 

Nhưng không chỉ có làm tiên nữ, sống vài giờ như người thời nhà Thục (Thành Đô là kinh đô của nước Thục), người ta còn tới đây để uống trà. Quán trà ngoài trời rộng và mát. Ghế ngồi đều làm bằng tre, trên bàn bày từ cốc uống trà tới bình giữ nhiệt. Dưới bóng cây, người mặc đồ Phật tử, khách du lịch, cả mấy bà nội trợ trung tuổi thơ thẩn uống trà. Không gian lao xao tiếng nói chuyện, mọi thứ uể oải dễ chịu. 

Trong sân, còn có một tiểu cảnh non bộ nước chảy róc rách. Tôi muốn ngồi lại uống trà mà không có nhiều thời gian, đành tiếc rẻ ngắm nhìn mà đi bộ xuyên qua quán, rẽ sang một toà tháp ba tầng.

Sau này khi gửi ảnh chụp về nhờ dịch giúp, tôi mới biết toà tháp ấy là Không Lâm Thư hoạ viện. Phật giáo, thư pháp, trà và tiên nữ, đấy là cách tôn giáo, văn hoá cổ truyền giao thoa với đời sống thực tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn