MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra ngày 24.11.2021. Ảnh: Hải Nguyễn

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, gia đình và con người Việt Nam

VƯƠNG TRẦN LDO | 28/11/2021 11:20
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam. 

Văn hoá là hồn cốt dân tộc

Tại hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Văn hoá, sau khi nhắc tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thêm: “Trước đây, có vị tiền bối nói, văn hóa là nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Trong phát biểu, Tổng Bí thư dành thời gian nhắc lại lịch sử và khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.

Nhìn lại những thành tựu, Tổng Bí thư cho rằng, “có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc”. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc tới cụm từ “chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới”. Người đứng đầu của Đảng nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam.

Hơn một tiếng phát biểu, Tổng Bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích, như "Chân quê" (Nguyễn Bính); "Việt Bắc" (Tố Hữu)... Sau mỗi lần ông đọc thơ, các đại biểu đồng loạt vỗ tay hưởng ứng.

Sau bài phát biểu này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã đưa ra thông điệp biểu thị quyết tâm, triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về phát triển văn hoá. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng chính là phương châm hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Đặc biệt là thể hiện quyết tâm, khát vọng chấn hưng, phát triển văn hoá, dân tộc Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tạo sức mạnh tổng hợp, khơi dậy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Xây dựng hệ giá trị người Việt yêu nước, nhân ái, nghĩa tình

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phân tích, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng đối với việc phát triển văn hóa trong những năm sắp tới. Một trong những thông điệp quan trọng cần triển khai được Người đứng đầu của Đảng nhấn mạnh đó là sức mạnh, tầm quan trọng của văn hóa trong việc xây dựng chủ quyền quốc gia thông qua câu nói “Văn hoá là hồn cốt dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Điều này chứng minh rằng chủ quyền quốc gia về văn hóa rất là quan trọng. Đây là một sức  mạnh và yếu tố mà chúng ta chắc chắn phải giữ gìn trong một bối cảnh mà tác động của quá trình hội nhập quốc tế tác động tới các phương tiện truyền thông khiến cho văn hóa rất dễ bị mai một. Những lối sống văn hóa ngoại lai không phù hợp với Việt Nam rất dễ ảnh hưởng tới giới trẻ.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong bài phát biểu Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh đến một số vấn đề mới. Đơn cử như câu chuyện về văn hóa số. Theo đó, chúng ta cần đặt vấn đề và xây dựng văn hóa số trong bối cảnh của nền kinh tế số, xã hội số và những công dân số. Rõ ràng rằng sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay Internet đã khiến cho chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong việc phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam. “Nhiều những hiện tượng lệch chuẩn về vấn đề chia sẻ thông tin không phù hợp hay nhiều vấn đề bức xúc đến mức Bộ Thông tin - truyền thông đã phải đưa ra bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tất cả điều này đã cho chúng ta thấy ta đang phải đối mặt với những vấn đề mới phát sinh từ trên mạng xã hội, môi trường số. Những điều này có thể sẽ tạo ra những giá trị mới, lối sống mới, ngôn ngữ mới, nghệ thuật mới và chúng ta phải chủ động đón đầu xây dựng văn hóa số phù hợp với bối cảnh hiện tại là 1 trong những thông điệp quan trọng nữa” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội cũng chia sẻ, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư đã nói rất nhiều về việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, gia đình và con người Việt Nam. Đây là 3 hệ giá trị vô cùng quan trọng trong bối cảnh xã hội ngày nay như nhà sử học Phan Huy Lê đã nói và còn nguyên giá trị tới thời điểm hiện tại. Đó là, chúng ta đang ở trong giai đoạn khủng hoảng giá trị, khi các giá trị cũ chưa mất hẳn, khi các giá trị mới thì chưa được định hình. Khiến cho con người ta bị lạc lối trong việc hình thành nhân cách, hình thành đạo đức cá nhân. Đây là lí do vì sao chúng ta cần phải định hướng xã hội theo những giá trị mà chúng ta thấy đó là cần thiết trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trong những giai đoạn sắp tới. Đó là giá trị định hướng của cả quốc gia, giá trị định hướng cho mỗi gia đình khi mỗi gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình tốt thì sẽ tạo ra một quốc gia tốt. Bên cạnh đó, cũng phải định hướng cho từng cá nhân những giá trị mà họ theo đuổi, đạt tới để không chỉ giúp cho họ hoàn thiện nhân cách, những phẩm chất tốt đẹp của con người mà còn từ đó còn lan tỏa ra những lĩnh vực khác trong xã hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng bày tỏ sự tâm đắc khi Tổng Bí thư nhấn mạnh phải đầu tư nhiều hơn cho văn hoá. Tổng Bí thư nhấn mạnh văn hóa chưa được đầu tư ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Việc chúng ta đầu tư chưa đầy đủ khiến không chỉ văn hóa không phát huy hết tác dụng của mình trong việc phát triển bền vững đất nước mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững chung của đất nước. Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý nguồn lực về đầu tư và đặc biệt về mặt con người. Ông cũng đã dành khá nhiều thời gian nói về nguồn lực con người như chúng ta cần đội ngũ cán bộ quản lý, có đội ngũ văn nghệ sĩ có hiểu biết, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngày hôm nay. Cùng với đó, cần có những cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ tâm huyết hơn nữa và thể hiện tinh thần yêu nước của mình thông qua các tác phẩm của họ.

Cùng trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chia sẻ, là người trực tiếp dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc, ông cảm thấy rất vinh dự khi dự hội nghị này. Đặc biệt, hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng nhưng có nhiều chia sẻ rất giản dị, tình cảm nhưng cũng rất sâu sắc.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư có rất nhiều nội dung quan trọng. Song ông bày tỏ ấn tượng khi được nghe về truyền thống, con người, khẳng định vai trò vị trí của con người, xây dựng văn hoá để phát triển con người. Con người ở đây là con người có lý tưởng, có tình cảm, ý chí, lòng yêu nước. Hướng tới sự phát triển của con người không phải chỉ lo cơm ăn, áo mặc mà còn phải có tâm hồn. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng thể hiện mong muốn kỳ vọng sẽ có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm với thời đại, với sự phát triển của đất nước. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn