MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thơ Văn Đắc (bên phải) cùng tác giả. Ảnh: TGCC

Về “Cỏ thi” của Văn Đắc

Lê Ngọc Minh LDO | 28/03/2021 15:15
Văn Đắc là nhà thơ đương đại lớn của Xứ Thanh, từ năm 1969, ông đã đoạt giải Cuộc thi thơ của báo Văn nghệ với bài “Làng sơ tán”. Tại TP.Thanh Hóa, ngày 23.3.2021 hội Tao đàn Thi Thanh và những người yêu mến nhà thơ Văn Đắc tổ chức buổi tọa đàm: “Văn Đắc - Đời và thơ” với hàng trăm thi hữu và độc giả tham gia cùng với nhiều tham luận được viết công phu. Xin giới thiệu một trong các tham luận tại sinh hoạt thi ca này.

1. Thi sĩ Văn Đắc đã có hơn một nửa thế kỷ làm thơ. Dù mức độ thành công có khác nhau nhưng một ghi nhận dễ đồng thuận là, thơ ông đa dạng, sinh động như cuộc sống, vui buồn hết mình, yêu đương hết mình, tạo nên một giọng điệu riêng: Thơ Văn Đắc! Thơ tình Văn Đắc.

Có thể nói, với thơ tình, Văn Đắc tha thiết yêu như một tình nhân không mệt mỏi đi tìm đạo, thứ đạo của những ai bẩm sinh đã có huyết khí giống má tơ tình, của những giăng mắc bến đợi, bến si.

Văn Đắc nâng niu Tình yêu, sáng tạo ra Tình yêu, hân hoan trong Tình yêu. Nhưng rồi cũng còn có một Văn Đắc rất biết sám hối trước gương đời mỗi khi tự cảm thấy lệch dạt, trớn trôi khỏi bến bờ luân lý truyền thống.

Tôi không hề võ đoán mà thưa rằng, trong đời sống hiện đại, con người, chẳng ai lại không có một lần trong tâm tưởng những giây lát “ngoài chồng, ngoài vợ”. Nhưng thực lòng thú nhận: “Vợ mình không nhớ đi nhớ người ta” như Văn Đắc; tinh tướng tự nhận: “Ta lẻn khỏi tuổi ta/ Tìm lại vườn tuổi trẻ” như Văn Đắc... thì trong giới thi nhân Xứ Thanh và nói rộng ra cả nước, tôi chỉ thấy có một.

Sự chân thành quân tử “nơi kín đáo chẳng chỗ nào thẹn với trời xanh” của Văn Đắc khiến thơ Tình của ông, đời Tình của ông lãng mạn, chân thành, hồn nhiên, thấu cảm, gây ấn tượng đến độ sững sờ, ngưỡng phục cho thi hữu và độc giả yêu thơ.

Tôi xin góp đôi lời nông cạn về thơ tình của ông ở một bình diện khác, bình diện nuối tiếc đến với những giá trị biểu trưng truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, hoặc biến thể, trong đó có cả những biểu trưng về Tình yêu, về thơ tình. Vì thế, Văn Đắc đã trải lòng trong “Cỏ Thi”, bài thơ văn xuôi được in trong tập “Một mình với Cỏ Thi”, do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2018.

2. Để quý vị dễ hình dung ra một thi phẩm văn xuôi với hàng chục câu, với hơn sáu trăm từ, tôi xin được lược tóm ý tứ và nội dung của bài thơ “Cỏ Thi”.

Do một lần, đọc được hai câu thơ hay: “Thuyền tình đậu mấy bến si/ Đời người thì ngắn Cỏ Thi thì dài”, tác giả tự hỏi: Cỏ Thi là thứ cỏ gì mà dài hơn cả đời người thế nhỉ? Đặt câu hỏi xong, nhà thơ rơi vào tâm thái khắc khoải của người đi tìm lá diêu bông.

Rồi kiên trì tìm kiếm, nhà thơ đã thấy Cỏ Thi, hơn thế, đó là giống cỏ thiêng mà hàng ngàn năm trước những người thông thái đã dùng làm vật báu để tiên tri, hóa giải thiên cơ. Và, may mắn thay, thêm một lần nữa, ngay tại quê hương, ngôi làng cổ đã lên phố của mình, Văn Đắc lại gặp được Cỏ Thi do một giai nhân... chỉ lối. Ông vồ vập bứng, ôm cả bầu Cỏ Thi đem về trồng ở nơi mà song thân đã chôn núm ruột khi ông cất tiếng khóc chào đời.

Với một nội dung rất truyện ngắn như vậy, ở phần đầu thi phẩm, tác giả không để cho sự băn khoăn lặn thành tâm tư níu neo trong lòng mà rốt ráo quyết chí đi tìm. Ông phát hiện ra Cỏ Thi trong bạt ngàn cỏ. Dù phải tranh giành không gian sinh tồn với đồng loại, Cỏ Thi vẫn rạng rỡ khí chất “yểu điệu mơ màng, cứ như sinh ra cho những tao nhân mặc khách phải lòng”. Thêm nữa, “Cỏ Thi ám ảnh lạ lùng” khiến nhà thơ đã phải thốt lên thú nhận đã “một đời mơ mộng Cỏ Thi”.

Linh giác thiên bẩm của thi sỹ khiến ông còn nghe được cả tiếng Cỏ Thi, là thứ tiếng “nhẹ nhàng như một hơi thở nhẹ”.

“Hơi thở nhẹ”, Cỏ Thi trong cảnh tĩnh lặng xao xuyến mộng mơ này đã được nhân hóa giống như một người con gái đang yêu, chỉ có người con gái đang yêu say đắm thì mới có hơi thở nhẹ. Cỏ Thi đã là một số phận trước sự “phải lòng” của thi sĩ!

Đoạn hai của bài thơ là sự trải, sư hiểu của tác giả về Cỏ Thi.

Cỏ Thi thuộc họ Cúc. Tùng - Cúc - Trúc - Mai là tứ quý trong thiên nhiên thảo mộc. Cùng họ nhưng Cỏ Thi khác với Cúc. Cỏ Thi không có nét buồn cố hữu như Cúc. Cỏ Thi thanh thoát rộn ràng, năng động với hàng chục loài.

Cỏ Thi sống khỏe, sống biểu dương bản ngã và kiên cường trước nắng gió, bão giông nên tự ngàn xưa đã là vật thiêng giữa chốn trần ai mà những nhà tiên tri hàn lâm nơi điện bệ, những người bói toán chốn dân gian đã dùng Cỏ Thi làm vật tâm linh để xin tạo hóa tiết lộ thiên cơ, may rủi mỗi khi đứng trước đại sự.

Về cách bói Cỏ Thi thi sỹ Văn Đắc cho biết: “Lấy năm mươi cọng Cỏ Thi bỏ vào bát đựng cát, cát đó bốc ngay dưới chân người xem bói, xóc mạnh cho cát lẫn vào cọng cỏ. Hoặc ngắt vài cọng cỏ cắm vào bát cát, thắp ba que hương, thầy bói nhìn tướng diện, nghe giọng nói, dựa theo cọng cỏ nổi lên trên bát cát và cách hương khói bay mà đoán sự”.

Đọc đoạn thơ văn xuôi vừa dẫn, ta thấy, Cỏ Thi được trân trọng tham gia vào một quẻ bói vừa chỉn chu, vừa diệu ảo biết ngần nào. Cỏ Thi trong các trường hợp này đã trở thành vật thiêng, hòa quyện với Đất (cát), liên kết với Trời bởi hướng khói nhang bay. Đất Trời giao hòa tương hợp, lời khấn là ngôn ngữ của con người trong Kinh Dịch. Như vậy, kết quả tâm linh của quẻ bói được kết tủa bởi Thiên - Địa - Nhân mà dân gian gọi gọn lại là Lòng Trời.

Thế nên khi Cỏ Thi tham gia vào việc bói dịch thì các tri nhân làm nghề dò đoán thiên cơ cũng giã từ bốc phệ, một thứ bói bằng mai rùa đã có trước công nguyên hai thiên niên kỷ. Bởi Cỏ Thi và Bói Dịch đã làm cho tri thức trong Kinh Dịch thẩm thấu vào đời sống hữu cơ hơn, sang trọng hơn, và cũng lấp lánh văn hóa tâm linh hơn.

Trong sự nghiệp hai mươi bảy năm nhập thế để giúp Lưu Bị nhằm trung hưng lại nhà Hán, quân sư Gia cát Lượng Khổng Minh đã có hàng ngàn lần hô phong hoán vũ, dùng trí tuệ mẫn tiệp đoạt được cả Trời Đất, nhưng chỉ một lần ông phải bói dịch. Đó là lần ông lâm sự giải quyết một tình huống liên quan đến cuộc hôn nhân đầy âm mưu binh đao do Chu Du, đại đô đốc bày ra. Lần ấy Gia Cát Lượng đã phải lụy đến Cỏ Thi, đến cát, đến những câu linh nghiệm trong Kinh Dịch.

Và, thật diệu kỳ, Cỏ Thi và cách bói Dịch đã trao cho Khổng Minh quân sư một quẻ đại cát. Quẻ bói thần tình ấy cùng với ba túi cẩm nang đã giúp Luu Bị, một ông già ngót nghét “ngũ thập tri thiên mệnh” không những thoát hiểm khỏi hang hùm Đông Ngô, cưới được mỹ nhân quý tộc Tôn Thượng Hương 18 tuổi mà còn được yêu chiều hết mực, được người đẹp theo không về Thục, làm nên thiên truyện tình có một không ai trong lịch sử.

Phần kết của thi phẩm “Cỏ Thi”, tác giả thêm một lần nhắc lại gốc gác căn cốt người làng và làng của mình, làng Triều, ngôi làng một thời mang tên Làng sơ tán và còn hiện hữu trong nhiều thi phẩm của ông. Mỗi khi về làng Triều, nhà thơ lại nhớ đến Cỏ Thi vì: “Cỏ Thi gợi nhớ về một gọng vó, một cánh buồm, một ngôi sao, tiếng chim vạc sành ăn đêm và đôi mắt người đàn bà chờ chồng đi biển”.

Cỏ Thi thiết tha là thế nhưng trước cảnh làng Triều đang “thành phố phường ùn ùn bắc cầu lên trời!”, thành “khu nghỉ dưỡng cho người tứ xứ”, đã mất hoặc đang mất dần cái thế đất vững vàng nghìn đời khai mở, đắp điếm; nghìn đời hoàn thiện thuần phong mỹ tục rất khoan hòa, rất ông cha, rất dung nạp... thì liệu Cỏ Thi, cỏ thiêng có còn không?

Đó là sự lo lắng của tác giả thi phẩm “Làng sơ tán” trước tuổi bát tuần.

May sao trong cuộc về làng đi kiếm tìm Cỏ Thi đang trong hồi gần như vô vọng, thi sĩ đã gặp được Cỏ Thi. Mà lại gặp ở sân thượng tòa nhà cao tầng, nơi không hề là cương thổ của “nó”, gặp bởi cơ duyên, người chỉ lối là một mỹ nhân dung nhan rực rỡ “lấp lánh như viên ngọc trai còn ướt mướt nước biển”.

Báu vật của trời, báu vật của đời đây rồi! Thi sỹ chỉ còn biết thốt lên như người đầu tiên phát hiện ra quả đất tròn: “Trời ơi! Một khóm Cỏ Thi!”.

Thốt lên rồi thi sĩ Văn Đắc “bàng hoàng ngồi xuống, hai tay cào xúc vào vỉa đất mỏng, bốc khóm Cỏ Thi gói vào vạt áo!”.

Tôi nghĩ giây phút nhân duyên này, tác giả Cỏ Thi đã đắc đạo bởi một tia hào quang, đã tìm thấy nhân duyên thiêng liêng: Cỏ Thi và Tình yêu! Quy luật và Bất tử.

3. Thơ Văn Đắc có nhiều câu, nhiều ý nhiều bài được khắc in vào trí nhớ người đọc. Đến “Cỏ Thi” dù ngôn từ, thi ảnh... được thể hiện bằng văn xuôi nhưng đọc xong, cá nhân tôi liền bị khắc, bị ám ghê lắm.

Làm sao nhẹ nhàng tâm tư cho được khi trước mắt, trước đèn là những dòng như sau: “Tôi âm thầm mang Cỏ Thi về trồng trong góc vườn, nơi cha mẹ tôi chôn núm ruột tôi ở đấy. Ngồi với Cỏ Thi, tôi lầm rầm với những lời mơ vọng... Cỏ Thi”.

Không nhẹ nhàng được tâm tư, tôi nẩy ham muốn đi tìm Cỏ Thi như Văn Đắc. Hóa ra lâu nay tôi cũng rất lơ mơ về thứ cỏ thiêng này. Đem chuyện đó hỏi một Tiến sĩ sinh học có khả năng nói chuyện được với thảo mộc, “ngài nghè” ấy cũng chỉ chừng mực trả lời: “Phân loại thực vật là một phạm trù rất rộng. Bác chỉ cần biết Cỏ Thi có đến tám mươi lăm loài, thuộc họ Cúc là được!”. Tám mươi lăm loài, nhiều quá! Tôi chỉ muốn tìm một loài, có dung mạo, có thần sắc và đặc biệt phải có “hơi thở nhẹ” như Cỏ Thi của Văn Đắc, phải thiêng liêng và tựa đỡ cho Tình yêu như Cỏ Thi trong quẻ đại cát của Khổng Minh - Gia Cát Lượng. Tôi vẫn miệt mài tìm và vào đêm của ngày Kinh trập tháng Giêng, trong cơn lâng lâng, mơ mơ, màng màng, tôi đã cảm được vị hương của Cỏ Thi, và rồi cứ hy vọng sẽ có cơ duyên nào đó tìm được Cỏ Thiêng như nguyện!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn