MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn hóa văn nghệ thế giới: Mexico dùng nghệ thuật để phản đối bức tường biên giới

LAN PHƯƠNG (Tổng hợp) LDO | 19/03/2017 18:00
Biên giới Mỹ - Mexico từ lâu đã là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho giới nghệ sĩ tại cả hai quốc gia.

Đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, về việc xây một bức tường trị giá hàng tỉ USD dọc theo hơn 1.600km biên giới giữa Mexico và Mỹ, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới nghệ sĩ của cả hai quốc gia.

Vào thời điểm bức tường của ông Donald Trump vẫn mới chỉ dừng lại ở trên giấy, thì biên giới Mỹ - Mexico và các vấn đề liên quan như nhập cư, an ninh biên giới và mối quan hệ giữa hai nước… đã trở thành một nguồn cảm hứng nghệ thuật quen thuộc trong những năm qua.

Thiết bị bắn pháo dùng để “bắn người” của Javier Téllez.

Khoảng 85 năm trước, nữ họa sĩ nổi tiếng người Mexico - Frida Kahlo từng có một bức chân dung tự họa, trong đó miêu tả hình ảnh bà bị “giằng xé” giữa những phế tích cổ của nền văn minh Aztec (của Mexico) và những thành phố công nghiệp hiện đại của nước Mỹ. Năm 2005, nghệ sĩ Javier Téllez đã sử dụng một khẩu thần công thiết kế đặc biệt, để bắn một người thật bay qua biên giới giữa hai nước.

Nghệ sĩ Ana Teresa Fernández, người khởi xướng dự án nghệ thuật mang tên “Xóa nhòa biên giới” tại khu vực hàng rào thuộc “Công viên Hữu nghị” - một điểm giao biên gần biên giới San Dieogo - Tijuana, kể lại: “Đó là nơi mà người dân hai nước thường tụ tập, chia sẻ thức ăn và chạm vào nhau (qua hàng rào). Sau năm 2011, điều này không còn được phép nữa khi họ xây dựng lớp rào sắt thứ ba, và giờ đây bạn chỉ có thể chạm vào đầu ngón của mình”.

Gương lớn và bàn dài của hai nghệ sĩ Marcos Ramírez và Margarita Garcia Asperas.

Để thể hiện sự phản đối kế hoạch trên, Fernández đã sử dụng màu xanh da trời nhạt để sơn các cột kim loại, khiến chúng như hòa thành một thể với bầu trời. “Tôi làm điều này ở bên phía Mexico bởi vì đó là bức tường dành cho người Mexico”, Fernández giải thích. “Tại San Diego, có rất nhiều bãi biển, nhưng tại Tijuana, đó là bãi biển duy nhất mà người dân có thể tụ tập”. Kể từ đó, nữ nghệ sĩ đã tiến hành hàng loạt các dự án tương tự tại một số khu vực biên giới như Mexicali, Agua Prieta và Ciudad Juárez… Tháng 12 năm ngoái, ngay sau khi ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng, Fernández lại thêm lần nữa trở về Tijuana để phủ một lớp sơn mới lên tác phẩm năm 2011 của mình.

Cuối tuần trước, hai nghệ sĩ Marcos Ramírez và Margarita Garcia Asperas đã dựng tấm gương lớn trên hàng rào biên giới và đặt chiếc bàn dài vuông góc với nó. Khi bữa tối được tổ chức tại đây, những gì phản chiếu trong gương đã tạo ra “ảo giác” về một bữa tối xuyên biên giới, đúng như tên gọi của tác phẩm “Reflecting the Border” (Phản chiếu biên giới). “Tôi đã sáng tác về vùng biên giới này trong hơn 20 năm qua”, Marcos Ramírez, hay còn gọi là ERRE cho biết.

Nghệ sĩ Ana Teresa Fernández và tác phẩm “Xóa nhòa biên giới”.

Thay vì tạo ra những thứ mới cho vùng biên giới, nghệ sĩ người Mỹ - Phil America lại “đem” nó đi xa. Từng trải nghiệm cảm giác “vượt biên” trên toàn thế giới (bao gồm cả lần bị bỏ tù tại Thái Lan 6 tháng do tự đi qua biên giới hai nước Myanmar và Thái), Phil America cắt 5 mảnh lớn từ khu hàng rào biên giới gần El Paso-Juarez, đem về Los Angeles, mạ vàng “hô biến” chúng thành những thứ đồ xa xỉ - có phần gợi nhớ đến phong cách hào nhoáng của Tổng thống Donald Trump. Theo kế hoạch, tác giả sẽ trưng bày những mảnh rào này trong một cuộc triển lãm, nơi người lao động gốc Latin được mời dựng nên bức tường gạch che lấp, khiến người xem khó có thể tiếp cận được chúng.

Nhóm sáng tác Postcommodity là tác giả của 3 tác phẩm lớn về đề tài biên giới, ra đời liên tục trong ba năm; trong đó đáng chú ý có “Repellent Fence” (2015) là hàng loạt các khinh khí cầu khổng lồ, trang trí các họa tiết bản xứ ấn tượng, và được thả bay phía trên khu vực biên giới Arizona. “A Very Long Line” (2016) - một tác phẩm video sắp đặt, và “Coyotaje” (2017) - miêu tả kỹ lưỡng tình hình hoạt động của đội cảnh sát biên giới, lần lượt được ra đời sau đó.

Một khinh khí cầu thuộc tác phẩm “Repellent Fence” của nhóm Postcommodity.

Vùng biên giới không chỉ là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa thường niên. Kể từ năm 2006, liên hoan nghệ thuật MexiCali Biennial đã được tổ chức hai năm một lần, tại khu vực biên giới của Calexico - Mexicali. Theo một trong hai nhà sáng lập, nghệ sĩ Ed Gomez, tại lần tổ chức đầu tiên, “các nghệ sĩ từ Los Angeles đã được sắp xếp để tự mình vượt qua biên giới cùng với tác phẩm của mình, sắp đặt/ trình diễn nó tại Mexicali, và trải nghiệm toàn bộ quá trình làm thủ tục hải quan khi tác phẩm của họ bị xem xét, thậm chí là thẩm tra”.

Cho dù có trở thành sự thực, bức tường biên giới của Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là chức năng thực tế. Có thể tượng trưng cho chính sách và luật pháp, nhưng công trình này sẽ không bao giờ đại diện cho mối quan hệ đã kết nối các thế hệ người dân, cộng đồng và nền kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng Mỹ - Mexico.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn