MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lắp đặt Trạm radar Quy Nhơn phục vụ giám sát thời tiết nguy hiểm tại khu vực Nam Trung Bộ.

Ứng dụng công nghệ trong nghề “bắt bệnh ông Trời”

Lê Thanh hải LDO | 02/02/2020 10:30
Từ thuở sơ khai, loài người đã biết nhìn trăng sao chuyển động, xem bóng nắng, ngắm mây bay để dần tích lũy phán đoán. Những kinh nghiệm từ truyền khẩu, ghi chép qua các vết khắc trên cây cối, bờ sông, nhà cửa vẫn được lưu giữ để đến thời 4.0 này, chúng ta biết rằng tổ tiên đã làm gì để sống chung, thích ứng với sự vận động của vũ trụ.

Các cụ ta xưa dặn rằng: “Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa”, “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi”, “Mống đông vồng tây, chẳng mưa dây cũng bão giật”, “Ráng mỡ gà trời gió, ráng mỡ chó trời mưa”, “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa”, “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”... Mỗi vùng, miền, địa phương lại có những đúc kết riêng. Những kinh nghiệm này đã truyền khẩu qua bao đời và đến nay vẫn còn vang vọng. 

Hội nhập với thế giới về dự báo

Hiện nay, có nhiều phương pháp, cách thức dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn và khí hậu khác nhau như: Phương pháp thống kê, phương pháp phân tích synop (phân tích các hình thái thời tiết, từ đó đưa ra dự đoán cho tương lai), phương pháp mô hình số trị giúp tăng thời hạn dự báo và cả về chất lượng dự báo. Các quy mô: Quy mô toàn cầu với độ phân giải 150-50km, quy mô khu vực (<15km) và quy mô nhỏ (<2km), tùy thuộc năng lực tính toán của máy tính. Trong công tác dự báo nghiệp vụ khí tượng thủy văn (KTTV), công nghệ dự báo bằng mô hình số cho ra những bản tin khách quan, định lượng và với số lượng bản tin nhiều hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn với nhiều loại hiện tượng, cả không gian, cả thời gian và dự báo càng ngày càng xa hơn trong tương lai.

Công nghệ dự báo với những mô hình dự báo được chạy trên nền tảng hệ thống siêu máy tính hiệu năng cao với tổng năng lực tính toán khoảng 300Gflops (nghìn tỉ phép tính trên giây). Hàng ngày, hệ thống dự báo thời tiết số trị cung cấp từ 2 đến 4 bản tin dự báo. Đặc biệt, với công nghệ dự báo tổ hợp, các bản tin dự báo xác suất được đưa vào nghiệp vụ phục vụ hiệu quả cộng đồng với các bản tin dự báo thời tiết cực ngắn, dự báo mưa lớn trong những tình huống thời tiết nguy hiểm được các dự báo viên Trung tâm Dự báo KTTV nghiên cứu phát triển...

Trong công nghệ dự báo thủy văn, từ số liệu KTTV hàng ngày được các quan trắc viên đo đạc còn có hệ thống quan trắc tự động về mưa và các dữ liệu mặt đất được mã hóa và chuyển về Trung tâm Thông tin dữ liệu KTTV được giải mã tự động phục vụ cho công tác dự báo nghiệp vụ ở Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các đơn vị dự báo. 

Từ năm 2011, Việt Nam đã thử nghiệm làm bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm cho 4 nước trong khu vực Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippinne), từ năm 2016 tần suất ngày 2 bản tin. Trong kế hoạch năm 2020 và những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục cam kết với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á (RSFC Hà Nội) đặt tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ tác nghiệp cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm và hướng tới thực hiện mục tiêu cung cấp, chia sẻ thông tin, số liệu lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. 

Khoa học dự báo KTTV trên thế giới và Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều sai số, đặc biệt là đối với khu vực nhiệt đới bị ảnh hưởng bởi địa hình và gió mùa phức tạp như Việt Nam. Hệ thống khí quyển bị chi phối bởi các nhiễu động có quy mô không gian và thời gian rất nhỏ, vì thế, một nhiễu động đối lưu nhỏ hoặc sai lệch về tâm hội tụ ẩm cũng có thể dẫn đến sai số lớn trong kết quả dự báo. 

Kết quả trong dự báo bão, từ các mô hình dự báo số trị cho kết quả dự báo khá tốt khi bão hoạt động trên biển. Tuy nhiên, khi bão gần bờ và sắp đổ bộ, do ảnh hưởng của địa hình làm cấu trúc bão bị biến dạng nên các mô hình toàn cầu khó có thể xác định được tâm bão gần bờ. Vì thế, phải dùng số liệu quan trắc mặt đất, radar, thám không, hoặc dùng mô hình khu vực có độ phân giải cao vài km thì mới có thể xác định được vị trí, cường độ bão.

Điều này được thấy rõ nhất trong việc dự báo một số cơn bão điển hình của năm 2019. Theo như đánh giá từ Trung tâm Cảnh báo bão khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đặt tại Tokyo Nhật Bản (RSMC Tokyo) và Cơ quan Khí tượng Anh quốc (UK Met office) cho thấy, trong 20 năm qua, sai số dự báo vị trí trung bình theo các hạn đều tăng. Sai số dự báo cường độ bão theo các hạn dự báo từ 2013 đến nay đều gia tăng. Điều này thể hiện rõ nhất khi trong cơn bão số 6 (Nakri năm 2019). Cùng một thời điểm ra bản tin dự báo khi bão cách đất liền 410km, các Trung tâm dự báo bão lớn nhất thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ đều đưa ra những tin dự báo chênh lệch rất lớn về cường độ, thời gian. Chính vì những sai số trong dự báo bão mà các nước không sử dụng trực tiếp sản phẩm mô hình số trị để đưa ra bản tin dự báo cho người dân, mà phải hiệu chỉnh, bổ sung bằng các số liệu quan trắc và phương pháp thông kê để có được bản tin cảnh báo tốt nhất.

Nâng cao trình độ để tiếp cận công nghệ hiện đại

Năm 2019, lĩnh vực dự báo KTTV đã nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ chuyên sâu của các cơ quan dự báo, các chuyên gia dự báo lớn nhất trên thế giới. Các chuyên gia hàng đầu thế giới về đồng hóa số liệu, chuyên gia hàng đầu về mưa định lượng đã sang Việt Nam trực tiếp đào tạo các dự báo viên trong hoạt động tác nghiệp, tư vấn cho Chính phủ Việt Nam những định hướng phát triển công nghệ dự báo tiên tiến nhất thế giới; đã đào tạo và chuyển giao công nghệ mới về dự báo biển cho các dự báo viên khí tượng hải văn các tỉnh thành ven biển. 

Ngày nay, khi biến đổi khí hậu càng ngày càng gây nên những hệ quả tiêu cực cho đời sống dân sinh, đặc biệt những hiện tượng KTTV cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cả cường độ và tần suất xuất hiện làm cho tình hình thời tiết, thủy văn càng phức tạp, khó lường, tất nhiên rất khó dự báo trước những nguy cơ tiềm ẩn. Còn theo xu thế dự báo của các cơ quan khí tượng trên thế giới, năm 2020 có thể là một năm đầy khó khăn thử thách đối với nghề dự báo KTTV không chỉ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Điều này được đánh giá bởi những thực tế từ số liệu thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới.

Những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía nam.

Dự báo xa trong năm 2020 tiếp tục trên bình diện toàn cầu và cả Việt Nam là thời kỳ nóng và nắng nhiều, mưa đang có xu thế giảm nhẹ, nguy cơ thiếu nước khá cao; tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn cũng đang có xu hướng tăng và xuất hiện sớm; bão lũ sẽ có diễn biến phức tạp, khó nắm bắt sớm; thiên tai cũng đang gia tăng, tài nguyên nước giảm...

Sự bất ổn của thiên nhiên đã tôi luyện kinh nghiệm và tinh thần phòng chống bão lũ của người dân Việt Nam từ ngàn đời nay và trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng những nguy cơ tác động thì tăng cường phòng ngừa, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai khẩn cấp ở mọi lúc, mọi nơi đã và đang giảm thiểu mọi thiệt hại về thiên tai, góp phần chủ động đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững chủ quyền đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn