MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vẻ đẹp trong “Ký ức Hội An”

thanh hương LDO | 25/03/2018 14:00
Hơn 2 năm lên ý tưởng, gần 2 năm hoàn thiện, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” chính thức ra mắt khán giả.

Đây là một sự kiện ý nghĩa mà TP. Hội An kỳ vọng sẽ góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa cũng như thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Đậm tính giáo dục về lịch sử, văn hoá

Với thông điệp “Một ngày Hội An - Trăm năm hoài cổ”, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” đưa người xem trở lại miền ký ức về một thương cảng sầm uất, nơi giao thoa văn hoá, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại.

Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể qua 5 phần bởi người dẫn dắt chính là cô gái dệt vải bên khung cửi giúp khán giả thấy đâu đó một cuộc sống lao động quen thuộc, thường ngày của người dân Hội An cổ: Đánh cá, cấy lúa, xây nhà cùng với sự sinh sôi phát triển của dân cư.

Người xem còn bất ngờ hơn trước màn tái hiện đám cưới hoành tráng của vua Chăm và công chúa Huyền Trân mà qua đó, thể hiện rõ nét về phong tục, nền kinh tế, chính trị của Hội An thời Champa bấy giờ.

Ngoài ra, sự chuyển mình đưa Hội An trở thành một thương cảng quốc tế, miêu tả quá trình hội nhập giữa các nền văn hóa lại là một điểm nhấn đặc biệt khác. Phần kết với màn trình diễn áo dài kết hợp trong một khung cảnh kiến trúc đầy sắc màu, làm rõ nét đời sống Hội An ngày nay với tư cách là thành phố có lịch sử lâu đời đang sống và phát triển.

Bà Thanh Hằng – Giảng viên trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phụ trách biên đạo múa cho biết, biểu diễn thực cảnh cần đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ và công phu, vì vậy, “từ tư thế cho đến phong cách biểu diễn của nhân vật, tất cả phải làm bật lên được hình ảnh, hình tượng, dòng thời gian, không gian, thời điểm lịch sử... mà vở diễn muốn tái hiện một cách sinh động nhất”.

“Ký ức Hội An” được đánh giá là có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với không gian biểu diễn rộng 25.000m2 bao gồm những công trình kiến trúc đặc trưng phố Hội, có thuyền bè, sông nước... Cùng với sự tham gia của 500 diễn viên chọn lọc từ 3 miền Bắc - Trung - Nam, chương trình có sự hỗ trợ của các chuyên gia uy tín hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.

Họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ, một trong những chuyên gia của chương trình cho biết: “Ký ức Hội An” là chương trình tái hiện bản sắc văn hóa Việt một cách sắc nét, sinh động và chắc chắn sẽ trở thành món ăn tinh thần mới lạ, độc đáo.

“Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, chương trình sẽ lôi cuốn sự quan tâm của mọi tầng lớp khán giả trong và ngoài nước bởi nó không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, mà còn mang tính giáo dục về lịch sử, văn hoá một cách tự nhiên và sâu sắc”.

“Ký ức Hội An” cũng vừa vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận 2 kỷ lục là “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam” và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất”.

Điểm đến độc đáo hút khách du lịch

Lấy ngôn ngữ kiến trúc và nghệ thuật thực cảnh làm ngôn ngữ chính, mô hình Công viên Văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” (sẽ khai trương vào tháng 4.2018), lấy chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” làm hạt nhân. Dự kiến, mỗi suất diễn “Ký ức Hội An” sẽ phục vụ khoảng 3.300 khán giả bởi chương trình được kỳ vọng sẽ là những bổ sung mang tính dấu ấn vào quỹ “đặc sản du lịch” phố Hội, góp phần gia tăng thời gian trải nghiệm và mức chi tiêu của du khách tại Hội An.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tin tưởng, chương trình có đầy đủ chất liệu để truyền tải giá trị văn hóa lịch sử phố Hội. “Mặc dù loại hình biểu diễn thực cảnh còn rất mới ở nước ta, nhưng nếu thành công sẽ là bước ngoặt cho ngành du lịch Việt Nam” – ông Quốc nói.

Tuy nhiên, ông Võ Đức Cương – một người dân sinh sống lâu năm tại Hội An lại thẳng thắn bày tỏ rằng, “Ký ức Hội An” mang đến một hình ảnh trực quan khá ấn tượng để giúp người xem hồi tưởng về không gian, thời gian của quá khứ nhưng “vẫn có đôi chỗ về nội dung hơi dàn trải, thiếu sự cô đọng mà nếu du khách, đặc biệt là khách nước ngoài xem thì có lẽ họ sẽ rất vất vả để nắm bắt được đâu là điểm nhấn mà chương trình muốn truyền tải”.

Trái ngược với ông Cương, bà Nguyễn Bạch Cúc (sinh sống tại Đà Nẵng) lại cho rằng, chương trình dàn dựng khá hoành tráng, công phu đến từng chi tiết. Dẫu vậy, bà Cúc mong muốn, ban tổ chức nên tính toán kéo dài thêm thời lượng chương trình để khán giả có thời gian thưởng thức kỹ càng hơn thay vì chỉ có 1 tiếng đồng hồ như hiện nay.

Đặc biệt, bà Cúc còn trăn trở về giá vé khi cho rằng, mức giá dự kiến bán ra là quá cao (dao động từ 600 – 800 nghìn đồng/vé), vì vậy nên có sự điều chỉnh sao cho phù hợp đối với du khách, nhất là khách nội địa.

NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn: “Khó để thoả mãn được hết tất cả...”

Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của cả một êkíp để thực hiện chương trình nghệ thuật thực cảnh phong phú, hấp dẫn. Một chương trình đại chúng như “Ký ức Hội An” sẽ rất khó để có thể thoả mãn được hết tất cả mọi người về thẩm mỹ. Tôi không khen về tiểu tiết nhưng vẫn nghĩ rằng mô hình này, chúng ta nên ủng hộ và phát triển nó.

Hoa hậu Việt Nam 2010 - Ngọc Hân: “Đã thấy một hình ảnh Hội An xưa”

Chương trình phần nào cũng cho khán giả thấy một hình ảnh của Hội An xưa, thật đẹp. Ấn tượng với Ngọc Hân là hình ảnh của hàng trăm cô gái mặc áo dài thướt tha xuất hiện trên sân khấu với những vũ đạo uyển chuyển, duyên dáng. Có hơi tiếc một chút, là mẫu thiết kế áo dài Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn là bởi tà áo dài xưa chỉ đơn giản suông dài không phải chiết eo bó sát như bây giờ. Ngoài ra, giọng kể trong chương trình được đạo diễn sử dụng giọng nói của cô gái miền Bắc chứ không phải miền Trung. Điều này ít nhiều làm giảm bớt cảm xúc của người xem chương trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn