MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại Bình Dương, nhiều công ty bắt đầu sản xuất trở lại từ ngày 15.2 (mùng 6 Tết), công nhân lao động đi làm trở lại. Ảnh: CĐCC

Xuân về - có một chữ “hơn”

Linh Anh LDO | 18/02/2024 11:26

Dịp Tết Giáp Thìn, tôi có dịp “phỏng vấn” một vài người rằng: “Nghỉ Tết Âm lịch hơn một tuần như vậy, anh/chị có thích không?”. Đa số trả lời rằng: “Vui hơn, thích hơn, chi tiêu nhiều hơn nhưng bắt đầu năm mới phải nỗ lực nhiều hơn, để cuộc sống tốt hơn?”.

***
Chuyện nghỉ Tết ngắn hay dài trở thành đề tài bàn luận nhiều năm nay với vô số ý kiến trái chiều.
Tôi còn nhớ, gần 40 năm trước, khi còn thời bao cấp, khái niệm nghỉ Tết chỉ gói gọn trong 3 ngày: 30 Tết, mùng Một, mùng Hai và tất cả sau đó là đi làm theo tiếng kẻng của nhà máy.

Vấn đề là sau khi trở lại thì động lực thế nào? Tôi còn nhớ câu chuyện bố tôi - một công nhân sơn sửa ôtô - nói rằng: “Thì cứ đi làm vậy thôi chứ đến chỉ tán gẫu với trà vặt mấy ngày liền, rồi bàn chuyện đi lễ chùa. Vấn đề không phải là nghỉ bao nhiêu ngày mà năng suất làm việc ngay sau những ngày nghỉ ấy”.

Cách đây chừng 4 - 5 năm, trên Báo Lao Động có bài viết nhan đề: “Hậu nghỉ Tết dài - Gánh nặng cho ai”. Bài viết cho rằng: “Đối với nhiều người, đặc biệt là lao động xa quê, đó là khoảng thời gian sum họp bên gia đình, thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động để tiếp tục bước vào một năm làm việc hiệu quả hơn. Thế nhưng, có một thực tế là những kỳ nghỉ dài cũng gây những gánh nặng, áp lực lớn với nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, lao động - việc làm đòi hỏi phải có những tính toán, giải pháp mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập cũng như đảm bảo giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc.

Áp lực thì thấy rõ nhất sau những chặng nghỉ Tết là vấn đề giao thông kể cả lúc trở về quê lẫn khi trở lại. Cảnh ùn tắc khu vực Pháp Vân - Cầu Giẽ và vành đai 3 ở Hà Nội thì ngày nào cũng diễn ra nhưng cứ gần Tết và sau Tết lại là cơn ác mộng. Rồi TPHCM với khu vực cầu Rạch Miễu luôn là điểm nóng khi người lao động từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trở lại các khu công nghiệp.

Đó là chưa kể áp lực lên xã hội với tình trạng tai nạn giao thông tăng vọt. Rồi sử dụng rượu bia. Có năm, Sở Công thương Hà Nội tính toán có đến 200 triệu lít bia - rượu được tiêu thụ trong dịp Tết, tính trung bình mỗi người Hà Nội đưa qua cổ họng khoảng 20 lít bia rượu trong dịp Tết - một con số kinh khủng. Năm nay thì đỡ hơn vì lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, nhưng chắc chắn lượng tiêu thụ rượu - bia vẫn ở mức cao.

Nhưng quan trọng, là quý I - luôn là quý “ác mộng” với chủ doanh nghiệp. Ngành thống kê từng phân tích: “Việc tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết sẽ tác động chính tới một số ngành dịch vụ (bán lẻ, vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, vui chơi, giải trí...), nhưng các ngành sản xuất vẫn bị ảnh hưởng do phần lớn các sản phẩm phục vụ Tết chủ yếu được sản xuất cuối năm trước, khu vực hành chính, giáo dục thường được nghỉ dài ngày trong dịp Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, theo phương pháp sử dụng, trong quý I ngoại trừ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng (tiêu dùng cuối cùng tăng làm GDP tăng), hoạt động đầu tư và xuất khẩu những tháng đầu năm đạt thấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, điều này làm GDP ở tháng có Tết thường tăng ở mức thấp.

Còn các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, với quãng nghỉ Tết dài 7 - 9 ngày thì thiệt hại là sẽ mất khoảng 1,5 đến 2% GDP. Tuy nhiên các chuyên gia khác đánh giá, tác động của kỳ nghỉ dài không chỉ là 7 hay 9 ngày mà có thể kéo dài 3 tuần gồm 1 tuần trước Tết, tuần Tết và tuần “khởi động uể oải” sau Tết nên thiệt hại sẽ rơi vào khoảng 5% GDP!

***
Làm gì để được nghỉ dài hơn nhưng tác động tiêu cực ít hơn, tác động tích cực nhiều hơn.
Bản chất của vấn đề không phải là nghỉ bao nhiêu ngày mà cần có giải pháp để người lao động tăng năng suất lao động, chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất, cần xóa bỏ tư duy “nghỉ dài”, “chơi Xuân” vốn chỉ tồn tại trong sản xuất nông nghiệp lạc hậu.

Quan niệm và tư duy cũng dần thay đổi. Chính phủ vẫn đồng ý cho những quãng nghỉ Tết dài để người dân, đặc biệt người lao động xa quê có quãng nghỉ để về thăm gia đình, người thân với một Tết Sum vầy ấm cúng.

Song, câu chuyện hậu Tết 2023 cho thấy, bên cạnh nhu cầu nghỉ ngơi, mua sắm, chơi Tết còn là nhu cầu lớn hơn: Nhu cầu có việc làm và thu nhập ổn định, tốt hơn.

Đối với các doanh nghiệp, tình trạng người lao động nghỉ việc và không trở lại vẫn là nỗi ám ảnh lớn bởi nó tác động đến khả năng hoàn thành các đơn hàng.

Tết Giáp Thìn, hầu hết doanh nghiệp đã cố gắng vượt khó đưa ra mức thưởng trước Tết cho người lao động, đồng thời cam kết đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động sau Tết để họ tin và gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Đây cũng là vấn đề mà tổ chức Công đoàn quan tâm. Chính Công đoàn đã chủ động những chuyến xe miễn phí đưa và đón công nhân trở lại làm việc. Tôi nhớ đến câu chuyện của một công nhân quê Thanh Hoá - chị tên là Lê Thị Khuyên (sinh năm 1989, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá). Khuyên mang bầu 5 tháng, cả gia đình chị được chuyến xe Công đoàn về tận Thanh Hoá để đón lên Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết tại quê nhà. Khuyên nói, những chuyến xe như vậy chính là động lực để chúng tôi cố gắng hơn và tôi nghĩ tất cả người lao động được Công đoàn chăm lo đều tin rằng, mọi chuyện sẽ tốt hơn trong năm mới”.

Còn ở khu kinh tế Đông Nam - Nghệ An, cán bộ Công đoàn ra tận cửa đón công nhân, trao lì xì như thể gặp lại người thân trong gia đình.

Tình cảm ấy làm tất cả nhớ lại lời chúc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhân đầu năm mới: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, đề cao phẩm giá, trí tuệ và khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa.

Mùa Xuân mở ra bao ước mơ, khát vọng và những khởi đầu tốt đẹp nhất, ấm áp nhất, giàu sức sống nhất. Trong không khí Xuân của đất trời và Xuân của lòng người hội tụ, giao hòa, chúng ta hãy cùng nhau đón nhận những nguồn năng lượng mới, dành cho nhau những mong ước chân thành, tốt đẹp, cùng chúc cho dân tộc trường tồn, cho đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, cho đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc!”.

Thông điệp của lời chúc rất rõ ràng: Chúng ta sẽ có nhiều thành tựu hơn, đất nước ngày càng đẹp, văn minh hơn, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Điều đó lại phụ thuộc vào mỗi con người, mỗi ý thức, mỗi hành động: Phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút để tất cả cùng đi đến thành công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn