MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục chiếc đầu lân đã hoàn thiện chuẩn bị giao cho khách.

Uy quyền của lân

Bài và ảnh NGUYỄN THÚY LDO | 28/08/2022 07:55
Những đầu lân có họa tiết, trang trí đang được anh Bùi Viết Tưởng (xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) và các thành viên trong gia đình gấp rút hoàn thiện để kịp phục vụ khách hàng dịp Tết Trung thu.

Là người có thâm niên hơn 10 năm làm nghề, anh Tưởng (33 tuổi, xóm Dinh) cho biết, một đầu lân hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như tạo dáng, dán giấy ướt, vẽ trang trí, làm râu và may đuôi lân.

Đầu lân sau khi hoàn thiện.

Một trong số việc khó thực hiện nhất nằm ở bộ khung, với các mối nối phức tạp từ tre, trúc. Khung hoàn chỉnh phải đảm bảo thẩm mỹ, rõ đường nét để dễ dàng cho việc kết dính mặt lân và trang trí.

Mỗi con lân, mặt nạ đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên mỗi sản phẩm đều chứa đựng cái hồn, vẻ đẹp khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Mẫn (31 tuổi, vợ anh Tưởng) đảm nhận việc cắt kim sa, vải làm thân, rồi may vảy, quần cho lân, rồng.

"Công việc làm đầu lân cần phải tỉ mẩn, chính xác. Những công đoạn tiếp nối, nếu làm hỏng công đoạn này thì công đoạn sau lại không làm được. Biết là vất vả nhưng đam mê với nghề nên vợ chồng đều cố gắng theo nghề", chị Mẫn chia sẻ.

Từng công đoạn được làm hết sức cầu kỳ và tỉ mẩn.

Công đoạn cần sự công phu, sáng tạo và óc thẩm mỹ của người chế tác là trang trí đầu lân. "Đầu lân đẹp không chỉ ở màu sắc, hình thù mà phải toát lên được cái hồn, cái thần thái riêng. Những con lân đẹp là những con có đôi mắt và bộ râu thể hiện được uy quyền. Miệng lân dữ mà tươi, trọng lượng gọn nhẹ, bền chắc, chịu được va đập khi biểu diễn với độ khó cao”, anh Tưởng nói.

Phần lông gắn vào đầu lân và thân được làm từ lông cừu để trang trí phối màu sinh động.

Dịp Tết Trung thu năm nay, gia đình anh Tưởng chế tác hơn 70 đầu lân bán ra thị trường Hà Nội, Phú Thọ, Bình Thuận... Mỗi sản phẩm có giá khác nhau tuỳ kích cỡ, dao động từ 2,5 - 5 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn