MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải bóng đá truyền thống làng Triều Khúc có lịch sử lên đến 100 năm tuổi. Ảnh: Minh Hiếu

Về Triều Khúc xem giải bóng đá truyền thống gần 100 năm

HUYỀN TRANG LDO | 05/02/2023 18:20
Ngày Xuân, đến làng Triều Khúc xem hội, nơi trai tráng duyên dáng múa điệu trống bồng, nơi rạo rực không khí bóng đá của "xứ Basque giữa lòng Hà Nội".

Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị cho lễ hội. Từ ngày 9 đến 12.1 năm Quý Mão (Âm lịch), “làng trong phố” rực rỡ với lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Lễ hội được tổ chức tại Đại đình để tưởng nhớ người anh hùng phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Hội làng Triều Khúc mở đầu bằng lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng, đi từ đình thờ Sắc về đình Đại Đình để bắt đầu khai hội.

Không gian văn hoá lễ hội của ngôi làng nửa phố còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Trong đó, tiêu biểu nhất là điệu múa trống bồng, một điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái. Những người tham gia được đánh phấn, tô son, đầu đính khăn mỏ quạ, mặc váy nhiễu màu đen ngũ sắc, vừa nhún nhảy vừa vỗ trống bồng duyên dáng.

Hội làng Triều Khúc bắt nguồn từ tích kể lại, khi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc Đường. Mỗi khi giành được chiến thắng, ông sẽ cho binh sĩ tổ chức ăn mừng. Để khích lệ tinh thần nghĩa quân, Phùng Hưng để trai tráng đóng giả gái, đeo trống nhỏ múa hát. Từ đó, điệu múa trống bồng ra đời và được giữ gìn cho đến ngày nay.

Hội làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra từ ngày 9 - 12.1 (Âm lịch) hàng năm với nghi thức lễ và hội rất đặc sắc. Ảnh: Minh Anh

Lễ hội được bắt đầu với những nghi lễ quan trọng như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch, tế lễ... Và không thể thiếu những hoạt động dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng, múa chạy cờ. Sau lễ rước sắc là Lễ Nhập Tịch xin Ngài cho phép mở hội. 

Đặc biệt, trong ngày cuối cùng của lễ hội sẽ diễn ra điệu múa chạy cờ, tái hiện lại hình ảnh hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã. Cuối cùng, Lễ Tế giã vào ngày 12.1 Âm lịch cũng là thời khắc tiễn biệt, rước thánh Hoàn Cung, kết thúc lễ hội.

Sau khi hoàn thành phần lễ, người dân làng Triều Khúc tiếp tục bận rộn với những trò chơi dân gian như đá cầu, vật, đánh cờ người, trưng bày cây cảnh. Nhắc đến ngôi làng giàu truyền thống bậc nhất Thủ đô, không thể không nói về các giải bóng đá trên sân đất nện. Sân bóng Triều Khúc có tuổi đời hơn 100 năm và nằm sát ngay Đình Thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Song song với phần lễ, giải bóng đá Xuân Triều Khúc được tổ chức từ ngày 24.1 - 2.2.2023 (tức mùng 3.1 - 12.1 Âm lịch). Như truyền thống hàng năm, vào ngày mùng 2 Tết, 8 đội bóng gồm Xóm Lẻ, Xóm Chùa 1, Xóm Đình 2, Xóm Cầu, Xóm Chùa 2, Xóm Án, Xóm Đường Mới, được chia thành hai bảng, đá vòng tròn 1 lượt tính điểm chọn ra các đội vào bán kết và chung kết.

Đây có lẽ là giải bóng phong trào quy mô làng xã giàu truyền thống và hấp dẫn bậc nhất Hà thành. Giải bóng đá Xuân Triều Khúc có lịch sử lên đến gần 100 năm. Dù không được tổ chức liên tục do những vấn đề liên quan đến lịch sử, nhưng giải đấu cũng đã diễn ra được ít nhất 80 năm.

Đông đảo người dân đến theo dõi Giải bóng đá truyền thống làng Triều Khúc. Ảnh: Minh Hiếu

“Bóng đá là môn thể thao không thể thiếu trong những ngày diễn ra lễ hội làng Triều Khúc. Với người dân, đó không chỉ là một môn thể thao vua, mà còn là một nét đẹp truyền thống để phục vụ lễ hội. Đã là truyền thống thì các thế hệ cứ nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy. 

Thế nên, có thể nói giải bóng đá Xuân của làng Triều Khúc là giải đấu lâu đời nhất của Thủ đô cũng không sai. Tất cả chơi vì lễ hội, phục vụ Lễ Thánh và chơi để bảo vệ màu cờ sắc áo của khu xóm nơi mình sinh ra. Bất kể cầu thủ nào cũng rất háo hức và quyết tâm được cống hiến” - cầu thủ Triệu Thanh Tuấn chia sẻ.

Hiện tại, sân Triều Khúc đã bị mượn làm chợ tạm, chỉ còn một nửa có thể chơi bóng được, nhưng phong trào bóng đá nơi đây vẫn diễn ra từng ngày. Giải bóng đá 11 người truyền thống sau nhiều lần ngắt quãng đã được rút gọn lại thành sân chơi 9 người. 

Ngoài ra, vào ngày 10 - 11 tháng Giêng hàng năm, một đội bóng sẽ được mời về làm khách trên sân Triều Khúc để giao lưu với khán giả. Những năm trước có các đội phong trào như Tin lớn & Anh em, Văn Minh, FC Du Lịch... Năm nay, FC Mobi được mời đến dâng lễ và giao hữu với FC Triều Khúc, cùng nhau cống hiến một trận cầu mãn nhãn ở sân bóng có "một không hai" giữa lòng Thủ đô.

Trải qua hành trình dài phát triển cùng Thủ đô Hà Nội, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được những nét nguyên sơ, mang đậm cốt cách và nét đẹp tâm linh của một lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời. Mỗi một thế hệ ở Triều Khúc luôn tự hào, sẵn sàng gìn giữ và lưu truyền các giá trị văn hoá. Cũng chính sự đặc biệt đó đã giúp lễ hội truyền thống làng Triều Khúc được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn