MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: VNU

Xây dựng chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo

Minh Hạnh LDO | 07/08/2022 19:11
Với mục đích cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo và khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học. Vừa qua, Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học QGHN) tổ chức, Hội thảo “Xây dựng chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo” đây là cơ hội kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu, tăng cường đóng góp của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế xã hội.

Đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất lao động

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (Bộ KHCN) Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của phát triển kinh tế, tập trung vào tăng năng suất, hiệu quả, đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Đại diện Bộ KHCN cho rằng, các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là thông tin quan trọng và có ý nghĩa để Bộ KHCN sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản luật có liên quan nhằm tăng hiệu quả hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo nói riêng, triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo nói chung, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Vì phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, với triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ KHCN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Bộ KHCN đã ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển KHCN tại doanh nghiệp để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Giám đốc Đại học QGHN - ông Lê Quân, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm KHCN trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hiện chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của Đại học QGHN trong nhiều năm liên tục luôn đứng hàng đầu Việt Nam và thuộc nhóm 500 thế giới. Là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHCN hàng đầu đất nước, Đại học QGHN luôn chú trọng mục tiêu làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội. Mới đây nhất, Đại học QGHN đã phê duyệt chương trình trọng điểm “Khoa học và công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh ven biển”. Đây là một điển hình cho mô hình hợp tác phát triển sản phẩm ứng dụng giữa ba bên Trường Đại học - Doanh nghiệp - Địa phương.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Giám đốc Đại học QGHN Lê Quân đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: VNU

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia

Theo ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KHCN), trong khuôn khổ đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ KHCN đã xây dựng và triển khai Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Các chương trình, đề án đã hình thành hành lang pháp lý và chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Cũng theo ông Phạm Thế Dũng, để các chương trình, đề án đi vào thực tiễn, cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế.

Giám đốc Sở KHCN Hà Nội - ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, những kết quả nghiên cứu mà Đại học QGHN đã chuyển giao cho thành phố Hà Nội trong thời gian qua nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước. Trong thời gian tới Đại học QGHN và Sở KHCN Hà Nội cần tiếp tục phối hợp đề xuất, nghiên cứu một số chương trình KHCN tổng thể, thay vì triển khai các nhiệm vụ đơn lẻ, để ứng dụng trực tiếp các kết quả nghiên cứu cho Thủ đô. Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cũng đề xuất với Bộ KHCN nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về hành lang pháp lý trong quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp.

Cùng chia sẻ, Giám đốc Sở KHCN Hải Phòng - ông Trần Quang Tuấn cho biết thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng sàn giao dịch KHCN, khảo sát nhu cầu, tạo lập mạng lưới kết nối cung - cầu trong và ngoài nước. Theo đó, ông Trần Quang Tuấn đề xuất nên đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ biển, đặc biệt là công nghệ khai thác năng lượng biển, công nghệ sinh vật biển và hậu cần nghề cá của địa phương, công nghệ chế biến thủy hải sản, công nghệ đóng tàu, logistics, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển... Theo các chuyên gia để làm được việc này cần có chính sách kết nối cùng cơ chế phối hợp chặt chẽ, từ đó rà soát các hiện trạng để đưa ra giải pháp tháo gỡ nhằm đưa ngành công nghiệp du lịch, văn hóa phát triển bắt kịp xu hướng của khu vực và quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn