MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tộc Thái đến từ Nghĩa Lộ, Yên Bái trình diễn điệu xòe truyền thống tại Chương trình giới thiệu, trưng bày Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Thế Phi

Vai trò quốc tế của Việt Nam trong Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể

Kim Sơn LDO | 10/12/2023 06:00

“We Are #LivingHeritage - Chúng ta là những di sản sống” là chủ đề kỷ niệm 20 năm ra đời của Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể. Từ năm 2005, khi Việt Nam tham gia Công ước và đã trở thành thành viên đầy trách nhiệm trong thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam.

Tầm quan trọng của Công ước 2003

UNESCO định nghĩa Di sản Văn hóa Phi vật thể là “bao gồm những truyền thống hoặc những biểu hiện sống động được kế thừa từ tổ tiên và truyền lại cho con cháu”. Những ví dụ sau được coi là điển hình của Di sản Văn hóa Phi vật thể: Truyền thống truyền khẩu; Biểu diễn nghệ thuật; Nghi lễ; Kỹ năng sản xuất các nghề thủ công truyền thống…

Ngày 17 tháng 10 năm 2003 tại phiên họp thứ 32 của Đại hội đồng UNESCO, Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể (viết tắt là Công ước 2003) đã ra đời. Công ước có hiệu lực vào ngày 20 tháng 4 năm 2006, ba tháng sau khi Quốc gia thứ ba mươi phê chuẩn. Đến nay, Công ước đã được 181 quốc gia phê chuẩn, gần như phổ quát trên phạm vi toàn cầu. Qua 20 năm thực hiện, Công ước 2003 đã có những đóng góp đáng kể cho văn hóa, đặc biệt bằng việc mở rộng khái niệm “di sản văn hóa” trên toàn cầu để bao gồm các tập quán, biểu đạt, hệ thống kiến thức và kỹ năng văn hóa mà cộng đồng truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo.

Hàng năm, Ủy ban liên chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể bao gồm 24 quốc gia thành viên trên toàn cầu đã nhóm họp để quyết định những di sản nào được đưa vào danh sách Di sản Phi vật thể thế giới. Tính đến nay, trên website của UNESCO ghi lại khoảng 676 di sản của trên 140 quốc gia được công nhận trong danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới.

Cho tới nay đã 20 năm kể từ khi Công ước được thông qua. Trong suốt năm 2023, UNESCO lên kế hoạch cho các cuộc họp và sự kiện nhằm kỷ niệm, đánh giá những tác động tích cực của Công ước 2003 trong suốt hai thập kỷ qua, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản và suy ngẫm về các định hướng tương lai.

Từ ngày 4 - 9.12.2023, tại Cộng hòa Botswana diễn ra Phiên họp thứ mười tám của Ủy ban Di sản Văn hóa Phi vật thể là dịp tổng kết của sự kiện kỷ niệm 20 thực thi Công ước này.

Nhìn chung, Công ước 2003 đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể trong đời sống nhân loại. Tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng các địa phương, quốc gia; qua đó thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này. Công ước mang giá trị toàn cầu đã có những thành quả lớn khi thế giới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Di sản Văn hóa Phi vật thể.

Trưng bày di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội. Ảnh: Ban tổ chức

Khẳng định vai trò quốc tế của Việt Nam

Ngày 5.9.2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên chính thức tham gia Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, Công ước quốc tế quan trọng này. Việt Nam cũng vinh dự 2 lần được trúng cử làm thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003. Kể từ đó, Việt Nam đã có 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO ghi danh, trở thành những di sản quý báu của nhân loại.

Đồng thời, theo thống kê Việt Nam có gần 7 vạn Di sản Văn hóa Phi vật thể được kiểm kê; trong đó có 534 di sản cấp quốc gia, 1.881 nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú. Nhiều trong số đó là những Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại nổi bật như là Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đây là những nguồn lực di sản quan trọng khẳng định cho sự giàu mạnh của di sản văn hóa dân tộc.

Sau khi được ghi danh, các di sản đều được bảo vệ và phát huy theo các Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản cam kết với UNESCO. Di sản Văn hóa Phi vật thể góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và cho đất nước.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, nhiều hoạt động tại các địa phương đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì, thường xuyên thực hành di sản, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành di sản tại cộng đồng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Từ đó, di sản văn hóa đã được bảo vệ và phát huy tốt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và vấn đề.

Bà Hiền nhấn mạnh: “Việc các di sản văn hóa được ghi danh ở các cấp độ; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú đã khơi dậy niềm tự hào, khuyến khích các cộng đồng có di sản, chính quyền địa phương và xã hội tự nguyện, chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa...”.

Năm 2022, Việt Nam được bầu vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể. Đây là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn; thể hiện nỗ lực không ngừng của các cá nhân, tổ chức liên quan. Kết quả này cũng khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003. Nó cũng là tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ, ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn