MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiệu "mikoshi" được rước trong lễ hội Mitama Matsuri - một trong những lễ hội Obon mùa hè lớn nhất tại đền Yasukuni ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Vu Lan trong lòng người dân xứ sở mặt trời mọc

Thanh Hà LDO | 27/08/2023 09:14

Lễ Vu Lan ở Nhật Bản là Obon (còn gọi là Bon). Trong dịp này, người Nhật thường trở về quê hương để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Họ quét dọn mộ phần của những người thân đã khuất, cúng dường và treo đèn lồng ở nơi thờ tự của gia đình và khu mộ để dẫn đường cho những linh hồn. Một hoạt động nổi tiếng trong lễ Vu Lan ở Nhật Bản là những sự kiện nhảy múa công cộng, trong đó biểu diễn điệu nhảy truyền thống Bon Odori.

Không chỉ có 1 ngày

Lễ Vu Lan ở Nhật Bản Obon thường kéo dài 3 ngày. Tuỳ từng vùng miền, ngày tổ chức lễ Obon có thể khác nhau. Điều này là do Nhật Bản chuyển từ sử dụng âm lịch sang dương lịch trong thời kỳ Minh Trị. Có thể có 3 lần Obon là: Shichigatsu bon (ngày 15.7 dương lịch, thường diễn ra ở miền Đông Nhật Bản); Hachigatsu bon (ngày 15.8 Dương lịch ở hầu hết các vùng của Nhật Bản); Kyu-bon (ngày 10.7 âm lịch và thường diễn ra ở các vùng Bắc Kanto, Chugoku, Shikoku và Okinawa). Tuy nhiên, hầu hết người Nhật Bản đón lễ hội Obon vào ngày 15.8 Dương lịch.

Obon xuất phát từ từ tiếng Phạn Ullambana có nghĩa là treo ngược hoặc khổ đau. Theo truyền thuyết, Mokuren (tức Mahamaudgalyayana trong tiếng Phạn) - một trong những đệ tử sùng đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - phát hiện ra mẹ mình đang đau khổ ở thế giới bên kia trong hình hài của ma đói. Đức Phật hướng dẫn Mokuren cúng thức ăn cho mẹ mình và những cô hồn khác, mời họ trở lại thế giới này để được an ủi, đồng hành, giảm bớt đau khổ ở thế giới bên kia. Sau khi giải thoát thành công linh hồn của người mẹ quá cố, đệ tử sùng đạo của Đức Phật đã nhảy múa trong hân hoan. Ngày nay, những người tham gia lễ hội Obon nhảy múa để bày tỏ niềm vui được sống hạnh phúc và để tưởng nhớ những người thân yêu đã qua đời.

Theo Kyoko Murakami - nghiên cứu viên danh dự về tâm lý xã hội Đại học Bath, vương quốc Anh - vào ngày đầu tiên của lễ Obon, ngày 13.8, người Nhật Bản chào đón linh hồn tổ tiên trở về nhà với hoa và lễ vật trên bàn thờ.

Trong thời gian lễ Obon, mọi người chăm chút dọn dẹp phần mộ của gia đình mình. Hành động làm sạch sâu này tượng trưng cho niềm hy vọng rằng, trái tim và tâm trí của mọi người được thanh sạch. Sau khi dọn dẹp xong, mọi người để lại lễ vật: Hoa, kẹo hoặc món ăn yêu thích của người quá cố. Lễ vật trong lễ Obon thường thay đổi từ vùng này sang vùng khác nhưng ở nhiều nơi, mọi người làm ngựa thần (shouryouma) từ quả dưa chuột và làm con bò từ cà tím để hành trình của tổ tiên về nhà tham dự lễ Obon được nhanh hơn. Người Nhật cũng thắp những nén nhang thể hiện sẵn sàng chào đón người đã khuất.

Một người phụ nữ thắp nến trước các bức tượng jizo trong chùa Phật giáo Jizoji ở Oganomachi, tỉnh Saitama, để cầu cho linh hồn của những đứa trẻ chưa chào đời hoặc những người đã chết khi còn trẻ, trong dịp Obon. Ảnh: AFP

Trong suốt lễ Obon, người Nhật Bản dành thời gian để cảm ơn các thành viên trong gia đình và tổ tiên đã khuất, cầu nguyện cho bình an, mạnh khoẻ cũng như cùng nhau ăn uống và thắt chặt mối quan hệ. Tới ngày 16.8 - ngày kết thúc lễ hội - mọi người đốt đống lửa lớn để đưa các linh hồn trở về thế giới của họ.

Với gia đình Sugimoto - chủ sở hữu của công ty trà Sugimoto Seicha - Obon là thời điểm tất cả thành viên trong gia đình cùng nhau đến nhà của Zenichi (người sáng lập công ty) và tổ chức lễ cúng tổ tiên. Con cháu của nhà sáng lập vẫn luôn nhớ cách nhà sáng lập Zenichi trang trí bàn thờ gia tiên và đốt lửa trong sân nhà cho các nghi lễ đón Mukaebi và tiễn Okuribi. Hiroyuki, chủ tịch đương nhiệm của Sugimoto Seicha, hiện đảm nhận vai trò bài trí này. Ông cho biết, cách trang trí bàn thờ của ông đơn giản hơn những gì cha ông - Zenichi từng làm. Ông Hiroyuki thường dùng tre trúc và đặt nhiều lễ vật khác nhau ở phía trước để đón linh hồn tổ tiên trở về. Trong lễ Obon của gia đình Sugimoto, một nhà sư Phật giáo cũng được mời đến để làm lễ cầu nguyện.

Vũ điệu tưởng nhớ những vong hồn

"Trong lễ hội Obon kéo dài 3 ngày, tổ tiên trở về với con cháu, được chào đón bằng những lễ hội, thức ăn, điệu nhảy và cuối cùng là một đêm tuyệt vời khi những ngọn núi ngân nga khúc ca của những dòng chữ lửa và toàn bộ Kyoto đung đưa trong những khúc nhạc để tiễn đưa tổ tiên trở lại với thế giới bên kia" - cây viết Joseph Houseal của Buddhistdoor Global dự lễ hội Obon ở Kyoto năm 2022. Cây viết này cũng mô tả lại khung cảnh hoành tráng khi những ký tự tiếng Nhật khổng lồ trên 5 đỉnh núi được đốt cháy trong màn đêm, tạo thành một vòng tròn quanh Kyoto.

Theo Joseph Houseal, lễ hội Obon đón chào tất cả mọi người, già - trẻ, người chết - người sống. Bon Odori, hay điệu nhảy Obon, diễn ra trong nhiều giờ trong lễ hội là một cuộc tụ họp giữa rất nhiều thế hệ, "một vũ điệu thực sự to lớn". Những điệu nhảy Obon rất đa dạng. Ở đó, có niềm hãnh diện, hân hoan của mỗi địa phương. Tỉnh Tokushima phía Nam Nhật Bản đặc biệt tự hào về Bon Odori mang tên Awa Odori - diễn ra như một lễ diễu hành khổng lồ có sự tham gia của các vũ công. Chính quyền địa phương đã sản xuất một đoạn video dài 8 phút thể hiện niềm vui và sự phong phú của các điệu nhảy. Một bước đặc biệt của Awa Odori là những người phụ nữ nhảy múa đầy mê hoặc trên mũi đôi giày gỗ geita.

Chiếc đèn lồng lớn trong lễ hội Mitama Matsuri. Ảnh: AFP

Trong lễ hội Obon, mọi người nhảy múa, ca hát để tổ tiên của họ trở về thế giới bên kia. Theo Mainichi, trong lễ hội Obon năm 2023, lễ hội nhảy múa thâu đêm Gujo Odori ở thành phố miền Trung Nhật Bản đã được tổ chức bình thường cho đến 4h sáng - lần đầu tiên sau 4 năm bị huỷ bỏ hoặc thu hẹp quy mô do COVID-19. "Bất chấp giông bão, cuộc nhảy thâu đêm ngày 13.8 đã bắt đầu khoảng 20h, với bài hát "Kocho Kawasaki" kèm theo tiếng đàn shamisen, trống và sáo. Người dân và khách du lịch mặc bộ kimono mùa hè "yukata" rực rỡ đã tạo thành một vòng tròn nhảy múa, vỗ tay và dậm guốc gỗ theo nhịp điệu. Số lượng người tham gia ngày càng tăng lên khi mưa ngớt" - Mainichi mô tả. Erina Usami, 38 tuổi, đang từ Tokyo về thăm gia đình, cho biết: "Cuối cùng, Obon thực sự đã trở lại với Gujo".
Gắn kết các thế hệ

Nhà nghiên cứu Kyoko Murakami từng nhận định, lễ hội Obon của Nhật Bản cho thấy việc nhớ về gia đình và thờ cúng tổ tiên định hình cuộc sống hàng ngày như thế nào. Mỗi năm ở Nhật Bản, vào thời điểm diễn ra lễ Obon, chủ sử dụng lao động cấp phép cho nhân viên nghỉ. Các chuyến tàu chở đầy người từ các thành phố lớn như Tokyo và Osaka trở về nhà của gia đình họ ở vùng nông thôn. Những ngày lễ này được xem như cơ hội để hàn gắn mối quan hệ của những người Nhật Bản với ông bà và đại gia đình.

Nhiều người Nhật Bản không theo một tôn giáo cụ thể nào. Tuy nhiên, vào những thời điểm như lễ hội Obon, họ đến viếng mộ các thành viên trong gia đình, bạn bè. Obon chính là khoảng thời gian để dành tri ân tổ tiên, để “tôn kính tổ tiên và thương tiếc người đã khuất”.

"Với dân số ngày càng già đi cùng những thay đổi trong gia đình hạt nhân, cách con người sống và chết cũng đang thay đổi. Bất chấp những điều đó, Obon, giống như Ohigan, vẫn là tập tục văn hóa và xã hội không thể thiếu, gắn kết mọi người với gia đình và tổ tiên. Hơn nữa, Obon còn duy trì mối liên kết rộng rãi hơn với cội nguồn tâm linh của họ" - Kyoko Murakami nhận định.

Ohigan là lễ tảo mộ ở Nhật Bản, thường kéo dài 7 ngày trong mỗi mùa, với ngày chính giữa là ngày Thu phân hoặc Xuân phân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn