MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số nhà 15 Hàng Nón, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ ngày 28.7.1929. Ảnh tư liệu: BTLSVN

Về nơi thành lập Công hội đỏ Bắc Kỳ nhân 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Minh Ánh LDO | 28/07/2023 12:00

94 năm trước (28.7.1929), tại số nhà 15 Hàng Nón đã diễn ra Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Công đoàn Việt Nam. Hành trình tìm về nơi cội nguồn của chúng tôi - những đoàn viên công đoàn - đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Ngược dòng lịch sử

Chiều muộn một ngày cuối tháng 7, nắng đổ, nhuộm vàng mọi ngóc ngách. Tôi dừng xe tại một địa chỉ quen thuộc, nhưng dáng vẻ của căn nhà đã khác xa nhiều so với tưởng tượng của tôi. Đưa mắt tìm, tôi nhanh chóng phát hiện tấm biển đỏ lọt thỏm trong những tấm biển hiệu quảng cáo.

"Tổng Công hội Bắc Kỳ là tổ chức Công đoàn đầu tiên của Đảng được thành lập ngày 28.7.1929 tại số nhà 15 Hàng Nón" - tôi lại gần và nhẩm lại dòng chữ ghi trên tấm biển.

Trong trí nhớ và những kiến thức lịch sử được học trên ghế nhà trường, tôi biết, vào ngày 28.7.1929, tại ngôi nhà số 15 Hàng Nón, Hà Nội (lúc đó là Hiệu thuốc lào Thuận Mỹ), đã diễn ra một hội nghị quan trọng, sau này trở thành sự kiện lịch sử: Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, có sự góp mặt của 7 đại biểu, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Hội trưởng lâm thời và quyết định ra một tờ báo mang tên Báo Lao Động.

Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ khi đó ra đời trong bối cảnh sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), lực lượng công nhân ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Năm 1929, cả nước có 140.000 công nhân hoạt động trong các mỏ than, thiếc, kẽm, xi măng, sửa chữa tàu...

Qua thời gian, giai cấp công nhân ngày càng phát triển, dần hình thành nên các tổ chức của giai cấp công nhân và bắt đầu các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi. Từ năm 1925, nước ta đã có công hội đầu tiên do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập. Sau đó, công hội tổ chức cuộc bãi công nổi tiếng của công nhân Ba Son - Sài Gòn, làm chậm ngày vận chuyển súng đạn thực dân Pháp chi viện để đàn áp các cuộc nổi dậy của công nhân Quảng Châu (Trung Quốc).

Từ năm 1924 - 1926, Việt Nam thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập và huấn luyện, các hội viên đã len lỏi đi vào các xí nghiệp, hầm mỏ vận động công nhân đấu tranh.

Trong hai năm 1928-1929, liên tiếp các cuộc đình công của công nhân nước đá Sài Gòn, hãng dầu Pháp ở Hải Phòng, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy xe lửa Trường Thi... nổ ra. Trên cơ sở đấu tranh đó, các tổ chức cộng sản lần lượt xuất hiện, trong đó có Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được cử phụ trách công vận (vận động công nhân-PV).

Tấm biển gắn tại số nhà 15 Hàng Nón. Ảnh: Minh Ánh

Những dấu tích thời gian

Một thời kỳ lịch sử với nhiều biến động. Quay trở lại với thực tại, tôi bắt gặp chị Phương - cán bộ văn thư của UBND phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chị Phương đặt câu hỏi ngay khi thấy tôi đứng tần ngần trước tấm biển đỏ.

"Em cần giúp gì không?" - chị Phương hỏi rồi giới thiệu bản thân.

"Em đang đọc lại tấm biển gắn ở ngôi nhà số 15 Hàng Nón này ạ. Em đang mải suy nghĩ làm thế nào tìm được một chứng nhân nhớ về khung cảnh ngày xưa của ngôi nhà này" - tôi nói đồng thời đưa ánh mắt nhìn chị với dáng vẻ cần sự giúp đỡ.

Sau khi hỏi qua các thông tin cá nhân và mục đích của tôi, chị Phương đồng ý giúp đỡ. Ngồi sau tay lái của tôi, chị Phương dẫn tôi đến nhà một cụ bà năm nay đã ngoài 90 tuổi, với hi vọng cụ sẽ còn nhớ những thông tin về ngôi nhà này và giúp đỡ cho tôi.

Đem những hy vọng được nghe về lịch sử của ngôi nhà, tôi cất tiếng chào thật to cụ Nguyễn Thị Tuyết Lan (92 tuổi). Đúng như lời giới thiệu, cụ là một trong những người sinh sống ở phường này lâu nhất, thậm chí cụ cũng đã có 6 thập kỷ làm tổ trưởng tổ dân phố.

Những gì cụ có thể kể cho tôi, đó là những trí nhớ vụn vặn về dáng vẻ ngôi nhà đó. Xưa phố Hàng Nón là con phố chuyên buôn bán các loại nón, từ nón dứa, nón lông cho đàn ông đến nón quai thao, nón ba tầm, nón chảo dành cho phụ nữ. Ngôi nhà số 15 Hàng Nón trong ký ức của cụ là ngôi nhà bán hàng tạp hoá. Tất cả chỉ có vậy.

Chị Phương tiếp tục giúp tôi gọi điện hỏi thêm nhiều người khác, vì chính chị cũng muốn tìm hiểu về ngôi nhà được coi là chứng tích lịch sử này.

Sau khoảng 15 phút, mọi số điện thoại cần gọi, chị Phương đều đã gọi. Một cụ sống gần ngôi nhà đó, có thể biết về ngôi nhà và người chủ cũ, cũng đã ra đi cách đây vài năm trước. Ngoài ra, ngôi nhà số 15 cũng đã qua 2 đời chủ, nhiều lần cho thuê cửa hàng và thay đổi biển hiệu.

Chào tạm biệt chị Phương, tôi trở lại căn nhà số 15 Hàng Nón. Nhìn ở một góc rộng hơn để bao quát ngôi nhà. Tiến lại gần cửa hàng, tôi xin phép nhân viên quán chụp lại tấm biển và kể cho họ nghe về lịch sử của nơi họ đang sinh sống. Và họ - những bạn trẻ, cũng như tôi, một lần nữa được nhắc nhớ về lịch sử. Còn với tôi, được truyền thông điệp, được kể cho người dân nghe lại những câu chuyện lịch sử về nơi ra đời của Công đoàn Việt Nam, tôi càng thêm yêu công việc và tự hào khi đang là một đoàn viên của tổ chức Công đoàn.

Sau 94 năm phát triển, từ ngày thành lập ở ngôi nhà số 15 Hàng Nón, Công đoàn Việt Nam đã phát triển, tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống người lao động. Tổ chức Công đoàn hiện cũng có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, giúp cho giai cấp công nhân trở thành lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn