MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Giàn Gừa là Cây di sản Việt Nam.

Vẻ đẹp huyền bí và ma mị của Giàn Gừa

Bài và ảnh TẠ QUANG - YẾN PHƯƠNG LDO | 07/08/2022 19:15
Với nét đẹp huyền bí và tâm linh, khu di tích Giàn Gừa đã trở thành điểm đến độc lạ tại vùng đất Tây Đô. Cây gừa tồn tại hơn 150 năm tại đây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2013, cũng là cây di sản đầu tiên tại ĐBSCL.

Khu di tích Giàn Gừa thuộc địa bàn ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ; cách trung tâm thành phố khoảng 14km. Đây là một điểm đến lịch sử độc đáo, vừa mang vẻ đẹp huyền bí, ma mị và vừa có ý nghĩa tâm linh.

Theo bảng “Di tích lịch sử Giàn Gừa” được ghi lại phía trước khu di tích, thời xưa Giàn Gừa là địa điểm hoạt động cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo đó, trước đây Giàn Gừa này có diện tích rất lớn. Tuy nhiên do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh mà sau này Giàn Gừa còn lại 2.740m2. Đến nay, diện tích khu di tích Giàn Gừa đã dần phát triển trở lại, khoảng 4.000m2.

Với những giá trị lịch sử trên, ngày 5.4.2013, UBND TP.Cần Thơ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng Giàn Gừa là di tích lịch sử cấp thành phố. Và cũng vào khoảng thời gian này, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận giàn gừa là Cây di sản Việt Nam vào ngày 13.6.2013.

Khu di tích Giàn Gừa thuộc địa bàn ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ; cách trung tâm thành phố khoảng 14km.

Bên trong khu di tích có đền thờ Bác Hồ và một ngôi miếu nhỏ thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ. Hàng năm vào ngày 28 tháng 2 âm lịch, nơi đây tổ chức Lễ hội vía Bà để tưởng nhớ bà Thượng Động Cố Hỉ và các thần linh.

Nếu là lần đầu tiên tới đây, chắc hẳn bạn sẽ bị choáng ngợp trước một giàn gừa nguyên sinh khổng lồ, đồ sộ. Giàn gừa cao khoảng 15m, tán lá vươn rộng ra một vùng mênh mông xanh mát, trông như một tấm lưới to lớn bao bọc khuôn viên Cổ Miếu Bà. Bộ rễ đan xen chằng chịt, mọc chi chít và giăng đầy trên mặt đất, trông như những con rắn khổng lồ. Hình dáng của cây tạo nên một bức tranh vô cùng độc đáo, hoang sơ và huyền bí.

Ngoài vẻ đẹp ma mị, hoang sơ gắn liền với lịch sử cách mạng anh dũng, kiên cường thì Khu di tích Giàn Gừa còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và làm ăn phát đạt.

Do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, sau này Giàn Gừa còn lại 2.740m2.

Ông Võ Thành Giúp - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, cho biết: Có 3 nhóm đối tượng khách thường đến tham quan khu di tích Giàn Gừa đó là khách quốc tế, khách tâm linh và khách du lịch thường tham quan gắn với du lịch sinh thái và tìm hiểu về lịch sử.

Đặc biệt, giới trẻ, đoàn viên thanh niên thường xuyên phối hợp với tiểu đoàn Tây Đô để về đây kể chuyện lịch sử kháng chiến, là nơi căn cứ trọng điểm trong kháng chiến Mậu thân năm 1968, giúp các thế hệ sau hiểu về lịch sử vẻ vang, anh dung của quê hương - ông Giúp thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn