MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội. Ảnh: TL

Văn hoá - nguồn lực nội sinh cho phát triển

TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) LDO | 28/11/2021 11:20
Cả thế giới đang gặp khó khăn chồng chất bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Năm 2021, dịch bệnh đã làm chúng ta gặp khó khăn lớn về nguồn nhân lực. Việt Nam với nguồn nhân lực dồi dào nay bỗng thiếu lao động do một cuộc hồi cư ngoài ý muốn. Tuy nhiên, tình trạng này rồi sẽ được khắc phục. Chúng tôi muốn đề cập nguồn nhân lực của chúng ta ngay cả khi đang dồi dào với góc nhìn văn hóa, nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững. 

Văn hóa xuất hiện khi con người biết lao động

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định văn hóa xuất hiện khi con người biết lao động theo đúng nghĩa của từ này. Chính lao động làm cho con người tiến hóa vượt trội so với tất cả các sinh vật trên trái đất. Lao động làm cho con người hoàn thiện cả về thể chất và tinh thần, cả vóc dáng và tư duy, ý chí và tình cảm. Văn hóa xuất hiện là chỉ dấu khu biệt con người với các động vật khác. Chỉ có con người mới có văn hóa, mới có sáng tạo trong lao động. Bản thân từ văn hóa (cultura) cũng có nghĩa là cấy trồng.

Rõ ràng văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu về tinh thần đối với con người mà còn bằng lao động sáng tạo để hoàn thiện con người, nhân tố quyết định nguồn lực nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiểu sâu sắc điều đó, Đảng luôn đặt văn hóa ở vị trí quan trọng của sự nghiệp cách mạng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”, “vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

Mới đây, ngày 12.11.2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ ký phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội. Đảm bảo yếu tố con người trong phát triển kinh tế, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Chiến lược phát triển văn hóa cũng nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Quan điểm của Đảng: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa” là quan điểm khoa học biện chứng có tính nhân văn sâu sắc. Phát triển văn hóa để làm gì nếu không phải để phục vụ con người, để hoàn thiện nhân cách con người, cái mà xã hội nào cũng cần. Không có nhân cách, không trân trọng phẩm giá, con người quay về với bản tính hoang dã, hung hãn, tham lam, tranh đoạt, vô cảm... và theo đó là hệ lụy khôn lường. Mặt khác, xây dựng con người để phát triển văn hóa, bởi con người sáng tạo ra văn hóa và cuộc sống con người cũng chính là văn hóa! Con người sống và lao động giữa môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội làm cho nó sinh động hơn, tươi đẹp hơn.

“Hỡi cô tát nước bên đàng/ sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” hay “Đội bông như thể đội mây về nhà” là những hình ảnh hết sức sinh động về con người hòa quyện với thiên nhiên trong lao động sản xuất. Thiếu yếu tố con người trăng vẫn sáng mà lạnh lùng, mây trắng vẫn bay mà vô cảm. Con người Việt Nam yêu nước nồng nàn, giàu tình nghĩa, trọng phẩm giá, yêu lao động chính là tài sản to lớn của dân tộc, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong giữ nước và dựng nước.

Một dân tộc trong gian khổ, khó khăn biết cố kết cộng đồng, biết “thương người như thể thương thân”, trên dưới một lòng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”; Biết mở hội Diên Hồng để đoàn kết chống giặc với ý chí “sát thát”; Biết “lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ đem chí nhân thay cường bạo”... dân tộc ấy không thể bị khuất phục và dân tộc ấy nhất định ấm no, tự do và hạnh phúc. Và sự thật, Việt Nam đã được nhiều tổ chức có uy tín bình chọn là nơi có chỉ số hạnh phúc cao, mặc dù chưa phải là nước phát triển.

Phải chăng văn hóa chính là nguồn lực nội sinh vô cùng mạnh mẽ để chúng ta vượt qua bao thử thách sống còn trong thăng trầm lịch sử, để chúng ta ngày càng đáng tin yêu hơn trong mắt bạn bè quốc tế, và để chúng ta ngày càng tự tin hơn vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Lao động Việt Nam dù trong nước hay ở nước ngoài phải phát huy được tính cần cù mà sáng tạo, thân thiện và có trách nhiệm, khéo léo với tay nghề cao.

Văn hóa là chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Hấp dẫn các nhà đầu tư trong tương lai không phải là đất rẻ và lương thấp mà phải là lương cao bởi người lao động có tay nghề cao, có kỷ luật nghiêm và lòng đam mê nghề nghiệp, trọng danh dự để được trân trọng vì lao động có hiệu quả cao. Muốn được như vậy, vai trò văn hóa trong việc phát huy nguồn lực nội sinh là hết sức quan trọng. Trong quá khứ, văn hóa truyền thống đã là yếu tố không thể thiếu để dân tộc ta làm nên những điều thần kỳ; trong xây dựng đất nước hôm nay, văn hóa phải là chìa khóa cho sự phát triển bền vững đất nước.

Phát huy nguồn lực nội sinh như vậy chẳng đáng giá lắm sao! Khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 đang đòi hỏi chúng ta phát huy mạnh mẽ nguồn lực nội sinh của dân tộc. Điều đó đang đặt ra cho văn hóa Việt Nam phải thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự cường vươn lên hòa nhịp phát triển cùng cộng đồng quốc tế, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, là thành viên đáng tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế!

Muốn vậy, “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt” phải là trọng tâm hàng đầu như trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ. “Ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo và quản lý” là thông điệp đổi mới hết sức mạnh mẽ. Điều đó khẳng định lãnh đạo và quản lý cũng là một kênh của nguồn nhân lực cần được ưu tiên phát triển một cách bài bản và có kế hoạch.

Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XIII đã xác định nhiệm vụ quan trọng: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, ưu tiên cán bộ chiến lược và người đứng đầu phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Vấn đề được đặt ra về công tác cán bộ, “nguồn nhân lực lãnh đạo và quản lý” có liên quan trực tiếp đến văn hóa. Không có nền tảng văn hóa vững chắc, người ta không thể có phẩm chất và uy tín trước đồng sự và nhân dân để làm lãnh đạo, quản lý, để hoàn thành chức trách người đứng đầu.

Năng lực cũng không thể có nếu thiếu văn hóa vì thiếu văn hóa thì năng lực dễ được che đậy bằng lối “học giả bằng thật” hoặc “bằng giả, học giả”. Kể cả người có năng lực chuyên môn cao nhưng thiếu phẩm chất, đạo đức lại suy thoái về tư tưởng, tha hoá trong lối sống thì hiệu quả lãnh đạo quản lý không cao, thậm chí còn dễ rơi vào “bộ phận không nhỏ”! Tầm nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi người cán bộ phải thực sự vừa hồng, vừa chuyên và cũng có thể hiểu là phải có chuyên môn sâu, tinh thông nghiệp vụ dù làm việc gì, đồng thời phải có văn hóa, tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh.

Đảng và Nhà nước mở Hội nghị toàn quốc về văn hóa như là đột phá khâu mở đường vào giai đoạn phát triển mới của toàn Đảng, toàn dân ta. Văn hóa phải thực sự là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ của sự phát triển, là sức mạnh mềm ra biển lớn khi chúng ta mở cửa hội nhập với một thế giới năng động, giàu cơ hội nhưng cũng không ít thử thách khó lường. Con người Việt Nam, Văn hóa Việt Nam truyền thống ngàn năm cho chúng ta niềm tin hướng tới tương lai tươi đẹp!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn