MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổng tam quan Văn miếu Xích Đằng.

Văn miếu Xích Đằng - biểu tượng hiếu học của người Hưng Yên

Bài và ảnh Kim Sơn LDO | 19/11/2023 14:23

Người xưa dựng lên các công trình di tích nho học với mục đích đề cao việc học tập, tôn vinh đạo học và những người đỗ đạt, lấy đó làm nguồn động viên, khuyến khích mọi người không ngừng học tập, bồi dưỡng tri thức cho bản thân. Theo thống kê vào thời Nguyễn, cả nước có khoảng 28 Văn miếu hàng tỉnh trở lên nhưng ngày nay chỉ còn lại một số di tích như Văn miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội), Văn miếu Bắc Ninh, Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)... Một trong những Văn miếu cấp tỉnh còn lưu giữ được nhiều hiện vật và cấu trúc thờ tự cho đến nay là Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên).

Nơi thờ tự các bậc hiền tài

Văn miếu Xích Đằng có tên gọi khác là Văn miếu Hưng Yên hoặc Văn miếu Đằng Thành. Di tích này được xây dựng từ thời Lê, là Văn miếu của trấn Sơn Nam thượng. Sau năm 1831, Văn miếu Xích Đằng trở thành Văn miếu của tỉnh Hưng Yên và được tu sửa lớn vào năm Minh Mệnh thứ 20 (năm 1839) trên nền cũ của ngôi chùa cổ Nguyệt Đường - bị phá hủy từ thế kỷ 18, thuộc làng Xích Đằng, xã Hiến Nam, thị xã Hưng Yên, trung tâm của phủ Khoái Châu, nay thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Đây là một di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Có thể coi Văn miếu Xích Đằng là tượng đài bất tử biểu thị cho tinh thần và truyền thống hiếu học của người Hưng Yên xưa.

Văn miếu Xích Đằng được dựng trên khuôn viên rộng khoảng 9 mẫu Bắc Bộ, sau đó được trùng tu tôn tạo vào thời Tự Đức (1850), Đồng Khánh (1886 - 1888) và Bảo Đại (1941). Cổng tam quan Văn miếu là công trình còn sót lại gần như hoàn chỉnh từ thời điểm Văn miếu được xây dựng, là sự cộng hưởng của Văn miếu môn và Khuê Văn Các của Văn miếu Hà Nội. Cổng tam quan có kiểu xây dựng chồng diêm hai tầng với tám mái. Sau khi bước qua cổng tam quan là khoảng sân rộng có đường thập đạo, nơi này xưa kia từng diễn ra các kỳ thi hương, chọn những người đỗ đạt để dự các kỳ thi Hội, thi Đình. Hai bên sân là lầu chuông, lầu khánh. Chuông đồng và khánh đá là hai cổ vật quý có niên hiệu Gia Long tam niên (năm 1804).

Nối tiếp là hai dãy nhà tả vu và hữu vu mỗi dãy 5 gian, xưa kia là nơi để kiệu, mũ áo của các quan mỗi kỳ tế lễ, nay là phòng trưng bày những hình ảnh về nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay. Khu thờ tự gồm các hạng mục kiến trúc bao gồm: Đại Bái, Trung từ, Hậu cung xây dựng theo hướng Bắc - Nam. Cửa chính điện là ban thờ thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370), nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần. Trong hậu cung, tượng Khổng Tử (551 - 479 TCN), người sáng lập ra Nho giáo đặt ở gian chính giữa, hai bên thờ Tứ phối - 4 vị học trò của Khổng tử là Mạnh Tử, Tương Tử, Nhã Uyên và Tăng Sâm và Thất thập nhị hiền.

Tám tấm bia Tiến sĩ (Hưng Yên Văn miếu đệ nhất bi cho đến Hưng Yên - Văn miếu đệ bát bi) được lập vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) dưới sự chủ trì của Tổng đốc Hưng Yên Hoàng Cao Khải, ghi tên 104 người đỗ đạt ở Hưng Yên, đặt ở tòa Hữu vu. Năm Bảo Đại thứ 18 (năm 1943), một tấm bia Tiến sĩ ghi bổ sung 57 Tiến sĩ của phủ Ân Thi và các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, đưa tổng số bia Tiến sĩ là 9 bia, ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị), gồm 8 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 6 thám hoa... Trong đó có nhiều tên tuổi lớn của lịch sử Nho giáo nước nhà như: Lê Như Hổ, Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Tống Trân lưỡng quốc Trạng nguyên, Nguyễn Trung Ngạn. Trong gần 10 thế kỷ khoa cử Việt Nam (1075 - 1919), tỉnh Hưng Yên đều có người đỗ đạt cao, tài giỏi ra giúp dân, giúp nước. Có nhiều dòng họ hiếu học như: Dòng họ Dương ở Lạc Đạo, Văn Lâm; dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá, Yên Mỹ; dòng họ Nguyễn ở Thổ Hoàng, Ân Thi... được ghi tại bia Văn miếu Hưng Yên. Đặc biệt có tấm bia ghi danh cả hai cha con nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn.

Hiện nay, các bia Tiến sĩ này đặt dọc theo hai gian giáp hồi của tòa Trung từ và Hậu cung. Các bia đặt thẳng hàng, bên trái bốn bia và bên phải năm bia. Ngoài ra, trong khuôn viên của Văn miếu còn có 2 ngôi tháp đá của 2 vị hòa thượng đã từng trụ trì tại chùa này, dấu tích của ngôi chùa Nguyệt Đường còn sót lại. Phía Tây Văn miếu lại có đền thờ Lạc Long Quân, gần đó là chùa Chuông, sinh từ Hoàng Cao Khải, miếu Thổ thần. Tất cả quần thể các di tích tôn giáo tín ngưỡng quy tụ lại khiến cho nơi đây trở thành một khu vực rất linh thiêng và giàu ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo, là niềm tự hào của người dân địa phương.

Khung cảnh yên bình bên trong Văn miếu Xích Đẳng.
Ban thờ Chu Văn An ở Văn miếu Xíc Đằng.

Những thăng trầm theo thời gian

Trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn miếu Xích Đằng từng là nơi Nhà máy Cơ khí 1.5 sơ tán về sản xuất trong những năm 1970 - 1973. Sau khi Nhà máy Cơ khí chuyển đi, Hợp tác xã thôn Xích Đằng đã tiếp quản làm nơi dệt thảm xuất khẩu. Theo thời gian, mái của nhà Tiền tế, Trung từ và Hậu cung trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Các đầu đao, cột đồng bị gãy, đường Thập đạo bị bong vỡ, đồ tế tự bị thất lạc. Khu nội tự bị biến thành nơi sản xuất, trường học, bị dân xây nhà lấn chiếm.

Ngày 2.12.1992, Văn miếu Xích Đằng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định 3959/VH/QĐ của Bộ Văn hóa và Thông tin. Cho nên, vào những năm 1995 - 1996, Văn miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa Thông tin quan tâm cho đầu tư, tu bổ, tôn tạo nằm trong Dự án bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích Phố Hiến giai đoạn I. Trong đó, Văn miếu Xích Đằng được đầu tư kinh phí khôi phục các hạng mục Tiền tế, Trung từ, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu, lầu chuông, lầu khánh, cổng Tam quan và lát lại hệ thống sân đường Thập đạo trước tòa Tiền tế. Kể từ khi tỉnh Hưng Yên được tái lập năm 1997, ngoài đầu tư của Bộ Văn hóa Thông tin, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã có những quan tâm nhất định trong việc khai thác, bảo tồn Văn miếu Xích Đằng.

Ngày nay, lễ hội truyền thống của Văn miếu Xích Đằng diễn ra vào ngày mùng 4 và 5 Tết Âm lịch với nhiều hoạt động như Triển lãm thư pháp, cho chữ đầu Xuân và hát ca trù... Đồng thời, đây là điểm đến của nhiều hoạt động gắn liền với truyền thống hiếu học của vùng đất Hưng Yên.

Vào năm học mới, hay Ngày Nhà giáo Việt Nam ở Văn miếu còn diễn ra các hoạt động như lễ báo công nhằm vinh danh học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập tốt hay các thầy cô giáo có thành tích giảng dạy tốt trong năm học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn