MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Viết về biển, dù có đắm chìm trong đại dương thời gian…

Y TRANG LDO | 19/09/2016 11:08
(“Truyện biển”, tác phẩm tuyển chọn của Konstantin M. Staniukovich (1843 - 1903) do Thúy Toàn dịch (riêng truyện ngắn “Một cuộc chạy trốn” do Nguyễn Chiến chuyển ngữ) NXB Lokid Premium LB Nga xuất bản 2015, 304 trang).

Những tác phẩm được xuất bản với sự giúp đỡ, hỗ trợ tài chính của LB Nga những năm gần đây, như tôi đã từng viết trên Báo LĐCT, bên cạnh việc “tổng kết” sự nghiệp của một số nhà văn Nga kinh điển, có một vài tác phẩm - đặc biệt là một cuốn sách nghiên cứu về ngôn ngữ học - có lẽ không nên dịch và giới thiệu với bạn đọc VN vì quá “cũ kỹ” và không cần thiết, còn ít tác phẩm chưa từng được dịch ở VN đặc biệt thiếu vắng những cuốn của văn học Nga đương đại.

Trong số đó, tuyển tập truyện ngắn “Truyện biển” là một cuốn sách đáng chú ý. Dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn, một trong những người có công lao lớn trong việc giới thiệu nền văn học Nga (và cả các nước Soviet thời trước) với bạn đọc VN, đã trả xong “món nợ” với nhà văn mà ông yêu quý.

Có lẽ K. Staniukovich không phải là một nhà văn lớn, chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền văn học cổ điển Nga, nhưng cá tính sáng tạo của ông cũng đủ khác biệt. Khi viết về ông, nhà văn Nga - Soviet Leonid Sobolev (1898 - 1071) cũng từng viết về biển cả, hải quân Nga và hải quân Soviet, đã mở đầu bằng những dòng đầy cảm xúc: “Những cuốn sách của những người khổng lồ của văn học tất nhiên sống mãi qua các thế hệ. Bên cạnh những bó đuốc sáng chói của trí tuệ và nghệ thuật còn tồn tại qua các thế kỷ những cuốn sách không thật bao quát, nhưng dù sao đi nữa cũng mang cái tổng quát của những tư tưởng và tình cảm nhân loại. Tuy nhiên, còn có một khối lượng vô cùng lớn lao những cuốn sách vào thời điểm của mình từng đã thu hút sự đồng cảm của người cùng thời và là văn chương tiên tiến của thời đại mình, nhưng vẫn không thể bước qua cái ranh giới huyền bí chia cắt giữa sự quên lãng với bất tử”.

Theo tôi, dường như K. Staniukovich ở giữa ranh giới giữa sự bất tử và quên lãng. Người đọc ông sẽ nhớ đến ông như một nhà văn có tài, thông minh, am hiểu cuộc sống, cần cù lao động sáng tạo và là một người có lý tưởng nên nếu trong những năm 60 của thế kỷ 19 dưới thời Nga Sa hoàng. Ông viết nhiều thể loại, nhiều đề tài, trong đó viết về biển chiếm 3 tập trong toàn tập 10 cuốn.

Tên tuổi của ông và đề tài biển có cội nguồn từ tiểu sử của chính ông. Lẽ ra, như mọi người khác, ông đã trở thành một sĩ quan hải quân cao cấp bởi ông là con của một thủy sư đô đốc uy quyền không chỉ trong quân đội Nga. Ông được đi học sĩ quan hải quân, được trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm về hải quân, được người cha cho tham gia chuyến viễn du thế giới cả 3 năm trời. Thế nhưng ông đã từ bỏ con đường danh vọng khi đang là Trung úy trẻ với một ước mơ vào trường Đại học Tổng hợp. Ông bị cha đoạn tuyệt, tước quyền thừa kế. Chàng trai trẻ ấy dấn thân vào con đường của một nhà trí thức đấu tranh vì nền dân chủ Nga. Ông làm nhiều nghề: Giáo làng, nhân viên hỏa xa, nhân viên xã hội và con đường đi suốt phần đời còn lại là viết kịch, viết văn, làm báo.

Ông đã phải trả giá, từng bị 1 năm giam cầm ở một pháo đài, phá sản và đi đầy 3 năm ở tận Tomsk, Siberria. K. Staniukovich không gục ngã, từ nơi lưu đày ông tiếp tục sự nghiệp viết văn. Và chính từ đây, ước mơ về văn chương, về cuộc sống giữa biển cả lại trở lại trong cuộc đời đau khổ của mình. Nhà văn L. Sobolev nhận định, chính từ đây, sự nghiệp của K. Staniukovich đã có bước chuyển, “đi từ sự đại chúng phổ cập lên đỉnh vinh quang, một bước ngoặt kỳ diệu, tạo ra sự bất tử của tên tuổi ông”. Và “Đã xảy ra một điều màu nhiệm. Nhà văn từng in tác phẩm hơn hai chục năm trời, đột nhiên dường như nhận được hơi thở thứ hai, một tuổi trẻ văn chương thứ hai, mà phải nói tuổi trẻ tươi hơn nhiều, tuổi trẻ thứ nhất”. Nếu không có khát vọng cao cả về biển, hẳn nước Nga đã không xuất hiện những con người như Piotre Đại đế, bản đồ nước Nga vẫn loanh quanh ở các dòng sông, không có biển Bắc, biển Caspi, biển Đen, Thái Bình Dương… Và phần quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông chính là viết về biển cả. L. Sobolev nhận xét: “Sự khám phá đi đầu của K. Staniukovich là ở chỗ, ông đã cho thấy với đầy đủ sự thật cuộc sống là cái bản chất đặc biệt và kỳ lạ của con người, được mệnh danh là người thủy thủ Nga, dù đó là anh lính hay là vị thủy sư đô đốc” và “con tàu văn chương của ông đã làm bước rẽ ngoặt quyết định và đã không bị tan vỡ trên đá ngầm - mà ra được đại dương”.

Với bạn đọc Việt Nam, K. Staniukovich đã từng được biết đến qua bộ phim “Maksimka” chiếu đầu những năm 1960, và mươi năm qua là phần du ký biên khảo “Người Pháp ở Nam Kỳ” về nơi ông đã từng đến vào năm 1863. Điều đáng ngạc nhiên là chàng sĩ quan trẻ người Nga ấy không có chút đầu óc thực dân, luôn cảm phục về dân Annam, không giấu diếm sự kính trọng tính dũng cảm, gan dạ, đánh giá cao hơn người Trung Hoa, đặc biệt ca ngợi một người năng nổ, thông minh, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Trương Công Định… đồng thời phê phán chủ nghĩa thực dân Pháp khi so sánh với thực dân Anh…

Cảm ơn nhà văn, dịch giả Thúy Toàn đã giới thiệu một nhà văn đáng kính với những trang viết về biển cả và đời sống những người trên các đại dương. Qua cuốn sách này cũng như các tác phẩm văn học của thế giới về biển cả lại càng nghĩ về nền văn học Việt Nam. Chúng ta có quá ít và có thể nói chưa có tác phẩm nào thành công về đề tài này, dường như các nhà văn VN mới chỉ “đứng trước biển”. Nhà văn L. Sobolev đã viết những dòng viết cuối cùng về K. Staniukovich: “Và thật sung sướng hạnh phúc những ai chúng ta, các nhà văn đương thời cùng viết về biển, sách của họ có đắm chìm trong đại dương thời gian, vươn theo con tàu dưới những cánh buồm trắng no gió, nương theo tàu mang những hình tượng đời đời sống động của những người lính và sĩ quan thủy thủ Nga”. Những dòng ấy cũng có thể đúng với các nhà văn VN chúng ta, hãy viết về những người lính thủy VN từ xưa đến nay, những người dân bám biển qua bao đời, hãy viết, dù tác phẩm có thể chỉ “đắm chìm trong đại dương thời gian…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn