MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái bên trang sổ tay của nhà điêu khắc Lê Công Thành - ghi dấu ngày tình yêu hai người.

Vẽ là thực sống một giấc mơ

An Vũ LDO | 07/04/2024 09:07

Viết văn và vẽ là hai trong số những nghề không tính đến tuổi hưu. Một khi đã theo nó, người ta sẽ trong tâm thế lao động suốt đời, tới khi tự bản thân muốn dừng lại nghỉ ngơi. Không chạy đua, không vội vã gấp gáp, cứ bình thường làm việc của mình. Được như thế, thì câu “tài hoa bạc mệnh” không hẳn là lời tổng kết bất di dành cho người mang nghiệp sáng tạo, mà là nguồn an ủi lớn thật ít người có được cơ may. Ở tuổi 81, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái vẫn vẽ mỗi ngày, mang niềm vui đến cho mình và cho mọi người.

Không chờ đến một độ tuổi chín muồi người nghệ sĩ mới nhận ra điều đó. Vẽ là điều tự nhiên, như là sống, là thở. Trẻ cũng thế, mà già đi cũng vậy. Tuổi tâm hồn nhiều khi không tính bằng tuổi tác thật của tạo hóa nhân sinh. Nhìn vào hàng nghìn bức tranh của nữ họa sĩ, ai cũng phải thừa nhận ngay tâm hồn không tuổi của bà. Đường nét khỏe khoắn, màu sắc tươi tắn, con người như cả một bệ phóng hiện ra.

Thiếu nữ xuân thì, tình nhân quấn quýt, mẹ con sinh dưỡng bế bồng... có thể là cách gọi của người xem tranh. Họa sĩ không định đặt tên cho tranh của mình bằng nhiều tính từ, danh từ cụ thể đến vậy. Các tính từ bao giờ cũng chỉ rõ trạng thái, có thể làm sinh động hình dung của chúng ta nhưng đồng thời lại thu hẹp, giới hạn ngữ nghĩa ở một vùng nhất định. Tranh, thứ nghệ thuật được cảm nhận trực tiếp bằng giác quan, không viện đến ngôn ngữ phiên dịch hoặc nhiều lời giải thích.

Họa sĩ cũng không đánh đố người xem bằng cảm xúc phức tạp hay kỹ thuật điêu luyện, cầu kỳ. Những sắc màu của cầu vồng, những mảng phẳng gẫy gọn vừa hài hòa vừa độc lập. Nếu họa sĩ vẽ cô gái và con mèo, thì dù kích thước của cô gái lớn hơn nhiều nhưng không có nghĩa là con mèo trở thành nhỏ nhoi, khuất lấp. Nếu họa sĩ vẽ thiếu nữ và bông hoa, thì cả hoa và thiếu nữ đều khoe sắc rạng rỡ, sóng đôi. Nếu họa sĩ vẽ đôi tình nhân, thì người nữ và người nam có giao hòa, tương hợp bao nhiêu, họ cũng vẫn là những cá thể tự thân đầy tự tin, tràn sức sống...

Những bức nude, hay không nude chẳng phải điều gì quá quan trọng, vì tinh thần họa sĩ hướng đến là vẻ đẹp lành mạnh, khỏe khoắn, đủ dịu dàng gợi cảm mà lại không yếu đuối, ủy mị, nhu mì. Tranh cũng là người. Người thế nào thì tranh thế ấy. Không cao thấp, hơn thua, không đúng sai, bám chấp. Nói vậy, thì tranh là mình, mà cũng là bạn của chính mình. Vẽ rồi mới hiểu, con người có thể mang cho mình sự khó xử nào đó, nỗi thất vọng nào đó, nhưng có lẽ tranh thì không, mặc dù chẳng phải bức nào vẽ ra cũng làm ta mãn nguyện.

Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái.

Cũng là dễ hiểu đối với một người vẽ nhanh, vẽ nhiều như nữ họa sĩ. Người khó tính sẽ bảo đấy là sự dễ dãi với nghệ thuật, còn bà thì chỉ đơn giản: vẽ cũng là chơi. Dù yêu công việc của mình đến mấy, nhưng nếu chỉ đăm đắm lao lực thì sao tránh khỏi mỏi mệt, ủ dột, cau mày. Nên làm việc cũng là vui chơi, làm mà chơi, chơi mà làm thì mới dưỡng sức đi lâu.

Và mình chơi, thì cũng muốn người khác cùng chơi - “chơi đẹp”. Tranh vẽ ra không phải giam trong nhà mà là đến với cuộc đời. Họa sĩ không coi đây là thú vui quý tộc độc quyền chỉ người nhiều tiền mới có, một người bình thường cũng có thể mua một bức về treo để ngắm nhìn, thư giãn, nghỉ ngơi. Giá trị bức tranh theo đó không tính bằng trị giá của nó.

Thời gian sẽ là câu trả lời cho tất cả. Nhưng thời gian là bao lâu? Nếu có thể đến với cuộc đời, thì cũng chẳng cớ gì đợi đến khi mình chết đi để cho đời sau phân bua đánh giá bức này hay, bức kia dở và người đương thời thì cứ phải cân nhắc, đắn đo. Niềm vui giản dị, như là có một bức tranh để nhìn ngắm nó, nếu thêm một ngày có được trong đời, cũng là đáng quý.

Hẳn nhiều điểm chung ở cả họa sĩ Kim Thái và nhà điêu khắc Lê Công Thành - chồng bà. Thiên hướng về cái đẹp, nhìn nhận và đánh giá nó đều có sự tương đồng. Bà có lẽ không để tâm việc người ta so bà với chồng, hay gắn tên bà theo sau nhà điêu khắc. Điều mà dường như là nỗi bực dọc với bất cứ họa sĩ nào thời đại ngày nay - khi mà cái tôi cá nhân được đẩy lên cao quá mức, nhất là cái tôi trong nghệ thuật.

Năm 1962, bà đang học Trung cấp Mỹ nghệ thì nhà điêu khắc Lê Công Thành về giảng dạy ở trường. Nhân lúc bà cầm bài làm đi qua, nhà điêu khắc trông thấy liền khen. Cả hai nhanh chóng quen rồi cảm mến nhau, sau đó trở thành bạn đời. Nhìn vào sự nghiệp đồ sộ của nhà điêu khắc Lê Công Thành, không thể phủ nhận ông có một hậu phương vững chắc nơi người vợ. Còn khi được hỏi họa sĩ Kim Thái, điều mà bà thích nhất khi sống cùng ông là gì? Bà trả lời, đó là bà được làm nghệ thuật. Câu trả lời tưởng như đơn giản nhưng thật không dễ khi bà và chồng đã phải qua không ít khó khăn cùng những năm tháng gian khổ của đất nước.

Khi nhà điêu khắc mất đi, bà vừa vẽ, vừa chăm lo phòng tượng. Một công việc nặng gánh nhưng bà không coi là gánh nặng mà rất đỗi tự hào. Cả nghìn bức tranh, cả nghìn bức tượng, màu sắc và hình khối bừng lên sức sống và dường như hiện đại hơn tất cả mọi thứ trong ngôi nhà. Nếu một lần được ghé qua, người ta rất dễ đồng cảm với những lời có lần họa sĩ từng nói: “Trong muôn ngàn điều, sẽ có một điều tìm thấy”.

Nếu đó là một giấc mơ kéo dài từ hôm qua, thì nó có thật nơi những bức tranh, bức tượng này. Trọn vẹn dành cho người làm ra nó, thuộc về nó, trân quý và nâng đỡ nó. Với một tâm hồn không có tuổi, ai bảo họa sĩ đã ngừng mơ...

Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái sinh năm 1943, quê quán Bắc Ninh.

Tốt nghiệp trường Trung cấp Mỹ nghệ (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hiện nay) năm 1963 và học Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khóa 1967 - 1972.

Bà vẽ đa dạng các thể loại: Tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, giấy báo.

Bà hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn