MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

Về nguồn nơi miền “đá nở hoa”

Bài và ảnh Đan Thanh LDO | 27/07/2024 07:00

Hà Giang là mảnh đất ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam không chỉ vì sở hữu cảnh quan hùng vĩ với những cung đèo hiểm trở mà còn bởi lịch sử hào hùng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Du lịch về nguồn ở Vị Xuyên

Nhắc đến du lịch Hà Giang và đặc biệt là các chuyến đi về nguồn, du khách sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Nằm ở huyện Vị Xuyên cách trung tâm TP Hà Giang khoảng 18km về phía Nam, nghĩa trang được xây dựng từ năm 1990 nằm tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng mặt ra dòng sông Lô lịch sử. Đây chính là nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã có hơn 4.000 chiến sĩ mãi mãi nằm lại chiến trường, trong các khe đá, thung sâu. Vị Xuyên khi ấy được ví như “lò vôi thế kỷ” - chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Hàng nghìn chiến sĩ quyết tâm giữ từng vách đá, mỏm đồi, điểm cao với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.

Ngày nay, hơn 1.900 phần mộ liệt sĩ và một mộ tập thể, 408 mộ chưa xác định được thông tin đã quy tập về đây. Tất cả đều được chăm tóc, tu bổ trong khuôn viên trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi. Bước qua cổng nghĩa trang, nhìn sang trái du khách sẽ thấy đài hương uy nghiêm với kiến trúc 3 chân vững chắc. Trên đỉnh đài hương là 7 vòng tròn tượng trưng cho những năm tháng chiến đấu anh dũng bảo vệ biên cương.

Sáng sớm, những cung đường uốn khúc quanh co chìm trong sương mù nhẹ dẫn khách đường xa đến Vị Xuyên. Thăm và dâng hương ở nghĩa trang liệt sĩ xong, du khách ngược lên cửa khẩu Thanh Thủy để đến Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 nơi lưng chừng núi Nậm Ngặt.

Bản Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú.

Hơn 40 năm trôi qua, nơi Điểm cao 468 từng là nơi diễn ra các trận đánh khốc liệt năm xưa giờ đã khoác lên vẻ đẹp của bạt ngàn rừng xanh. Đài hương được dựng trên diện tích hơn 1.100m2 gồm nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia, nhà sắp lễ và một số công trình phụ trợ khác. Từ trên đài tưởng niệm có thể ngắm nhìn đất trời Vị Xuyên, bao quát cả những điểm cao khác như 685, 772 hay xa hơn là điểm cao 1509, nơi nhiều người lính đã nằm lại với đất mẹ.

Điều đặc biệt là trong số những người trông coi, săn sóc khói hương cho nghĩa trang liệt sĩ và Điểm cao 468 có những cựu chiến binh từng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Ai tới đây cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi lắng nghe họ kể chuyện về một thời lịch sử hào hùng.

Bầu trời mùa hè nơi biên cương xanh ngắt một màu, phủ lên những quả đồi, dãy núi, từng cánh rừng, hố bom nơi biên thùy phía Bắc năm xưa này cũng là màu xanh của cây cỏ và hòa bình. Tuy nhiên, chứng tích của cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn hiện hữu, luôn nhắc nhớ về những hy sinh quý báu để giữ gìn lãnh thổ, bảo vệ nền hòa bình - độc lập - tự do.

Khám phá cao nguyên đá Đồng Văn

Rời Vị Xuyên tiếp tục hành trình ở huyện Đồng Văn, du khách dừng chân ở cột cờ Lũng Cú, nơi tượng trưng cho cột mốc cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) với độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển. Hãy tham gia lễ chào cờ nơi địa đầu Tổ Quốc, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên bầu trời xanh ngắt và trong tiếng hát Quốc ca trầm hùng để thấy lồng ngực mình dâng trào tình yêu nước.

Từ trên cột cờ nhìn xuống bạn sẽ có cảm giác bao trọn bờ cõi Việt Nam trong tầm mắt. Đáng chú ý là nhìn xuống dưới chân núi có hai ao nước gọi là ao Mắt Rồng, nơi bốn mùa nước xanh trong, đặc biệt không bao giờ cạn nên đã trở thành nguồn nước sinh hoạt của người dân Lô Lô và H’Mông bản địa.

Du khách học thêu vải ở bản Lô Lô Chải.

Nếu muốn sống như người bản địa ở Đồng Văn trong hành trình về nguồn và khám phá miền “đá nở hoa” này, du khách đừng ngần ngại nghỉ lại một đến hai đêm ở bản Lô Lô Chải cách cột cờ chưa tới 2km. Bản làng được ví là thế giới cổ tích bình yên và thơ mộng cũng như còn là nơi bảo tồn hàng chục điệu múa cổ truyền được diễn tấu trong các đám lễ ma chay cưới hỏi...

Một chuyến đi ngắn cũng đủ mang lại nhiều trải nghiệm về lối sống, tập tục và các nghề truyền thống của cả hai dân tộc H’Mông và Lô Lô. Bước tới bản, du khách sẽ lập tức bị thu hút các nếp nhà trình tường hiện đã trở thành homestay nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp và cách bài trí truyền thống. Bên khung cửa là những người phụ nữ Lô Lô thoăn thoắt thêu, dệt vải thổ cẩm rực rỡ màu sắc. Lắng tai nghe đâu đó tiếng trống đồng cổ vang lên từ bản của người Lô Lô, nhìn non cao sừng sững, ngắm lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới dưới trời xanh nơi biên cương..., du khách càng như muốn nán lại lâu hơn để thêm hiểu, thêm yêu, thêm thương nhớ Hà Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn