MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây đa khủng vượt hàng ngàn cây số nhưng không bị lực lượng CSGT nhiều tỉnh, thành phát hiện, xử lý. Ảnh: Đắc Thành.

Vụ 500 giáo viên ở Đắk Lắk: Lỗ hổng pháp luật bị lợi dụng và những hệ lụy khó lường

hữu long LDO | 16/04/2018 07:30
Vụ việc 500 giáo viên đứng trước nguy cơ mất việc hay vụ 3 cây đa khủng vượt hàng ngàn cây số không bị xử lý đều diễn ra tại Đắk Lắk cho thấy những bất cập trong việc kiểm tra, giám sát của hệ thống công quyền không chỉ ở địa phương này.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần tăng cường vai trò giám sát, nếu phát hiện sai phạm, bất cập trong công tác quản lý cần xem xét điều chỉnh và xử lý vi phạm nghiêm minh, không bao che.

Trước áp lực của dư luận trong vụ 500 giáo viên hợp đồng tại tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ mất việc vì không nằm trong chỉ tiêu biên chế, vừa qua, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc Sở Nội vụ vì trong công tác thanh tra, kiểm tra không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk.

Tỉnh Đắk Lắk sau đó còn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ từ 2015 - 2020 do tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh...

Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ra quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Thành Dũng - Bí thư Huyện ủy và ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk vì để xảy ra sai phạm trong câu chuyện để dư dôi hơn 500 giáo viên; ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (nhiệm kỳ 2011 - 2016) cũng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Đối với vụ 3 cây “quái thú” vượt hàng ngàn cây số và bị bỏ lại tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk qua xác minh - thừa nhận, 3 bộ hồ sơ khai thác, vận chuyển lâm sản mà ông Kiều Văn Chương (SN 1986, trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) cung cấp cơ quan chức năng đều được xác nhận tại tỉnh Đắk Lắk.

Về trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm trong việc xác nhận hồ sơ, đánh giá cây cổ thủ, ông Y Sy H’Đơk - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Đắk Lắk - cho rằng, kiểm lâm địa bàn chỉ xác định cây đa được trồng trên đất nông nghiệp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó, những cây này vận chuyển đi đâu là trách nhiệm lực lượng CSGT.

Thế nhưng được hỏi, Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng, sở dĩ cây khủng lọt trạm là bởi tài xế lợi dụng thời điểm lực lượng CSGT giao ca để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, dư luận không đồng tình với cách giải thích này bởi: “Mỗi tỉnh, thành có một cơ quan chức năng, lực lượng CSGT... nhưng không địa phương nào phát hiện ra 3 cây khủng. Như vậy, chẳng phải là hệ thống pháp luật bị tê liệt hay sao!” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Xung quanh câu chuyện báo chí phản ánh xuất hiện tình trạng tiêu cực, nhận hối lộ của một bộ phận công chức trong vụ 500 giáo viên tại tỉnh Đắk Lắk, luật sư Lê Trung Sơn – Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, nạn tiêu cực để vào biên chế đang là thực trạng nhức nhối trong xã hội chúng ta hiện nay: “Tôi gọi thực trạng này là vấn nạn​ của Quốc gia​ cần phải lên án và nhanh chóng loại trừ”.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, câu chuyện 500 giáo viên mất việc và vụ cây “khủng” không bị xử lý, ở đây chúng ta cần nhận định ngành chức năng tại địa phương này đang có vấn đề.

“Tôi cũng đã nhiều lần phản đối câu chuyện tuyển dụng giáo viên ồ ạt và sa thải cũng theo kiểu phủi tay. Nghề giáo viên là nghề cao quý nhưng lại bỏ tiền để chạy vào biên chế. Thực tế là nhiều địa phương vùng sâu vùng xa đang thiếu trầm trọng giáo viên trong khi huyện Krông Pắk lại dư hàng trăm người” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn