MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh của Trần Lưu Mỹ trong triển lãm “Khoảng trống”.

Xem tranh Trần Lưu Mỹ nghĩ về tranh trừu tượng

Nhà thơ Đỗ Trung Lai LDO | 13/12/2020 07:47
Trong những cơn mơ, mọi thứ đều mông lung bất định, đều như mất hết những đường viền. Lúc chạng vạng, khi “ánh sáng đều hòa cùng bóng tối” (Tương tư, chiều - Thơ Xuân Diệu) hoặc khi nhìn ra xa lắc, cũng vậy.

Khi “nhìn vào” những ký ức của mình, càng xa rồi thì càng thấy nhòe mờ. Càng cố sắp xếp chúng lại thì lại càng bất lực.

Nếu vẽ tất cả “cái”, “lúc”, “cảm giác”, “cảm xúc” ấy thành tranh, nhất định đó sẽ là tranh trừu tượng. Và nếu họa sĩ chân thành, dạt dào, có tài bố cục và “có màu”, tranh sẽ đẹp. Nếu họa sĩ lại có chủ thuyết cao cả và tư tưởng sâu xa nhất quán, đời sẽ có các “tác gia”, các “đấng bậc” đáng nể.

Thế là hội họa trừu tượng, dù trông dường như không thật, lại có thật từ cái gốc nhi nhiên sinh vật, không phải xuất từ trắng phớ sinh nhân.

Châu Âu đi trước ta, ít nhất là một thế kỷ, trong nghệ thuật này. Không những vẽ ra, họ còn định danh bằng ngôn ngữ - lý thuyết, cả một trường phái hội họa: “Abstract” - “Hội họa không hình” - “Hội họa phi biểu hình”. Nhiều khi họ cũng đặt thêm hình vào đó nhưng lúc này, hình đã mang ý nghĩa tượng trưng và họ sớm có Wassily Kandinsky, Paul Klee, Kazimir Malevich... Nói là sớm, nhưng những bậc thầy này cũng đi sau tự nhiên cả... triệu năm!

Chùm tranh của Trần Lưu Mỹ trong triển lãm “Khoảng trống”.

Ở ta, cụ Cao Xuân Huy, đương thời với các bậc thầy kia, không vẽ trừu tượng nhưng cụ giải nghĩa hai chữ “trừu tượng” rất hay: Các “tượng” là những “đại diện”, giúp ta nhận ra đối vật, nhân vật. Nặn tượng, đục tượng, đắp tượng cho người, ta nhận ra và thích vật với nhân vật là thế. “Trừu” tức là chặt, bẻ, bỏ bớt, thậm chí bỏ hết, những “tượng” kia đi, chỉ còn là “phỏng” đối vật và nhân vật mà thôi, thậm chí chuyển hẳn sang việc khác, miễn là truyền tải hoặc khơi dậy cảm xúc thẩm mỹ của người xem.

Cứ theo thế mà xét, thì Tây phương hay Đông phương, lối nghĩ về và lối đi đến hội họa trừu tượng là giống nhau. Cũng phải thôi, trừu tượng đến mấy thì cũng đều xuất từ tự nhiên/ thiên nhiên.

Năm 1992, “Triển lãm tranh trừu tượng Việt Nam” đầu tiên (chính thức) được bày tại “Bảo tàng Các Lực lượng vũ trang miền Đông” trên đường Lê Duẩn, Thành phố Hồ Chí Minh. Công đầu về tổ chức là của họa sĩ Nguyễn Quân và cố họa sĩ Trần Lưu Hậu - ông thân sinh của họa sĩ Trần Lưu Mỹ. Người ủng hộ triển lãm, có danh nhất lúc ấy là họa sĩ Diệp Minh Châu, người từng vẽ Bác Hồ bằng máu mình trong bưng biền Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp. Người ký giấy phép cho trưng bày triển lãm là Giám đốc Sở Văn hóa Thành phố lúc ấy - Giáo sư/ nhạc sĩ Ca Lê Thuần - con trai của cụ Ca Văn Thỉnh, anh trai của nhà thơ/liệt sĩ Ca Lê Hiến và họa sĩ Ca Lê Thắng. Trước lúc khai mạc, một nhóm họa sĩ tả thực mời tôi, lúc ấy là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lên tầng trên, nhờ tôi viết bài đả phá triển lãm. Các anh ấy không biết rằng, tôi cũng có 5 bức trừu tượng đang treo dưới nhà, do hai họa sĩ Nguyễn Quân và Trần Lưu Hậu đến tận nhà tôi xem và chọn đem đi. Nghệ thuật và thời buổi đôi khi cứ vênh nhau như thế. Thực ra, tranh đẹp hay xấu không do trường phái/ thể loại. Tranh cần hay không cần là tùy lúc, tùy nơi, tùy người. Nhóm họa sĩ tả thực kia cũng chẳng có lỗi gì. Đầu thế kỷ 20, Liên Xô (cũ) cũng không coi K.Malevich là đại diện cho “Hội họa hiện thực XHCN” của mình! Bây giờ thì việc vẽ và bày, mua và bán tranh trừu tượng ở ta đã là rất bình thường. “Đổi mới” tư duy tất có “đổi mới” về thẩm mỹ. Nhớ và trọng những người khởi nó đi, không chỉ là tình mà còn là đạo đức.

Tháng 11 vừa qua, ở 42 Yết Kiêu - Hà Nội, trong tiết cuối thu đầu đông, họa sĩ Trần Lưu Mỹ trưng bày triển lãm trừu tượng “toàn tòng” - “Khoảng trống”. Tranh Trần Lưu Mỹ cho ta nhiều mảng, nét, màu sắc và bố cục thật đẹp và sau đó là rất nhiều sự chân tình, hồn hậu, dẫu không thiếu những trải nghiệm buồn vui âm thầm, kiên định và khắc khoải, có khi chỉ là từ những ký ức của mình. “Nhịp điệu” trừu tượng của Trần Lưu Mỹ không chói, không chua, không gắt. Chúng ái, ố, nộ, hỉ, ai, lạc, dục một cách ôn tồn, nhất quán và thiện lương.

Xem tranh trừu tượng không khó, nhưng khi chỉ được dùng ngôn ngữ (lời) để tìm tri âm trong thiên hạ cho tranh trừu tượng, là rất khó. Không sao! L. Tolstoy bảo: “Không thấy được chân lý không phải vì ta sai lầm mà vì chân lý luôn như đúng như sai”. Cái ông già vĩ đại và tinh quái này, chỉ có nói, mà đã trừu tượng đến thế!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn