MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Với nửa bên kia: Hết Tết

PHẠM THỊ LDO | 06/02/2017 14:18
Vậy là đã hết Tết, chợ đã đông trở lại, đường cũng đã tắc trở lại.  

Mọi thứ trở về bình thường, tất cả rối rít lo toan cho Tết nhanh chóng trở thành chuyện cũ, còn 359 ngày nữa để những lo toan đó thành chuyện mới. Năm nào người ta cũng bàn chuyện có nên bỏ Tết không, hay gộp hai Tết lại làm một, rồi cứ tuần tự, Tết vẫn diễn ra cùng những tranh cãi bỏ hay không bỏ.

Năm nay, ngoài chuyện tranh cãi vì bỏ Tết hay không bỏ Tết, em thấy người ta lao vào tranh luận về cái gọi là áo dài cách tân. Áo dài cách tân, điều này có từ lâu rồi, tay ngắn vạt ngắn cổ hở, có đến cả vài chục năm cách tân rồi ấy chứ. Bản thân cái áo dài truyền thống cũng là một sự cách tân, nhưng đúng là năm nay, sự cách tân này đem lại nhiều... bức mắt. Hiếm có trường hợp làm hỏng cả hai trang phục cùng một lúc như thế, cái áo dài với cái váy, khi cùng khoác nó lên người. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người đẹp mặc gì cũng đẹp và ngược lại, nên quan tâm đến cái thứ cách tân ấy là việc theo em chẳng cần.

Thông thường, em không hay bàn về trang phục của người khác. Ăn mặc thế nào là quyền tự do cá nhân, xấu đẹp tự chịu trách nhiệm. Nói chung, em không định nói đến việc cứu cái áo dài. Nếu cứu, thì cứu con người thoát khỏi những cơn lên đồng theo phong trào, bao gồm cả việc mặc áo dài cách tân với váy đụp, cùng sự dữ tợn phê phán nó.

Cái áo dài cách tân mặc cùng váy ngắn năm nay có khả năng tạo nên sự dữ tợn. Đấy đúng là một sự thật. Nhưng sự thật lớn lao hơn thế là người ta có thể dữ tợn chẳng cần lý do nào, chẳng cần đến một sự bức mắt nào. Cả một cái Tết có mấy nghìn vụ đánh nhau nhập viện, đến mùng 3 Tết đã 2.200 vụ báo chí đưa tin (nếu không đến mức nhập viện có thể không được thống kê nên chắc số lượng các vụ đánh nhau cao hơn con số mấy nghìn). Hôm trước Tết, một thương binh già bị đánh dã man bởi một đám thanh niên, chỉ vì xe thương binh của ông chạm phải gương một chiếc ôtô của đám thanh niên ấy. Người lính đã trải qua chiến trường đã phải chạy trốn đám thanh niên mà không thoát. Còn hôm mùng 5, khai hội chùa Hương, một phụ nữ cao tuổi đã bị một đám nữ thanh niên đánh đập cũng chỉ vì lỗi chen lấn giẫm phải chân các cô thanh nữ ấy. Khi người ta vô lễ đến mức dám giơ chân giơ tay đánh người hơn tuổi, thì điều đáng lo về một xã hội bất nhân lớn hơn nhiều so với nỗi lo về chiếc áo dài mặc cùng váy ngắn, dù có thể hai điều ấy cũng liên quan đến nhau, nó thể hiện ý thức con người ở cấp độ nào.

Nhưng thôi, em không nói chuyện cái áo dài. Gì thì gì, vẫn là chuyện nhỏ thôi. Tết này phong trào karaoke tại gia phát triển rất mạnh. Lý do vì trên thị trường xuất hiện một loại micro kèm ampli, giá từ 500.000 đến trên dưới một triệu. Chẳng cần dàn máy nữa, chỉ cần bật loa, bật bluetooth nối với một ipad hay smartphone, là có ngay một phòng karaoke lưu động, đương nhiên không cách âm. Loa phường làm người ta sợ, nhưng cái sợ sự hát tại nhà, ba bốn nhà cùng hát, mỗi nhà một phong cách, từ nhạc đỏ, boléro, vọng cổ đến các bài hát mầm non đồng thời cất lên ở mức độ chói tai, bất kể lúc nào trong ngày, cũng là một cái sợ đáng kể lắm. Có khi hiền mấy cũng trở nên cáu kỉnh và văng tục...

Dù sao, Tết cũng hết rồi. Karaoke tại gia cũng đỡ, chỉ đường lại tắc, chợ lại đông, chúng ta lại đợi sang năm hát bài Tết Tết Tết Tết đến rồi...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn