MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xúc tiến du lịch để đạt mục tiêu đón khách quốc tế

Nguyễn Công Hoan LDO | 16/04/2023 06:43
Ngành du lịch cần có những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 650.000 tỉ đồng.

Không chỉ nói suông tăng cường quảng bá du lịch

Ngày 15.3.2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19 khi Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Nhưng tại sao lại nói du lịch của chúng ta "đi trước nhưng về chậm" là bởi so với các nước trong khu vực, chúng ta mở cửa du lịch sớm hơn họ, song chưa hoàn thành được mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế (chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu.

Mục tiêu 5 triệu khách quốc tế thất bại đến từ những lí do sau. Thứ nhất, sau hai năm dịch COVID-19 "đổ bộ", thị trường du lịch đã thay đổi. Những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... chưa mở cửa du lịch trở lại. Thời điểm đó, ngành du lịch nước nhà chưa kịp thích nghi, thay đổi để tìm kiếm các thị trường, khách hàng tiềm năng thay thế.

Khi thị trường du lịch quốc tế có sự thay đổi, rõ ràng một điều rằng, chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ vấn đề để xem đâu là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam; đâu là thị trường tiềm năng trước mắt; đâu là thị trường tiềm năng lâu dài, có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn cho du khách. 

Ngoài ra, mức độ sẵn sàng đón khách quốc tế chưa tốt sau hơn hai năm đại dịch vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp...

Thứ hai, chúng ta chưa xây dựng được sản phẩm mà du khách mong muốn mà chỉ xây dựng sản phẩm mà chúng ta có sẵn. Trước đây, chúng ta có những sản phẩm truyền thống và thị trường truyền thống, nhưng sản phẩm truyền thống của du lịch Việt chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng cũ, thị hiếu cũ. Còn muốn mở rộng tệp khách hàng mới - phải đa dạng sản phẩm phục vụ du khách quốc tế. Cần nghiên cứu xem du khách ở các thị trường mới mong muốn gì, cần dòng sản phẩm nào để phục vụ. 

Thứ ba là công tác truyền thông, quảng cáo để xúc tiến du lịch cần làm tốt hơn, đầu tư bài bản hơn. Nếu như những sản phẩm truyền thống du khách đã quen rồi, thì với những sản phẩm du lịch mới, chúng ta cần quảng bá rộng rãi, đầu tư lớn và có trọng điểm.

Có một điều tôi rất trăn trở liên quan đến công tác xúc tiến du lịch là chúng ta đặt mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch là 560.000 tỉ đồng. Nhưng chúng ta không đưa ra chỉ tiêu về chi phí xúc tiến du lịch là bao nhiêu. 

Nếu đặt ra mục tiêu đón du khách, đặt mục tiêu về doanh thu thì phải đặt mục tiêu số tiền chi để quảng bá, xúc tiến du lịch. Không phải cứ nói suông tăng cường quảng bá du lịch. Vậy tăng cường như thế nào nếu chúng ta không đầu tư nguồn lực, trong đó ngân sách Trung ương, địa phương là bao nhiêu, huy động từ các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch bao nhiêu... 

Nếu có số tiền để chi cho quảng bá, xúc tiến du lịch cũng cần làm rõ câu chuyện chi như thế  nào, chi cho việc gì. Tôi cho rằng ở phía thượng tầng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan xúc tiến thương mại cần làm rõ một cách minh bạch các chương trình thực hiện xúc tiến du lịch; các địa phương tham gia xúc tiến ở mức độ ra sao. Đừng để xảy ra tình trạng mỗi nơi xúc tiến một kiểu, không ai giống ai, không liên kết được với nhau.

Câu chuyện nữa là vừa rồi chúng ta quan tâm rất nhiều đến số khách du lịch tại Việt Nam, nhưng chưa đặt ra vấn đề, chưa khảo sát xem những du khách đó sẽ ở Việt Nam trong thời gian bao lâu, tiêu bao nhiêu tiền. Bên cạnh số lượng khách du lịch cần đặc biệt quan tâm chất lượng khách du lịch, bao gồm thời gian lưu trú của du khách, chất lượng dịch vụ khách sử dụng là 3 sao, 4 sao hay 5 sao... Có như vậy mới tăng được doanh thu trên mỗi một khách du lịch đến Việt Nam. 

Ngoài ra, cần tăng tính thiện cảm của du khách để du khách đã đến Việt Nam rồi phải nhớ về cảnh đẹp đất nước, con người, văn hoá và ẩm thực Việt Nam và muốn quay trở lại nhiều lần nữa. Có như vậy thì du lịch Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều.

Khách nước ngoài chọn mua quà lưu niệm trên phố Hàng Mã, Hà Nội. Ảnh: Ý Yên

Không quan trọng du lịch giá rẻ hay cao cấp 

Thực tế, chúng ta vẫn nói du lịch Việt Nam rất nhiều tiềm năng, nhiều tài nguyên du lịch nhưng làm sao để biến tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch thì là câu chuyện khác. Chúng ta phải gọt rũa tiềm năng du lịch của Việt Nam thành doanh thu từ chính những tiềm năng đó bằng cách làm mới sản phẩm du lịch, tập trung phát triển du lịch xanh phối hợp với mô hình kinh tế đêm. Đặc biệt chúng ta cần tăng tính trải nghiệm cho du khách quốc tế bằng các sản phẩm dịch vụ. Trong đó, tăng cường các sản phẩm dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khoẻ, hoạt động mua sắm từ các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam, đồ thủ công mĩ nghệ mang nét đặc trưng riêng của văn hoá Việt Nam. Có như vậy chúng ta mới bán được sản phẩm du lịch từ chính những tài nguyên sẵn có. 

Còn về câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch - chúng ta cần đặt câu hỏi là sự chuyển đổi số trong ngành du lịch của Việt Nam so với các nước khác có thua không? Theo tôi nghĩ là không thua kém, bởi, công nghệ quảng cáo, marketing của Việt Nam tương đối tốt. Chỉ có điều công tác số hoá điểm đến vẫn chưa đạt được như kì vọng.

Mấy cuộc họp về du lịch trong thời gian vừa qua luôn có sự tham dự của các đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ. Trong thời gian tới, tôi hi vọng thấy được sự phối hợp nhiều hơn giữa các công ty công nghệ với các địa phương để số hoá toàn bộ tài nguyên du lịch, điểm đến - làm sao để du khách có thể ngồi một chỗ nhưng vẫn tìm hiểu đầy đủ, chi tiết, trực quan về điểm đến du lịch Việt Nam.

Nhiều người nói rằng, du lịch Việt Nam đang muốn thoát khỏi mác “du lịch giá rẻ” để đưa “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam vươn lên tầm cao mới. Tuy nhiên, tôi lại có quan điểm khác một chút. Nếu mình tìm kiếm cụm từ du lịch giá rẻ trên Google thì kết quả hiển thị trong vòng chưa đầy một giây của Thái Lan cao hơn Việt Nam. Điều này nói lên điều gì? Chúng ta không thể kì vọng chỉ có du lịch giá rẻ hoặc chỉ có du lịch cao cấp, có mức chi tiêu cao - mà quan trọng nhất phải khai thác song song cả du lịch có mức chi trả thấp, nhưng đồng thời khai thác dòng khách hàng có mức chi trả cao.

Mỗi địa phương có tiềm năng, hạ tầng du dịch cụ thể, phù hợp với từng đối tượng nhất định. Ngay cả những trung tâm lớn như Hà Nội hay TPHCM, ngoài khách sạn 5 sao, chúng ta vẫn có nhiều khách sạn 4 sao, 3 sao, vẫn có những nhà nghỉ bình dân, homestay...

Hiện nay du lịch rất đa dạng, sức chứa du lịch Việt vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Ví dụ chúng ta đặt mục tiêu 10 triệu lượt khách chi trả cao nhưng tiềm năng vẫn còn rất nhiều, tại sao không khai thác thêm 20 triệu du khách chi trả trung bình hoặc 30 triệu khách chi trả thấp... Khai thác khách du lịch ở mức độ nào cũng tốt, miễn làm sao không bị quá tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn