MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biệt thự 800 m2 số 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đang gây tranh cãi về màu sơn. Ảnh: Minh Quân

Ứng xử với công trình di tích

Cường Ngô LDO | 23/04/2023 13:48
Tu bổ, tôn tạo dù chỉ là một phần hay toàn bộ di tích cần sự nghiên cứu nghiêm túc về khoa học, lịch sử chứ không thể dựa trên sự tùy tiện của cá nhân hay tổ chức nào. Ứng xử cẩu thả với di tích vô cùng nguy hiểm bởi một khi giá trị của di tích mất đi thì không tìm lại được.

Ứng xử thế nào với công trình di tích?

Tháng 8.2018, việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đây là công trình được xây dựng từ thế kỉ 17, với những mảng chạm tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ, nhưng đã bị phá đi và thay vào đó là một công trình kiến trúc bê tông. 

Tháng 2.2020, dư luận cũng được phen xôn xao Cầu Ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, tỉnh Nam Định), một trong 3 cầu ngói có tuổi đời hàng trăm năm (công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012) vừa bị tu sửa theo kiểu “làm mới” di tích. 

Nhóm thợ xây được địa phương thuê đã trát lại vuông phẳng, sơn mới màu giả đá lên toàn bộ phần cổng Cầu Ngói chợ Thượng, làm biến mất phần hoa văn độc đáo, nét rêu phong, cổ kính của cây cầu hàng trăm tuổi. Sau tu sửa, cầu cổ biến thành hộp bêtông vuông vức kiểu nhà ống hiện đại. Thậm chí, có người ví phần cổng được xây giống với lăng mộ ở một số nơi.

Hay mới đây, việc bảo tồn, sửa chữa căn biệt thự Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều. 

Theo nhận định của các chuyên gia về kiến trúc, việc tu sửa, tôn tạo các công trình di tích thế nào để cái mới có giá trị tốt hơn, song vẫn tôn vinh quá khứ, để lại di sản cho thế hệ mai sau là điều quan trọng nhất. Có một sự thật quan trọng là di tích nào cũng có rất nhiều tầng, nấc lịch sử. Và khi bảo tồn, không thể bỏ qua những tầng nấc đó để chỉ tập trung vào một thời điểm.

Nhận định về việc bảo tồn di tích hiện nay, nhất là các công trình Pháp cổ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - cho rằng, trong quỹ di sản đô thị của thành phố Hà Nội, các biệt thự Pháp và các công trình công cộng xây dựng trước năm 1954 là những di sản đặc trưng. Đây là biểu tượng của sự hội nhập, của văn hoá truyền thống Hà Nội, cũng là dấu ấn của cả quá trình phát triển. 

"Trường hợp điển hình là biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, đây là công trình được nghiên cứu bởi rất nhiều chuyên gia trong nước, nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, trước khi trở thành biệt thự đầu tiên được đưa vào trùng tu, sửa chữa. Có thể nói, việc đưa ra danh mục các biệt thự cần tôn tạo là quyết tâm lớn nhất trong việc gìn giữ, tạo lập bản sắc riêng của Hà Nội, không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn để lại di sản cho thế hệ mai sau" - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Công trình di tích là riêng, là duy nhất

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa VIII - cho rằng, để bảo tồn một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử lâu đời, điều cốt yếu nhất phải hiểu và có đánh giá xác đáng nhất về công trình kiến trúc, di tích đang muốn bảo tồn. Việc bảo tồn, thậm chí tôn tạo hay đập đi để xây mới - vấn đề cân nhắc đầu tiên chính là giá trị phát triển của công trình đó như thế nào. Phải đặt vấn đề tôn tạo công trình mới liệu có tốt hơn cái xưa cũ hay không? Nếu không đánh giá được giá trị của công trình đó bằng việc thẩm định của hội đồng chuyên môn thì chưa nên làm điều này.

Tôn tạo một công trình cổ, một công trình di tích cần tuyệt đối tránh tình trạng người phán tai voi, người phán vòi voi, người phán chân voi... như câu chuyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi" mà chúng ta đã từng được học. 

"Một điều vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn di tích là tính không thể lặp lại ở một số công trình. Bởi công trình di tích đó là riêng, là duy nhất, không thể thay thế. Một là giữ nguyên hiện trạng, hai là phải cải tạo tốt hơn, nhận được sự đồng thuận của xã hội; đừng để xảy ra tình trạng những công trình di tích bị tháo gỡ một cách oan uổng chỉ vì không hiểu rõ về giá trị thực của công trình di tích đó” - KTS Nguyễn Văn Tất nói.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, bảo tồn là để phát triển, trong đó có yếu tố giá trị của cái cũ, giá trị bảo tồn. Cần ứng xử với công trình di tích một cách nghiêm túc, "không đánh đổi cái mới giá trị thấp, để bỏ cái cũ giá trị cao".

Bất kì một đô thị, thành phố nào, hay đô thị tỉnh lị nào đó phải có quy chế xác định một công trình có giá trị trong đô thị. Vấn đề này phải hội đồng nhân dân thông qua từ ý kiến thẩm định của hội đồng kiến trúc. Sau đó, chính quyền công nhận giá trị của công trình này, trên cơ sở đó mới đề xuất tôn tạo hay phương án bảo tồn.

"Giá trị trước mắt và lâu dài của di sản kiến trúc là điều không phải bàn cãi. Vấn đề cốt yếu là chúng ta cần xác lập, phân loại, xếp hạng để bảo tồn và phát huy đúng giá trị di sản kiến trúc như thế nào cho hợp tình, hợp lí. Hệ thống pháp luật nói chung đã có nhiều quy định về cách thức bảo tồn, những điều được và không được làm để “bảo vệ toàn vẹn” giá trị truyền thống của di sản. 

Do đó, yêu cầu trên hết là vai trò của nhà nước, cụ thể là ban quản lí di sản, chính quyền các cấp, các cơ quan và đơn vị quản lí ở địa phương, phải quan tâm đến di sản bằng cách vận dụng quy định của pháp luật để đưa những di sản này vào khuôn khổ pháp lí, bảo tồn một cách bài bản và khoa học", kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất nêu quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn