MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Văn hóa văn nghệ thế giới: Youtube Tội đồ hay cứu tinh của âm nhạc?

LAN PHƯƠNG (Tổng hợp) LDO | 30/07/2016 16:45
Trong khi ngành công nghiệp âm nhạc coi Youtube là cái đinh trong mắt, các nghệ sĩ mới lại ca ngợi đây là thứ không thể thiếu trong con đường sự nghiệp của mình.

Kẻ ăn cắp trắng trợn

Dưới con mắt của ngành công nghiệp âm nhạc, Youtube đã trở thành một “tội đồ”, một tên trộm núp bóng pháp luật. Các hãng đĩa, các nhà phân phối âm nhạc cùng với một vài tên tuổi hàng đầu như Taylor Swift, Paul McCartney… hiện đang ráo riết sử dụng mọi biện pháp có thể, cả trong và ngoài tòa án, để chứng minh rằng Youtube và công ty mẹ Google đã không chịu trả đủ tiền tác quyền cho giới nghệ sĩ.

 Taylor Swift - nữ ca sĩ quyền lực của làng giải trí ra mặt phản đối Youtube.

Kể từ khi áp dụng công cụ có tên Content ID nhằm xác định được gốc gác của mỗi video được người dùng tải lên, từ đó quyết định có chấp nhận đăng video đó hay không, và năm 2007 cho đến nay, Youtube đã bỏ ra 2 tỉ đôla trả cho tiền tác quyền. Theo hệ thống Content ID, nếu một ca khúc bị nhận dạng là vi phạm bản quyền, người đăng có thể chọn dỡ bỏ ca khúc ra khỏi Youtube; hoặc, họ có thể bắt đầu kiếm tiền bằng cách giữ lại Youtube và nhận lợi tức trích từ các hoạt động quảng cáo của Google Ad. Trong một thống kê gần đây, Google cho biết, có đến 90% tác giả chọn “làm giàu” từ video của mình.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, khoản tiền tác quyền Youtube có nghĩa vụ phải trả nhưng không thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Họ yêu cầu khoản tiền của Youtube phải tương đồng với các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến khác như Spotify Play. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, Spotify đòi người dùng trả phí cho mỗi bài hát; còn dịch vụ của Google lại dựa vào lợi nhuận quảng cáo. Liệu có thực sự hợp lý nếu một loại hình kinh doanh phải trả cùng số tiền với một loại hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt?

 Alan Walker ký được hợp đồng thu âm với Sony Music Thuỵ Điển nhờ ảnh hưởng trên Youtube.

Một yếu tố phức tạp nữa là, lợi nhuận quảng cáo trên Youtube đang giảm sút mặc dù số lượng thành viên vẫn tăng nhanh ở mức 170%. Kết quả là, số tiền Youtube trả cho mỗi video giảm xuống một nửa, còn có 0,01UDS. Trong khi đó, chỉ riêng năm ngoái, số tiền Spotify trả cho các hãng đĩa và người giữ bản quyền lên tới 1,8 tỉ USD, gấp hơn 2 lần những gì Youtube bỏ ra.

Nâng đỡ những ngôi sao mới

Trái ngược lại ngành công nghiệp âm nhạc thu âm truyền thống, một làn sóng mới của các nghệ sĩ trẻ, các nhà quản lý, các hãng đĩa độc lập và các công ty truyền thông lại nhìn nhận trang web chia sẻ video như một bệ phóng cho sự sáng tạo.

Hanna Trigwell, một ca sĩ - nhạc sĩ đến từ Leeds (Anh) cho biết, Youtube chính là “điều quý giá nhất mình từng tìm được” khi bắt đầu sự nghiệp ca hát từ 6 năm về trước. Cô đánh giá cao sự kết nối có được nhờ Youtube, nơi cô có thể ngay lập tức nhận được những lời nhận xét về các ca khúc của mình, cũng như biết được, ảnh hưởng của chúng đã lan tỏa đến đâu. Thông qua các công cụ mà Youtube cung cấp, Trigwell còn phát hiện ra một điều không ngờ, nơi cô có số lượng fan gia tăng nhanh nhất chính là… Đông Nam Á.

Mặc dù thừa nhận số tiền nhận được từ Youtube không thấm vào đâu, Trigwell vẫn cho rằng trang web này đã đem lại cho cô những cơ hội kiếm tiền khác. “Những thứ do Youtube gián tiếp đem lại như lưu diễn, bán đồ lưu niệm trực tuyến - không thể xảy ra, nếu không có Youtube”.

 Logo của NoCopyrightSounds, một kênh Youtube quảng bá cho âm nhạc không bản quyền hợp pháp.

Về phía Youtube, trang web này cho rằng nó đã đem đến những công cụ được thiết kế đặc biệt cho ngành công nghiệp âm nhạc; trong đó, đáng chú ý là chức năng cho phép người đăng tải có thể thêm chú thích ngay trong video, và tạo các liên kết đến các trang bán vé, xem video trực tuyến và cửa hàng trực tuyến - cơ bản là đủ để biến kênh Youtube của mình thành một kênh bán hàng.

NoCopyrighrSounds (tạm dịch: Không có âm thanh bản quyền; viết tắt là NCS) là một kênh Youtube được Billy Woodford thành lập vào năm 2011. Ý tưởng của Billy là tìm những bản nhạc ấn tượng mà không đòi hỏi bản quyền và chia sẻ nó với các thành viên khác của Youtube kèm theo tên tác giả và tên tác phẩm. Nếu ai thích tác phẩm nào, có thể dựa vào thông tin sẵn có để tìm hiểu sâu hơn.

Alan Walker là một trường hợp thành công điển hình của NCS. Chàng thành niên 18 tuổi lần đầu đăng tải ca khúc “Fade” của mình lên kênh Youtube NCS và nhận được nhiều sự quan tâm. Sau khi chỉnh sửa và phối lại bài hát của mình, “Faded” (tên mới) đã góp phần giúp Walker giành được một hợp đồng ghi âm với Sony Music Thụy Điển. Video “Faded” hiện nay đã thu hút được 488 triệu lượt xem, bằng 1/3 số người xem video “Hello” của nữ ca sĩ nổi tiếng Adele.

 

 Hannah Trigwell gọi Youtube là “điều quý giá nhất mình có thể tìm được”.

Gunnar Greve Pettersen, quản lý của Walker nói: “Rõ ràng, NCS và các công ty dựa trên Youtube có một cách tiếp cận và chiến lược khác biệt so với ngành công nghiệp âm nhạc truyền thống”. Diluk Dias, Giám đốc của AEI Group, công ty mẹ đầu tư vào NCS tin rằng vai trò của Youtube là không thể thiếu: “Bạn nên nhìn nhận Youtube như một xuất phát điểm để thâm nhập, xây dựng các mối quan hệ và lôi kéo mọi người đến nơi bạn kiếm tiền ở một chỗ khác”. Theo Dias, giờ đây, sức mạnh truyền bá của Youtube lớn hơn nhiều so với radio - vốn vẫn được coi là công cụ tạo nên các bản “hit” của công nghiệp âm nhạc truyền thống.

James Gaster, người sáng lập ra kênh Mahogany Sessions trên Youtube, chuyên giới thiệu các tài năng âm nhạc mới. Gaster cho rằng, Youtube đã khiến Mahogany tồn tại và phát triển đến mức có thể thu hút được sự chú ý của các nhãn hiệu và nhà tài trợ. “Youtube đã đem đến cho chúng tôi và nhiều nghệ sĩ độc lập khác khán giả và cơ hội xây dựng thương hiệu của mình”, Gaster cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn