MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Đỗ Thuý Nga - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng.

Từng nét chữ thắp lên hy vọng

Bài và ảnh thu giang LDO | 20/11/2022 07:03
Gần 20 năm gắn bó với lớp học đặc biệt nằm sâu trong con phố Kim Mã (TP Hà Nội), khi đôi mắt đã mờ, chân đã chậm dần nhưng bác sĩ Đỗ Thuý Nga vẫn hằng ngày giúp đỡ nhiều trẻ em bị thiệt thòi, khiếm khuyết. Với bà, khoảnh khắc được nghe thấy tiếng nói, tiếng cười, sự tiến bộ từng ngày của các em chính là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Giúp đỡ những "mảnh trăng khuyết" 

Trung tâm Hy Vọng của bác sĩ Đỗ Thuý Nga nằm ở ngõ 290 Kim Mã (quận Ba Đình) đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình, bậc phụ huynh gửi gắm con em mình bị khiếm khuyết. Từng tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa, sau đó học chuyên sâu và làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ Đỗ Thúy Nga về làm công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Ba Đình. Vì tâm huyết với công việc chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ nên sau khi nghỉ hưu, bà đã thành lập Trung tâm Hy Vọng vào năm 2002. 

Ban đầu thành lập, trung tâm chỉ là nhóm nhỏ với 6 trẻ khuyết tật từ 3 đến 7 tuổi. Nhưng đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và giúp đỡ cho gần 500 trẻ em bị khiếm khuyết, có hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng trẻ ở trung tâm qua từng năm cũng đa dạng hơn, ngoài 8 nhóm bệnh như: Down, bại não, hẹp sọ não, não úng thuỷ, di chứng viêm màng não, di chứng đẻ khó do trẻ bị ngạt hay tăng động giảm trí nhớ, động kinh..., trung tâm còn nhận dạy và can thiệp cho trẻ tự kỷ, trẻ bị nhiễm chất độc dioxin.

Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng theo bác sĩ Nga, tất cả các nhóm bệnh trên đều có chung một bệnh chứng là chậm phát triển trí tuệ. Nhiều trẻ nhỏ được nhận vào trung tâm khi đang ở lứa tuổi từ 3 - 11, cá biệt hơn cũng có những em đã trên 15 - 16 tuổi cũng đang theo học tại nơi này.

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga nói: "Trẻ bình thường có thể phát âm gọi bố, mẹ từ khi 7 - 8 tháng tuổi vô cùng đơn giản nhưng nhiều ông bố, bà mẹ có con bị khiếm khuyết ở trung tâm phải mòn mỏi chờ đợi suốt 2 - 3 năm. Thậm chí, sau thời gian kiên trì, nỗ lực, trẻ 6 - 7 tuổi mới gọi được một tiếng Mẹ ơi đầu tiên. Khi đó, không chỉ người mẹ, gia đình trẻ khóc mà ngay cả chúng tôi cũng nghẹn ngào khóc theo".

Theo bác sĩ Nga, bên cạnh những nỗ lực của cô trò ở Trung tâm Hy Vọng thì sự ủng hộ vật chất, tinh thần của các tổ chức đoàn thể như Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội, Tổ chức Projects Abroad English, Tổ chức Unireach International (Mỹ), các tình nguyện viên trong và ngoài nước... cũng là nguồn động viên lớn giúp các em nhỏ tại đây vượt qua bệnh tật, sớm hòa nhập với cộng đồng.

Trung tâm Hy Vọng đã tiếp nhận và giúp đỡ cho gần 500 trẻ em bị khiếm khuyết, có hoàn cảnh khó khăn.

Nỗ lực để trẻ hòa nhập với cuộc sống

Không chỉ tiếp nhận trẻ em ở địa bàn Hà Nội, Trung tâm Hy Vọng của bác sĩ Đỗ Thuý Nga còn tiếp nhận trẻ em ở hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... Đến nay trung tâm đã có hơn 20 cán bộ, giáo viên cùng hơn 200 tình nguyện viên trong và ngoài nước. 

Nhiều giáo viên ở đây chia sẻ, mỗi nét chữ, mỗi chữ cái, mỗi phép tính tuy đơn giản nhưng có trẻ ở trung tâm phải học cả tuần. Một bài thơ, các em phải học nhiều lần mới thuộc. Có khi đang ngoan ngoãn, trẻ bất ngờ la hét, lên cơn giật, nôn trớ, phá phách... nên các các giáo viên ở đây cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý, kiên trì, thấu hiểu với hoàn cảnh của trẻ. Với sự kiên trì của các thầy cô, nhiều trẻ ban đầu không nói rõ lời, gọn ý, không cầm được thìa, bút, đến nay đã có 60% học sinh lớp A1 biết đọc, biết viết, 90% biết giao tiếp như chào hỏi lễ phép, biết mặc quần áo gọn gàng và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.  

Cô Đoàn Tố Quyên (giáo viên trung tâm Hy Vọng) chia sẻ, việc dạy và chăm sóc trẻ khiếm khuyết phải dựa hoàn toàn vào tâm sinh lý, luôn luôn thay đổi hình thức dạy sao cho phù hợp với từng trẻ. Dạy cho trẻ khuyết tật trí tuệ rất vất vả vì các em không có khả năng nhận thức nhanh như trẻ bình thường. Có khi cô Quyên mất một ngày mới có thể dạy được cho trẻ một chữ cái, nhưng cũng có khi mất cả tuần, cả tháng...

"Dạy trẻ khuyết tật, chúng tôi phải rất nỗ lực và kiên nhẫn. Khó khăn là vậy nhưng khi dạy được cho trẻ biết thêm một điều gì đó thì chúng tôi cũng mừng lắm. Cách đây 2 tháng, vào một buổi sáng, khi tôi đang chải tóc cho các em nữ, bỗng dưng T.U - cô bé mắc chứng bệnh tự kỷ cả ngày chỉ ngồi một chỗ đã đứng lên cầm lược chải tóc cho các bạn, rồi chải tóc cho mình" - cô Hương (giáo viên lớp A4) tâm sự.

Đồng hành với trung tâm Hy Vọng, có những giáo viên đã gắn bó từ khi trung tâm mới thành lập. Là người có thâm niên lâu nhất ở trung tâm, cô Nguyễn Thị Quý vẫn nhớ rõ chặng đường đón nhận những đứa trẻ từ lúc còn bế ẵm đến khi trưởng thành. Cô Quý cho rằng, điều níu kéo cô làm việc tại trung tâm lâu đến vậy chính là những khoảnh khắc được nhìn các em hòa nhập với cuộc sống, đi làm, lập gia đình bình thường như em Đồng Đức Linh, Nguyễn Anh Phong, Hứa Trung Chính...

Tuy còn gặp nhiều khó khăn về chi phí duy trì cơ sở, chi trả thu nhập cho giáo viên, nhân viên  nhưng hơn 20 năm qua, trung tâm Hy Vọng bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn cố gắng thu xếp giảm học phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Trung bình học phí của mỗi trẻ là 4 triệu đồng/tháng, nhưng có trẻ sẽ được đặc cách, giảm học phí còn 1,5 triệu đồng/tháng do bố mẹ, phụ huynh không có công việc làm ăn ổn định. Một số trẻ ở ngoại tỉnh xa xôi khi đến trung tâm cũng được miễn giảm một phần học phí để hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ tại Hà Nội trong suốt quá trình theo học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn