MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Với nửa bên kia: Sao thế nhỉ?

PHẠM THỊ LDO | 25/11/2016 18:14
Mấy tháng rồi, và đột nhiên một người bạn hỏi em, rằng vụ bé gái bị xâm hại ở Vũng Tàu, nghe nói đã khởi tố, giờ ra sao rồi? Em ớ mặt, quả thật, mấy tháng trời, quá nhiều sự kiện nên một việc chính mình đã lên tiếng mà mình lại lãng quên…

Nhưng nó ra sao rồi, em cũng không biết, thật sự thế. Báo chí gần đây không nói về nó. Mặc dù tin tức về bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí không chỉ các em gái mà cả các em trai. Gần đây vấn đề lạm dụng tình dục với trẻ em trai cũng bắt đầu gây ra sự lo ngại cho xã hội. Trong số các thủ phạm (mà hầu hết là nam giới) có cả những người cao niên có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng và cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp mà nạn nhân không thể lên tiếng hoặc bị cho là không đáng được bênh vực vì thuộc các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người di cư, phụ nữ hành nghề mại dâm, người đồng tính và người chuyển giới. Đối với nhiều người trong số họ, bị bạo hành và lạm dụng tình dục là một thực tế ám ảnh họ mỗi ngày nhưng họ buộc phải chịu đựng trong câm lặng. Nhưng những tin tức về sự bạo hành hay lạm dụng tình dục ấy dường như chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ của độc giả trong một thời gian ngắn, rồi người ta quên ngay hoặc bỏ quan tâm chạy theo những vụ mới.

Các nhà nghiên cứu xã hội bày tỏ mối âu lo của họ rằng, Việt Nam chưa bao giờ đối mặt với sự thiếu an toàn của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái như trong vài năm qua. Pháp luật Việt Nam với nhiều quy định tiến bộ phải là một công cụ hữu hiệu để phòng ngừa và trừng phạt bạo lực. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự chậm trễ của cơ quan hành pháp, thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền đã khiến bạo lực và lạm dụng bị xem nhẹ hoặc rơi vào im lặng. Quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa. “Phải xem lại mình”, trong nhiều trường hợp đó chắc chắn là một câu nói thốt ra từ sự vô tình nhưng gây thương tổn cho người trong cuộc cực kỳ dễ dàng.

Và báo chí, truyền thông xã hội thì chỉ thích phơi bày, soi mói và khai thác nhiều chi tiết riêng tư khiến nạn nhân có khi trở thành tội nhân trong dư luận xã hội. Cộng đồng, gia đình và bản thân các nạn nhân đôi khi cũng chấp nhận cam chịu và tự tìm cách đương đầu với hậu quả bạo lực, lạm dụng và quấy rối tình dục hơn là lên tiếng đòi lại công bằng và kết nối với nhau để đấu tranh chống lại những vấn nạn đó.

Nhưng em nhớ, người mẹ của cháu bé 7 tuổi trong vụ bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu cũng đã đấu tranh, đấu tranh rất quyết liệt. Vụ án đã được khởi tố, vậy mà nó đâu rồi trong những dòng tin hàng ngày? Một cái kết để khép lại, vui gì đâu mà kéo dài mãi chứ, nhưng vẫn cần được công bố để răn đe những hành vi phạm tội tương tự.

Nếu không, các nhà nghiên cứu xã hội và chúng ta cứ lo lắng mãi, và tội ác sẽ xảy ra mãi, vì không bị ngăn chặn.

Im lặng mãi, sao thế nhỉ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn