MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Với nửa bên kia: Tục lệ là cái gì?

PHẠM THỊ LDO | 12/02/2017 19:09
Tục lệ là cái gì, em muốn hỏi thế, khi xem cảnh cướp vợ diễn ra ngay tại Sa Pa, một cô học trò lớp 9 lăn lộn dưới đất, van khóc khi bị một gia đình đến bắt vợ cho con trai chiều 5.2, cô bé đang học trường THCS Sa Pả, thuộc huyện Sa Pa. Tục lệ nó thế, một đám đông đứng xem, không can ngăn được “đây là phong tục truyền thống của người Mông nên pháp luật không can thiệp được”, người ta bảo thế.

Mà đâu có riêng vụ này, một ngày trước đó thôi, 4.2, trên mạng xã hội cũng có một đoạn clip ghi lại cảnh “cướp vợ” ở xã Châu Lộc, huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An. Đoạn clip này dài gần 3 phút, khi cô gái đang đứng bên đường thì xuất hiện 4 nam thanh niên kéo, ép buộc cô này lên xe máy. Ngay lúc đó chiếc xe máy chở 3 không đội mũ bảo hiểm lao đi. Cô gái ngồi giữa vùng vẫy và la hét thất thanh, cố vùng khỏi xe máy. Khi cô gái xuống khỏi xe máy, các thanh niên tiếp tục bắt giữ, ôm lấy người, ép buộc cô gái lên xe. Phải đến lúc có một ôtô con đi qua cô gái vùng thoát được khỏi các thanh niên, bỏ chạy.

Báo chí sau đấy thuật lại: Khi từ miền Nam về quê nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, thì một thanh niên ở xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp) “ưng” cô gái. Người thanh niên này và người thân đã đòi sang nhà cướp vợ, cô gái phải trốn nhiều ngày. Đến sáng 3.2, cô gái ra ngã ba Châu Lộc để bắt xe đi vào Nam thì xảy ra cảnh trên.

Cướp vợ cũng là tục lệ của người Thái! Ô hay!

Chẳng hiểu sao giờ này vẫn tồn tại những tục lệ mông muội như thế. Người ta bảo tục lệ nó thế, chẳng ai làm gì được, thế là đi cướp vợ. Cướp như cướp một đồ vật bên đường, chỉ là do ưng mắt, do cướp được thì đỡ mất tiền sính lễ ăn hỏi. Và xã hội văn minh coi trọng tục lệ đến nỗi đứng im nhìn?

Tin tốt là nhờ vẫy vùng và không cam phận, cô bé lớp 9 ở Sa Pa và cô gái ở Quỳ Hợp đều không phải trở thành vợ của hai kẻ định cướp mình. Và mọi chuyện sẽ qua đi, người ta quên mất rằng, trên đời có những chuyện kỳ cục như vậy ngay trong cuộc sống hiện đại, cho đến lúc đâu đó lại xảy ra đám cướp vợ mới. Tục lệ nó thế!

Và cũng chắc do tục lệ, một thứ tục lệ sinh ra từ tâm lý giống như tâm lý đi ăn cướp, mà một ông già quần hoa mặt mũi nhăn nhúm lên mạng xã hội khoe “Đêm bảy ngày ba, vào ra không tính…” với người yêu xinh đẹp 27 tuổi. Vấn đề là vụ khoe khoang này diễn ra sau khi tình cảm đôi bên chấm dứt. Kẻ giàu (và già) hợm hĩnh dựa vào mấy thứ truyền thông lá cải để kể lể trăng hoa. Và mấy ngày, cô gái trong cuộc chưa lên tiếng, chắc cô ấy nhịn, nhịn cho lành cũng là tục lệ mà. Mới đây, một nghệ sĩ vợ của một nghệ sĩ nổi tiếng cũng nói trên báo rằng, cô biết chồng cũng nhiều lúc trăng hoa, gia trưởng, nhưng cô quen nhịn và hy sinh, vì cô tin nhịn thì sẽ được đền bù xứng đáng…

Em sợ cái kiểu nghĩ ấy quá, nhịn để mong được khen thưởng, được đền bù. Bao giờ phụ nữ nước mình mới thôi nói và nghĩ như thế? Bởi cứ nói và nghĩ như thế, nên đàn ông nước này mới tự cho mình quyền đi cướp vợ giữa đường, quyền lên truyền thông kể lể trăng hoa khi chấm hết cuộc tình.

Ngày Tình nhân 14.2 rồi ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 nữa, sắp đến rồi đấy, thể nào trên mạng xã hội cũng đầy đàn ông than thở chuyện mua hoa mua quà…

Đừng nhịn nữa, em muốn nói với chị em thế, cứ nói thẳng ra chúng em cần 365 ngày yêu thương và tôn trọng, đừng có tốn tiền mua hoa trong mấy ngày hôm ấy rồi than van tốn kém. Đừng để việc mua hoa cũng như việc than thở thành tục lệ.

Tục lệ là cái gì?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn