MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn hóa văn nghệ thế giới: Thư viện lâu đời nhất thế giới mở cửa trở lại

LAN PHƯƠNG (Theo The Guardian) LDO | 24/09/2016 14:30
Lần đầu tiên, du khách đến thăm thư viện 1.157 tuổi, sẽ được chiêm ngưỡng bản kinh Cô-ran có niên đại từ thế kỷ thứ 9.

Xây dựng vào năm 859 tại thành phố Fez, phía Đông bắc Morocco, Khizanat al-Qarawiyyin được coi là thư viện lâu đời nhất trên thế giới. Đằng sau cánh cửa sắt dày với 4 ổ khóa cổ được chạm trồ cầu kỳ là những báu vật vô giá của trí thức và văn hóa nhân loại. Mỗi ổ khóa đều có một chìa khóa riêng, sở hữu bởi bốn người khác nhau, và cánh cửa này chỉ có thể mở ra, khi cả 4 người cùng lúc có mặt.

Thư viện sau khi tu sửa bao gồm một hệ thống thoát nước mới và hệ thống kênh ngầm nhằm làm giảm bớt không khí ẩm ướt có thể đe dọa đến những cuốn sách cổ nơi đây. Ngoài ra, một phòng nghiên cứu hiện đại cũng được bổ sung để có thể kịp thời xử lý những vấn đề liên quan đến bảo tồn cũng như biên dịch ngôn ngữ cổ đại. Trong số những công nghệ tiên tiến nhất được sử dụng, đáng chú ý có máy scan kỹ thuật số có thể nhận dạng được những lỗ siêu nhỏ trên các cuộn giấy cổ đại, và một chiếc máy có thể phun ẩm lên sách để phòng chống tình trạng giấy bị nứt.

Toàn cảnh thư viện cổ nhất thế giới Qarawiyyin. 

Tại Qarawiyyin, hầu hết các sách vở, tài liệu cổ đại được giữ trong một môi trường có nhiệt độ cùng độ ẩm được kiểm soát liên tục, và đặc biệt là hệ thống an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Trong số các hiện vật có giá trị nhất là một bản kinh Cô-ran được viết bằng ký tự Kufic hoa mỹ cổ trên da lạc đà, có niên đại từ thế kỷ thứ IX.

Công việc trùng tu thư viện Khizanat al-Qarawiyyin được tiến hành vào đúng thời điểm những di sản trong khu vực đang bị tàn phá bởi những kẻ cực đoan. Tại Iraq và Syria, IS đã tiến hành các hoạt động tàn phá nhiều công trình văn hóa như thiêu hủy hơn 100 nghìn cuốn sách và bản thảo tại các thư viện thành phố Mosul, san bằng hai thành phố cổ Nimrud và Hatra tại Iraq; cho nổ tung Đền thờ Bei và cướp bóc thư viện trung tâm tại thành phố Palmyra, Syria; cũng như phá hủy một loạt lăng mộ và đền đài người Shia…

 Một phòng đọc bên trong thư viện Qarawiyyin.

May mắn là những sự kiện tương tự không diễn ra tại Morocco - một trong số ít các quốc gia đã thoát khỏi cơn bão khói lửa và chém giết. Những cải cách của nhà vua Morocco đã xoa dịu được tầng lớp trung lưu mà không trao quá nhiều quyền lực vào Quốc hội nơi người Hồi giáo đang chiếm đa số. Kể từ sau hàng loạt những cuộc biểu tình hồi đầu năm 2011, đất nước Morocco đang sống trong những năm tháng hòa bình hiếm có.

Năm 2012, Bộ Văn hóa nước này đã giao nhiệm vụ tu sửa thư viện Qarawiyyin cho nữ kiến trúc sư nổi tiếng người Marocco, Aziza Chaouni - một quyết định gây ngạc nhiên bởi tại Morocco, lĩnh vực bảo tồn di sản thường chỉ dành cho các đấng mày râu.

 “Những người làm việc ở đây canh giữ sách như một bản năng”, một nhân viên của thư viện cho biết.

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, thư viện Qarawiyyin lại được thành lập bởi một người phụ nữ - Fatima al-Fihri, con gái của thương nhân giàu có gốc Tunisia. Chính gia đình của bà đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tổ hợp thư viện, nhà thờ và đại học Qarawiyyin - công trình giáo dục đại học đầu tiên trên thế giới, với học viên bao gồm những nhân vật “truyền kỳ” như triết gia người Do Thái - Moses Maimonides, sử gia vĩ đại người Hồi giáo Ibn Khaldun và nhà ngoại giao Leo Africanus…

Sinh ra và lớn lên tại Fez, Aziza Chaouni thường xuyên đi qua thư viện Qarawiyyin, và không ít lần tự hỏi, có những gì đang tồn tại đằng sau tấm cửa sắt khổng lồ luôn đóng kín. Khi được giao nhiệm vụ trùng tu công trình này, cô luôn tâm niệm mình phải làm được nhiều hơn việc chỉ sửa chữa những viên gạch cũ nát.

 Báu vật vô giá của trí thức thế giới - bản kinh Cô-ran có niên đại từ thế kỷ thứ 9.

“Thư viện Qarawiyyin phải tiếp tục sống”, nữ kiến trúc sư nói. “Tôi hy vọng khi thư viện mở cửa trở lại, du khách sẽ choáng ngợp bởi những bản thảo cổ lần đầu tiên được trưng bày công khai. Tôi cũng mong muốn, người dân Fez sẽ coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Giá trị của thư viện không chỉ là bảo tồn để phục vụ du khách, mà nó còn phải thực thi chức năng của mình”.

Các kiến trúc sư và kỹ sư đã phải làm việc rất vất vả để có thể trùng tu những đường nét kiến trúc, các công trình gỗ… một cách nguyên vẹn nhất có thể. Công việc của họ được hỗ trợ khá nhiều nhờ vào những tài liệu mà người Pháp để lại sau lần trùng tu toàn diện vào năm 1940, với mục đích đưa Qarawiyyin trở thành một thư viện dành cho cả người không theo đạo Hồi.

 

 Fez từng là thủ đô tinh thần và văn hóa của Morocco.

Dự kiến thư viện Qarawiyyin sẽ chính thức mở cửa trở lại cho du khách vào cuối năm nay, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu là mùa hè năm 2016. Mặc dù chưa đưa ra được ngày cụ thể, nhưng các kiến trúc sư tin rằng, mọi việc sẽ được hoàn thành trước năm 2017. Hồi tháng 6, nhà vua Mohammad VI đã tiến hành kiểm tra tiến độ công trình và đề cập đến việc sẽ đích thân xuất hiện trong buổi lễ tái khánh thành thư viện sắp tới.

Công trình trùng tu thư viện Qarawiyyin là một phần của kế hoạch tái thiết thành phố Fez và tái khôi phục lại vị thế của nó là một thủ đô tinh thần và văn hóa của Morocco. Chính quyền nơi đây cũng đang lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm lớn, trưng bày những tác phẩm có giá trị nhất trong bộ sưu tập đồ sộ của thư viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn