MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chị hiệu đang hô bài chòi tại phố cổ Hội An. Ảnh: Nguyễn Linh

Vẹn nguyên Bài chòi Hội An

Nguyễn Linh LDO | 04/12/2022 18:00
Ngày 5.12 sắp tới, TP.Hội An sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm 5 năm nghệ thuật Bài chòi Trung bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đây là dịp để nhìn lại nghệ thuật Bài chòi Trung bộ đã trải qua những thăng trầm, lúc tưởng chừng như đã mai một nhưng cuối cùng vẫn vẹn nguyên và vang vọng khắp trên mọi miền Tổ quốc.

Nghệ thuật dân gian

Chầu rày đã có trăng non

Để anh lên xuống có con em bồng. (Bát Bồng)

Hay

Đi đàng phải bịt khăn đen

Ở nhà vợ sắn vóc sen nhuộm điều. (Cửu Điều)

Đâu đó bên trong bức tường vàng của những ngôi nhà cổ vọng về tiếng hát, tiếng hò của làn điệu dân ca, những lời ru êm ả về dải đất miền trung nghèo khó và về một Quảng Nam đậm tình người.

Nhắc đến Hội An du khách sẽ nghĩ ngay đến sông Hoài, dòng sông thơ mộng từng là một thương cảng nổi tiếng với tợ lụa, đèn lồng và dân ca Bài chòi. Lúc mặt trời xuống núi, những ngọn đèn đường lập lòe bên sông cũng là lúc Hội An lên đèn, đâu đó bên dòng sông Hoài vọng về những câu hò dân gian.

Không chỉ góp phần tạo nên một nét văn hóa đậm chất Hội An mà những làn điệu dân ca này cũng góp phần đưa Hội An vươn xa đến với bạn bè du khách quốc tế.

Những người nghệ nhân ưa tú với hơn 30 năm gắn bó với dân ca Bài chòi như bà Phùng Thị Ngọc Huệ (đường Lê Thánh Tông, Hội An) đã kể cho tôi nghe một cách say sưa về những câu hò, những làn điệu dân ca mà bà đắm chìm suốt bao năm qua. Kể về cái duyên đi hát của mình, bà Phùng Thị Ngọc Huệ cho biết, từ khi còn nhỏ, những làn điệu ru con của mẹ đã làm bà say đắm, mê mẩn đến nỗi phải tìm mọi cách để học, mọi gian nan cực khổ, vất vả bà cũng quyết phải vượt qua và tìm đường đi đến với Bài chòi.

Thế rồi năm 19 tuổi, bà Huệ được gia nhập vào phòng Văn hóa - Thể thao của TP.Hội An (nay là Trung tâm Văn hóa- Thể thao TP.Hội An). Niềm yêu nghề, say mê làn điệu dân ca đã giúp bà Huệ trở thành một nghệ nhân ưu tú của nghệ thuật dân gian Bài chòi Hội An suốt 33 năm. Cho đến ngày về hưu bà vẫn theo đuổi con đường truyền lửa cho các thể hệ trẻ tại mỗi điểm trường trên địa bàn và trong đêm phố cổ.

Bài chòi là một loại hình sân khấu ca kịch, mà tiền thân của nó là một loại hình nghệ thuật và trò chơi dân gian phổ biến ở khu vực miền Trung. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là Bài chòi của Quảng Nam. Vốn dĩ, Bài chòi chỉ là một nét truyền thống sống trong ký ức của những người lớn tuổi ở miền Trung. Đến năm 1999, người dân Hội An đã khơi dậy trò chơi dân gian này. Cũng từ đó, Bài chòi Hội An chính thức xuất hiện trong các chương trình đêm rằm phố cổ. Lời bài hát không đơn thuần chỉ hát cho nghe cho vui tai mà nhằm mục đích ca tụng tố chất, con người Quảng Nam chất phác. Qua đó giáo dục thể hệ sau phải giữ gìn nét truyền thống, văn hóa của dân tộc. 

Khi tham gia nghệ thuật Bài chòi, đầu tiên, anh hiệu và chị hiệu (Người hô hát Bài chòi) sẽ khởi động trò chơi. Tiếp theo là tiếng trống hội kêu to rộn rã. Anh chị hiệu sẽ cất lên những lời hô xướng gọi mở màn nhằm gây sự chú ý của mọi người. Sau khi hát mở màn xong, họ sẽ giới thiệu qua một lượt các quân bài. Người chơi sẽ chọn cho mình 3 quân bài khác nhau rồi cầm trên tay. Tiếp đó, anh hiệu và chị hiệu ra trước chòi, xóc ống thẻ rồi rút từng quân bài và hát câu hát tương ứng với tên quân bài.

Chòi nào sẽ có quân đó, người chơi sẽ hô có đây. Mỗi lần trúng tên quân bài, người chơi sẽ được trao một cây cờ. Trình tự cứ lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi có chòi nhận được đủ 3 cây cờ đuôi nheo. Sau khi đủ 3 lá cờ, người chơi sẽ hô to tới, rồi gõ một hồi thật dài. Tiếng trống cán, trống tum được đánh vang lên báo hiệu đã có người chiến thắng. 

Người hát Bài chòi còn phải là người hô hát giỏi, có diễn xuất giỏi, biết làm trò dí dỏm, duyên dáng và đặc biệt phải có khả năng ứng xử linh hoạt để dẫn dắt người chơi, tạo cho người chơi sự hứng thú.

Bài chòi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể từ tháng 12.2017, có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và quảng bá du lịch Hội An đến du khách.

Nghệ thuật Bài chòi được biểu diễn hằng đêm tại phố cổ Hội An. Ảnh: Nguyễn Linh

Phát huy những giá trị truyền thống của Bài chòi

Không chỉ là một nét riêng làm nên danh tiếng của Hội An, nghệ thuật Bài chòi từ lâu đã là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam bao gồm các loại hình âm nhạc, thơ, diễn xuất sân khấu, hội họa, văn học... được biểu đạt dưới hình thức hội chơi Bài chòi và trình diễn Bài chòi

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP.Hội An cho biết lễ kỷ niệm 5 năm nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại sẽ được tổ chức kết hợp với hội thi hát Bài chòi được diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 5.12-7.12). Các thành phần tham gia là các địa phương lân cận thành lập thành các đội để tham gia thi và sau đó ban tổ chức sẽ lựa chọn ra các đội thắng cuộc để trao giải. Đây cũng là dịp để tiếp tục lưu giữ bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật bài chòi nói chung và thổi thêm niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này đối với các thế hệ trẻ.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, tuy nghệ thuật Bài chòi không xuất hiện đầu tiên ở Hội An nhưng nó vẫn được lưu truyền. Không chỉ là một sản phẩm văn hóa nghệ thuật mà nó còn là một sản phẩm du lịch vì vậy nghệ thuật Bài chòi Hội An trong những năm qua đã thu hút đông đảo người dân cũng như du khách tham gia.

Hội An hiện đang xây dựng đề án thành phố sáng tạo về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Vì vậy nghệ thuật Bài chòi cũng là một trong những đề án xây dựng thành phố sáng tạo. “Ngoài các chương trình Bài chòi được tổ chức thường xuyên trong phố cổ thì Hội An cũng tổ chức các lớp dân ca trong trường học và phố đêm để các thế hệ sau kế thừa. Đặc biệt trong các chương trình nghệ thuật chúng tôi cũng đưa Bài chòi vào như một yếu tố cốt lõi để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”- bà cẩm cho biết.

Trong thời gian qua, TP.Hội An cũng xây dựng hình thức Bài chòi trực tuyến để người dân có thể tham gia mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống trực tuyến cùa nghệ thuật Bài chòi đang trong giai đoạn bảo trì và sẽ khôi phục trong thời gian sớm nhất để phục vụ công chúng.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Đây là một quá trình bền bỉ, kiên trì để truyền thụ kỹ năng hát Bài chòi cho lớp trẻ và cho đến bây giờ chúng tôi đã có một lực lượng hùng hậu để kế thừa kỹ năng về hô hát Bài chòi do đó Hội An sẽ tổ chức một hội thi để lan tỏa nghệ thuật bài chòi thay vì một hội thảo.”

Dù nghệ thuật Bài chòi không xuất phát từ Hội An nhưng đâu đó trong lòng người dân phố cổ, nghệ thuật Bài chòi như một câu hát ru đã đưa thành phố này trở thành một địa chỉ văn hóa. Cùng với những sắc màu lung linh của đèn lồng, những câu hò, lời ru về tình yêu quê hương đất nước đã thấm đẫm những nghĩa tình của người dân miền trung. Nếu ai đã từng một lần đặt chân ghé thăm Hội An sẽ nhớ mãi không quên những điệu hò dí dỏm mà lại thẩm đẫm tình người của Bài chòi Trung bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn