MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các nghệ nhân Đờn ca tài tử Nam Bộ rất tinh túy, muốn truyền nghề lại cần phải phát hiện chăm bồi.

Về miền Tây để một lần ca vọng cổ

Bài và ảnh Nhật Hồ LDO | 10/12/2023 06:00

Sau 10 năm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, có thể nói độ lan tỏa nhanh, mạnh. Nhiều người đã biết nghe, biết ca, đàn một vài câu cải lương, vọng cổ.

Đờn ca tài tử Nam Bộ đã lan tỏa

Ngày 5.12.2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ mà còn là một minh chứng về sức sống, sự lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu hiện nay toàn tỉnh có trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử, với gần 2.000 thành viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 25 Nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình trình diễn dân gian Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Tỉnh Bạc Liêu tổ chức 27 lớp về Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 2.500 người tham gia.

Những câu ca, tiếng đàn hiện tại không còn xa lạ mà đến với nhiều người. Tại các điểm du lịch ở ĐBSCL, hầu hết đều có chương trình đờn ca tài tử để phục vụ du khách. Chị Nguyễn Thị Bình, du khách Hà Nội đến thành phố Bạc Liêu cho biết: "Chúng tôi nghe nói Bạc Liêu có đờn ca tài tử rất muốn nghe, muốn xem nhưng người ta nói đến đêm mới có. Chiều đoàn của tôi đi rồi, nên không xem được".

Tại Bạc Liêu, không thiếu những câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ du khách. Tuy nhiên hầu hết phục vụ tại các điểm du lịch sinh thái, phục vụ vào ban đêm, phục vụ theo khung thời gian cố định nên cũng khó chiều lòng hết khách du lịch.

Anh Nguyễn Minh Hùng, du khách đi theo tour ĐBSCL nhận xét: "Tôi đến tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ cũng đã nghe đờn ca tài tử, giờ về Bạc Liêu cũng nghe. Mỗi điểm có cách ca, bài hát khác nhau, nhưng chủ yếu ca ngợi quê của mình hơi nhiều, ít chú ý đến nhu cầu của du khách cần thưởng thức bài gì. Nếu được, các điểm du lịch dành ít thời gian ca theo yêu cầu của du khách sẽ hay hơn".

Bà Đỗ Ái Lam - Phó chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu cho biết, du lịch miệt vườn, du lịch đồng quê... gọi chung là du lịch sinh thái tại thành phố Bạc Liêu đều có chương trình Đờn ca tài tử Nam Bộ. Hiện tại các câu lạc bộ đờn ca tài tử thường biểu diễn ở các điểm du lịch. Bà Lam cho biết, sắp tới sẽ mền hóa loại hình này nhằm phục vụ chu đáo hơn cho du khách.

Đờn ca tài tử Nam Bộ lan tỏa nhanh, mạnh sau 10 năm được vinh danh.

Nghe ca, nghe đờn thôi chưa đủ

Anh Nguyễn Văn Thuyết (thành phố Bạc Liêu) không biết đờn ca tài tử, không rành về ca cải lương, vọng cổ, nhưng anh quyết định mở quán mang tên Quán Ca Cổ Bạc Liêu. Anh giải thích: "Người miền Tây mặc định là phải biết ca vọng cổ, cải lương, tài tử. Người lạ về miền Tây cũng muốn ca một câu vọng cổ, một đoạn trong Dạ cổ hoài lang. Những nghệ nhân, nghệ sĩ cải lương không phải lúc nào họ cũng đờn, ca phục vụ. Chính vì vậy tôi mở quán Ca Cổ Bạc Liêu để phục vụ cho du khách. Tại đây du khách không những nghe ca, hát mà còn có thể làm ca sĩ, nghệ nhân...".

Anh Đồng Văn Mãnh - chủ khu du lịch Phương Nam, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu kể: Du khách rất thích ca tài tử, cải lương, vọng cổ. Hầu hết không phân biệt được ca tài tử với ca cải lương, vọng cổ nhưng ai đến khu du lịch cũng muốn nghe một câu vọng cổ đặc sệt miền Tây. Ví dụ, một câu ca trong đoạn "Võ Đông Sơ", "Bạch Thu Hà" hay "Tình anh bán chiếu"... Tôi thấy vậy cũng khá hay.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu nêu thực tế. Để đờn, ca tài tử nguyên bản cần nhiều người. Bài bản phải đúng, trúng. Điều này rất khó để phục vụ du khách. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá cầu toàn giữa bảo tồn và quảng bá. Bởi không phải ai cũng đờn, cũng ca tài tử Nam Bộ được. Thực tế, du khách thích ca một vài câu vọng cổ, một vài trích đoạn cải lương thì mình cứ phục vụ. Đầu tiên để du khách làm quen với loại hình này.

Nghệ sĩ ưu tú Khu Minh Chiến - nguyên Trưởng Đoàn cải lương Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu nêu, sau khi Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh, anh em nghệ sĩ cải lương của chúng tôi cũng được "thơm" theo. Theo tôi, nghe ca, nghe đờn thôi chưa đủ mà làm sao để du khách họ ca, họ đàn khi đến miền đất của Đờn ca tài tử. Có thể họ ca không hay, đờn không giỏi, nhưng một vài câu sẽ làm cho ít nhất nhóm khách đi cùng ấn tượng về Bạc Liêu, về đờn ca tài tử Nam Bộ.

Các điểm du lịch miệt vườn sông nước miền Tây hiện tại đều đưa Đờn ca tài tử Nam Bộ vào chương trình phục vụ. Dẫu cách phục vụ chưa thật sự làm hài lòng du khách, nhưng điều này chứng tỏ Đờn ca tài tử Nam Bộ thật sự hồi sinh và có đất sống ngay trên thánh địa của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn