MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm của họa sĩ Bình Nhi. Ảnh: Gallery 39

Vẽ “Mùa trăng”

An Vũ LDO | 08/09/2024 09:00

Đã nhiều năm, bày tranh dịp Trung thu là hoạt động thường niên của nhóm họa sĩ G39. Tranh bày không chỉ là tấm toan được vẽ lồng khung treo lên tường, mà còn là vẽ quạt giấy, mặt nạ giấy bồi, đèn tre... làm sống lại những làng nghề thủ công Việt Nam xưa. Không phân biệt tranh của người lớn hay trẻ em, nghệ thuật hay đời sống, mùa Trung thu là mùa vui cho tất cả mọi người.

Trung thu 2024, nhóm G39 cùng các em nhỏ Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân cùng làm thêm một “Mùa trăng” rực rỡ. Tranh - tượng - đèn, màu sắc và ánh sáng, nghệ thuật và nghề thủ công thêm một lần được tôn vinh.

65 tranh - tượng đủ chất liệu (sơn dầu, sơn mài, bột màu, khắc gỗ, xé giấy, acrylic, composit) thu hút bởi sắc màu, thì tháp đèn (được tạo bởi 60 chiếc đèn) cuốn hút người xem bằng ánh sáng. Không khí chung của triển lãm với màu và đèn là sự trong trẻo, rộn ràng, vui tươi.

Những tác phẩm không vẽ được thanh âm nhưng người xem cảm giác được thanh âm. Như khúc giao duyên làn quan họ (“Mùa trăng” - họa sĩ Đỗ Dũng), hay tượng “Diệu âm”, “Ngày mênh mang” của nhà điêu khắc Lê Minh Trí - với đèn, hoa, áo, gió đan cài. Các bức tranh không tả được mùi hương, nhưng gợi cho ta về mùi hương - của sen, của thị, của nắng như: “Nắng vàng” của Trần Hồng Đức, “Sen vàng” của Trần Gia Tùng, “Ánh sáng màu cam” của Trần Giang Nam. Nhiều bức tranh tạo nên không gian ánh sáng với “Trăng mơ” của Vương Linh, “Trông trăng” của Tào Linh; hay không gian sắc màu lễ hội như: “Mừng trăng” - Nguyễn Quốc Thắng, “Múa trăng” - Bình Nhi, “Cá mùa trăng” của Hoàng Phương Liên...

Đèn tranh của Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân. Ảnh: Gallery 39
Tác phẩm của họa sĩ Hoàng Phương Liên. Ảnh: Gallery
Tác phẩm của họa sĩ Tào Linh. Ảnh: Gallery 39
Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Dũng. Ảnh: Gallery 39

“Mùa trăng” không chỉ gợi về trăng mà gợi cả mùa Thu - thu thời gian, thu không gian. Mùa thanh bình của thiên nhiên, đất trời. Mùa của tung tăng lễ hội, nô nức hân hoan. Để ý kỹ một chút, ngay cả những bức khắc gỗ màu trầm lắng của Trần Giang Nam hay vài bức có màu tâm trạng của Nguyễn Thanh Quang cũng có nốt xao xuyến của người vẽ nên chúng. Ánh trăng, ánh nắng từ tranh cũng là sáng của tâm hồn trải ra, tràn ngập.

Cái khó của nghệ thuật là có thể vẽ niềm vui một cách sâu sắc và vẽ nỗi buồn mà không ủy mị. Vẽ trăng mà thấy người, vẽ người mà thấy không gian. Mỗi nghệ sĩ bằng năm tháng, ký ức và ước vọng vẽ nên “Mùa trăng” của chính mình, cũng là “Mùa trăng” của muôn người, mang niềm vui đến với mọi người.

Bên cạnh tranh - tượng, tháp đèn được tạo bởi 60 chiếc đèn - sản phẩm của Làng mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội cũng là một điểm nhấn của triển lãm. Đèn cá, đèn ốc, đèn hộp giấy dó cùng nhau thắp sáng. Những chiếc đèn thủ công được làm bởi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, đặc biệt là 50 chiếc đèn hộp dán giấy dó lại được các thầy cô và học sinh Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân vẽ lên. Rước lân, múa rồng, hoa sen, cá chép, chuồn chuồn, gà, lợn, ếch, chuột... tung tăng, rộn rã. Màu sắc của tranh dân gian Đông Hồ bừng sáng cả không gian.

Tranh của trẻ em bao giờ cũng trong sáng hồn nhiên, vui tươi nô nức. Nó phản chiếu thế giới các em sống và ước mơ của chính các em. Được học tập, được vui chơi, được làm điều mình thích... những việc hàng ngày, bình dị tốt đẹp là hành trang theo các em tới tận lúc trưởng thành. Sự trong trẻo của trẻ em đưa người lớn trở về ký ức, đồng thời nhắc chúng ta về những việc làm để giữ gìn thế giới tươi đẹp cho các em, và cho cả chúng ta.
Đèn và tranh, đèn và trăng làm nên không khí mùa Thu - khiến cho bất cứ ai ở trong nó cũng có thể thành nghệ sĩ bởi chính tâm hồn mình. Mỗi niềm vui lan tỏa là mỗi ánh sáng trong lành hòa nhịp với không gian, lưu giữ dấu thời gian.

Các họa sĩ tham gia gồm: Vương Linh, Đỗ Dũng, Hoàng Phương Liên, Lê Minh Trí, Thanh Huyền, Tào Linh, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thanh Quang, Trần Gia Tùng, Trần Hồng Đức, Trần Giang Nam, Chu Hồng Tiến, Bình Nhi, Lê Thiết Cương.
Cùng học viên Câu lạc bộ vẽ Sắc Xuân, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh.
Khai mạc triển lãm vào 17h thứ 6 ngày 6.9.2024, trưng bày từ ngày 6.9 - 20.9.2024, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn