MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xã hội dân chủ đã trao cho báo chí một quyền lực-là tiếng nói của dân

Nguyễn Huy Minh (ghi) LDO | 14/08/2020 10:00

LTS: Chúng tôi đã có nhiều lần may mắn được gặp và phỏng vấn Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lúc ông còn đương chức cũng như khi đã nghỉ hưu. Được tin ông từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7.8.2020 tại Hà Nội, mở lại xem những lời ông từng trả lời phỏng vấn trước đây, chúng tôi vẫn thấy ở đó vẹn nguyên những vấn đề thời sự (Xem bài “Tâm sự của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Không ngừng đem lại hạnh phúc cho dân ngày càng cao, thì đó mới là người cộng sản chân chính” trên Lao Động số ra ngày 8.8.2020). Lao Động Cuối tuần xin giới thiệu một số tâm sự của ông về báo chí.

Lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Lê Khả Phiêu

Lễ viếng đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội bắt đầu từ 8 giờ ngày 14.8.2020 đến 12 giờ ngày 15.8.2020.

Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu tổ chức vào 12 giờ 30 phút, ngày 15.8.2020 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường 25B đường Quang Trung, Thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Lê Khả Phiêu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hoá.

Trong hai ngày Quốc tang (14.8 và 15.8.2020), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Báo chí là những người đại diện cho công luận, đại diện cho dân. Báo chí lên tiếng mạnh mẽ, được mặt này nhưng mặt khác lại vẫn cứ hạn chế. Làm báo có những người chưa nghiên cứu kỹ, phương pháp điều tra chưa đúng, có người tay nghề yếu, có rất nhiều nguyên nhân nhưng nói chung đội ngũ báo chí là tốt. Xã hội chúng ta là xã hội dân chủ, tiếng nói của dân phải thông qua nhiều nguồn, nhiều kênh để đến được với cơ quan quyền lực. Người dân đến thẳng với cơ quan quyền lực cũng có, nhưng phải qua nhiều kênh, nhiều cửa. Xã hội dân chủ đã trao cho báo chí một quyền lực - là tiếng nói của dân, phản ánh cho Trung ương và địa phương. Mọi chỉ thị nghị quyết của Đảng đều nói như vậy, nhưng tiếng nói của dân để đến được với cơ quan quyền lực thường bị cách cầu. Có những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, ức hiếp dân rất trắng trợn, nếu nhà báo không làm thì còn ai dám làm? Vai trò của báo chí quan trọng lắm, nếu không có báo chí, nhiều vụ tiêu cực lớn không được đưa ra ánh sáng. 

Nếu như lãnh đạo chúng ta không có góc nhìn tích cực, thấy đúng mà không giương lên ngọn cờ đấu tranh thì khó. Mọi chuyện đều trở nên dễ dàng nếu xử lý và giải quyết ngay từ đầu. Bây giờ những tiêu cực tuy có đấu tranh, có một số kết quả, có một số cán bộ thấy sai đã tích cực sửa chữa, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn chưa trở lại với đạo đức mẫu mực của người cộng sản, người công chức của nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Trong bài tựa cho cuốn “Tiếng gọi công lý” của nhà báo Xuân Lộc, tôi viết, đụng vào đồng tiền là khó, nhưng không dám làm, không dám nói thì người dân có đến được với công lý hay không? Dám nói cũng là cái hay, nhưng ngược lại cũng có cái hạn chế. Nếu dân không đến được với công lý thì suốt đời bị chèn ép. Ai chèn ép ai? Anh có quyền lực chèn anh không có quyền lực! Xưa dân oan còn đánh trống kêu oan, giờ trống không có, kêu ai? Báo chí đã, đang và luôn luôn đứng về phía dân, nhưng làm thì phải có chỉ đạo, nếu không chỉ cần một thông tin nho nhỏ mà không đúng sự thật có thể gây bất an trong xã hội. 

Những cái hay, cái đẹp về gương người tốt việc tốt trong xã hội ta có rất nhiều, xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, nhà báo -  nhà văn cần phải viết và viết sâu, viết nhiều nữa, đó là những tấm gương lao động sáng tạo của công nhân, nông dân, trí thức, nhà khoa học, lực lượng vũ trang trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, cái xấu, cái tiêu cực cũng không phải ít, cho nên cần phải viết cả về mặt này, mà viết về tiêu cực thường là khó, nhất là nói đến tiêu cực của những người đang giữ chức quyền, thực thi luật pháp. Nhưng nếu vì thế mà nhà báo - nhà văn, các phương tiện thông tin đại chúng không dám, hoặc không muốn phản ảnh sự thật, người dân làm sao nói được những nỗi oan khuất của mình, dù họ có đi trăm cửa “công đường”, viết hàng nghìn lá đơn kêu cứu cũng khó thấu tới nơi “cầm cán cân công lý”... 

Không một lực cản nào ngăn cấm các bạn, ngăn cấm nhân dân nếu như nói, viết hoàn toàn đúng sự thật. Người làm báo với tâm - đức trong sáng, với dũng khí ngay thẳng, kiên cường, với ngòi bút sắc bén, các bạn hãy viết và viết nhiều nữa cả cái tốt, cái xấu, cả gương tích cực dám đấu tranh chống tiêu cực, đó chính là góp phần xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Nhà báo là những người tâm huyết, nên tôi nói những suy nghĩ này với tư cách của một cán bộ, một đảng viên, một cựu chiến binh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn