MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vị thế người thầy trong thời đại 4.0

thanh hà (thực hiện) LDO | 17/12/2023 07:28

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - được biết đến là người có gần 40 năm dành tâm huyết để "cảm hóa" hàng nghìn học trò ngỗ ngược. Dù học sinh yếu kém, học sinh bị trường khác trả về, thầy đều tiếp nhận về ngôi trường Đinh Tiên Hoàng của mình để giáo dục. Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông liên quan câu chuyện vị thế của người thầy, cùng những áp lực, đòi hỏi nghề giáo phải chuyển mình.

Những ngày qua sự việc cô giáo bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Khi theo dõi câu chuyện này, ông nghĩ sao về vị trí người thầy trong xã hội hiện nay?

- Ở thời đại nào cũng vậy, người thầy luôn là nền tảng của tri thức, của xã hội. Xã hội muốn phát triển mà không có tri thức thì không thể phát triển. Tất nhiên, trong xã hội phát triển hiện nay, nhiều khía cạnh nhất là tác động của nền kinh tế thị trường, có những cái phát sinh đòi hỏi phải đấu tranh, thay đổi. Dẫu vậy, chúng ta không nên lấy những giá trị tồn tại không đúng để bi quan.

Truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn còn và cần được phát huy, gìn giữ, làm trong sáng hơn và có sự lan tỏa trong thực tế cuộc sống. Ví dụ, hiện nay vai trò của người thầy không chỉ là truyền đạt trí thức nữa. Như xưa, thầy là cả một kho trí thức, là người chuyển giao tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng bây giờ trong điều kiện công nghệ phát triển, nền tảng tri thức cần chuyển giao ấy đã có chỗ lưu trữ. Thầy cô lúc này phải là người giúp trò biết vận dụng tri thức vào cuộc sống và phát triển tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn. Đó là bài toán đặt ra chứ không phải có tri thức thì không cần tới thầy nữa. Ngược lại, rất cần thầy lúc này để dạy cho trò không chỉ biết cách nắm tri thức mà quan trọng biết vận dụng tri thức tạo ra tri thức mới, giá trị mới và như vậy người thầy đã tạo ra những thế hệ học trò tài giỏi đóng góp đất nước hơn cả thầy. Đấy mới là giá trị cao cả của người thầy mà xã hội phải tôn trọng và nhận thức rõ. Không thể thiếu được người thầy trong bất kỳ xã hội phát triển nào.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm trao học bổng cho sinh viên có nỗ lực trong học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vậy rõ ràng, cùng với sự phát triển của xã hội, vị trí người thầy cũng có sự thay đổi và đòi hỏi thầy cô có sự thay đổi để phù hợp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Ngày xưa nhắc tới người thầy là mặc định được tôn vinh. Còn ngày nay phải hiểu trong xã hội hiện đại, để có được sự tôn vinh, trước hết phụ thuộc vào chính người thầy. Tri thức càng phát triển, người thầy càng phải học hỏi, nhờ đó mới có cách truyền giao kiến thức cho học sinh, làm sao để kiến thức của mình đến được từng học trò. Cái khó của giáo dục thế kỷ 21 là mỗi thầy cô giáo, nhà trường phải làm sao phát huy được khả năng tiềm ẩn trong mỗi học trò, để trò tự quyết định cuộc sống của mình.

Người thầy không lấn át học trò mà phải để học trò tự khẳng định, phát triển và tạo ra giá trị riêng của mình. Thầy càng phải là tấm gương sáng cho trò, luôn tạo ra các giá trị mà trò đón nhận từ thầy để tiếp tục phát triển bản thân mình. Đó là ý nghĩa cao cả của sứ mệnh giáo dục, giá trị người thầy ngày nay. Điều này là hoàn toàn khác ngày xưa.

Trong cảnh đổi mới giáo dục với nhiều thách thức, áp lực đó, đòi hỏi việc tự bồi dưỡng của nhà giáo ra sao để giữ vững vị thế của người thầy?

- Ở đây, có hai thứ chúng ta cần nhìn nhận rõ. Thứ nhất, mỗi người thầy phải nhận thức được bản thân cũng như sứ mệnh của mình. Làm bằng được điều đó, chưa làm được thì chưa thể ăn ngon ngủ yên được. Đặc biệt, phải dạy học trò có văn hóa, phát triển bản thân thì mỗi người thầy cần liên tục học hỏi, tức ngày mai thầy phải khác thầy ngày hôm qua, mỗi giá trị thầy gieo trồng phải đơm hoa kết quả, làm kết quả lao động của mình đến được với người học.

Người dạy bây giờ cũng không thể kén chọn những trò giỏi, con ngoan để dạy mà phải tạo ra những trò giỏi, con ngoan theo phương pháp giáo dục mới để nó tự nẩy mầm kết trái. Chứ không phải thầy làm thay cho trò. Đó là bài toán khó hiện nay. Người thầy cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế, cảnh giác và ý thức về những mặt hạn chế của bản thân mỗi người. Người thầy bao giờ cũng phải là tấm gương sáng cho học sinh, cái khó của người thầy ngày nay không chỉ có trí thức mà phải có nhân cách lớn cho học sinh noi theo.

Cô Nguyễn Thị Hạnh trong tiết giảng Ngữ văn Lớp 9A1 trường THCS & THPT Phenikaa. Ảnh: Hải Nguyễn

Hiện nay có nhược điểm là thầy chưa nhận thức được sứ mệnh của mình. Xã hội đối đãi với người thầy chưa như mong muốn nhưng như thế không có nghĩa người thầy chỉ làm như những gì người ta đối đãi với mình. Hơn ai hết, người thầy cô không được phép suy nghĩ thiển cận, so đo. Người thầy luôn phải bảo vệ danh dự, trách nhiệm của mình với xã hội.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà nước cũng cần phải có trách nhiệm chăm lo. Quan điểm của tôi là phải làm được 3 việc:

Một là, việc đào tạo trong các trường sư phạm cần được đầu tư nhiều hơn nữa, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo hiện nay cần phải được đổi mới tổ chức thường xuyên chứ không phải mỗi năm một vài buổi, tập trung hình thức. Nó cần trở thành nhu cầu của mỗi nhà giáo, mỗi đơn vị trường học chứ không chờ cơ quan quản lý tổ chức. Tự bản thân mỗi nhà giáo cần thấy mình cần gì để tự tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn. Mỗi nhà trường cũng cần thường xuyên quan tâm xem đội ngũ giáo viên của đơn vị mình còn thiếu gì để kịp thời bổ sung, cập nhật.

Hai là sàng lọc, chọn lọc, không phải ai học xong đại học sư phạm cũng trở thành nhà giáo. Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay, các trường sư phạm đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu của chương trình Phổ thông 2018. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, các trường sư phạm cần tăng cường dạy khoa học tâm lý giáo dục cho sinh viên. Thời gian thực tập của sinh viên tập trung vào 2 - 3 tháng của năm cuối là chưa phù hợp mà cần phải gắn kết chặt chẽ hơn với trường phổ thông, mỗi năm đều phải tổ chức cho sinh viên trực tiếp thực hành tại trường phổ thông. Các trường sư phạm cũng cần tính đến việc đưa giáo viên giỏi ở các trường phổ thông làm giảng viên kiêm nhiệm tại trường sư phạm nhằm hướng dẫn sinh viên về phương pháp, về kỹ năng giảng dạy và các tình huống sư phạm thường gặp để chủ động cách ứng xử...

Ba là, để giáo viên tận tâm cống hiến với nghề thì trước hết họ phải được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có việc cải cách tiền lương nhà giáo. Thông tin Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp đã thể hiện sự quan tâm thiết thực, đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ nhà giáo cũng như nhân dân bấy lâu nay.

Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để nhà giáo thêm nỗ lực và gắn bó với nghề, đồng thời cũng sẽ góp phần thu hút sinh viên giỏi đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm. Để chính sách tiền lương phát huy hiệu quả, cần đưa mức tiền lương ấy đến được các thầy, cô giáo đúng lộ trình; tổ chức chi trả tiền lương đúng vị trí việc làm và hiệu quả lao động để người giỏi có cuộc sống ổn định, từ đó tận tâm cống hiến.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn