MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS Thanh Trúc cùng cha mẹ chăm sóc 2 bé sau khi tách rời. Ảnh: K.Q

12 giờ “cân não” tách rời hai chị em song sinh dính liền

Vũ Quỳnh LDO | 31/08/2017 14:32

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM vừa thực hiện thành công ca đại phẫu – tách rời cặp chị em song sinh dính liền phần mông và tủy sống. Đây là một ca hiếm gặp, bác sĩ không có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, mệnh lệnh y khoa của bác sĩ Trần Đông A, bác sĩ nhạc trưởng - cố vấn cho toàn bộ ca mổ đưa ra là: “Không ai được sai 1 li nào cả. Bởi sai 1 li không phải đi 1 dặm nữa mà là đi cả cuộc đời của hai cháu”.

Hơn 40 bác sĩ tham gia ca mổ

Sáng sớm ngày 23.8, hơn 40 bác sĩ đến từ các chuyên khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2 và các bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt ở phòng phẫu thuật của Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuẩn bị cho ca mổ tách rời hai bé Điểu Thị Bảo Ân và Điểu Thị Bảo Hân.

Hai bé gái song sinh Bảo Hân – Bảo Ân, 13 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước. Hai bé chào đời vào ngày 24.7.2016 trong một ca mổ bắt con. Khi mới sinh, hai bé không những rất yếu do sinh non ở tuần thai thứ 33 mà còn bị dính liền phần mông trong tư thế nằm đối lưng, mặt hướng ra ngoài. Kết quả chụp MRI cho thấy đoạn xương cùng cụt của 2 bé dính nhau với chiều dài khoảng 15 cm. Điều này cũng có nghĩa hai bé chung một đoạn tủy sống khá dài. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 chăm sóc ngay sau sinh và bệnh viện dự kiến sẽ mổ tách rời sau 3 tháng. Tuy nhiên, ca mổ không thể thực hiện đúng như dự kiến do quá trình đặt túi giãn da không thành công.

Sau quá trình điều trị kéo dài một năm, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tách rời 2 chị em. GS Trần Đông A - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM – bác sĩ nhạc trưởng chỉ đạo toàn bộ ca mổ nhận định, càng để lâu thì nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật càng cao. Tuy nhiên, do trường hợp cặp song sinh này dính nhau ở vùng cùng cụt và chung nhau một đoạn tủy sống nên có nguy cơ 2 chi dưới của các bé không thể hoạt động sau phẫu thuật. Đồng thời, việc đóng màng tủy cũng không dễ dàng, có thể dẫn đến nhiễm trùng não và tử vong khiến các bác sĩ cân nhắc rất lâu.

BS Nguyễn Thanh Trúc, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM chia sẻ, để hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra cho ca phẫu thuật, hơn 40 bác sĩ bao gồm cả các bác sĩ của khoa Phẫu thuật – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn nhiều lần và tập dợt để đề phòng những tình huống bất ngờ. 7 giờ sáng ngày 23.8, dưới sự cố vấn của GS Trần Đông A, 40 bác sĩ được chia thành 8 ê - kíp thực hiện tách dính cho 2 bé Bảo Hân – Bảo Ân. Đến 18 giờ 30 cùng ngày, ca mổ mới kết thúc. Hai em bé được chuyển sang phòng hồi sức đặc biệt với vô vàn loại máy móc theo dõi sát sao.

GS Trần Đông A cho biết, trường hợp dính nhau của hai bé Điểu Thị Bảo Hân và Điểu Thị Bảo Ân là một dạng dính nhau khá hiếm. Từ năm 1975 đến nay, cả nước mới có 1 ca. Còn theo y văn thế giới, đây là ca thứ 29. “Phải đợi 1 tuần sau mổ chúng tôi mới dám thông báo là ca mổ đã thành công. Thực sự, đây là một ca mổ khó và đáng nhớ” - GS Trần Đông A chia sẻ.

“Hôm thực hiện ca mổ tách hai chị em Bảo Hân và Bảo Ân, tôi đề nghị các bác sĩ, nhân viên ưu tiên tập trung tại phòng mổ để theo dõi diễn tiến ca mổ. Mục đích nhằm học hỏi những kinh nghiệm hay cho nghề nghiệp của mình. Bởi đây là một ca mổ đặc biệt và hiếm. Không phải một bác sĩ nào cũng có cơ hội gặp được trong cuộc đời làm nghề” - BS Phan Thị Minh Tâm, nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM - người trực tiếp gây mê cho ca mổ tách cặp chị em song sinh dính nhau ngày 23.8 chia sẻ.

BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại – Thần kinh tuy trải qua rất nhiều cuộc mổ cho trẻ em nhưng cũng cho biết rất áp lực trong ca mổ này: “Đây là lần đầu tiên tôi mổ cho hai bé song sinh dính nhau vùng cùng cụt. Bệnh rất hiếm, bác sĩ trẻ như tôi được gặp lần đầu trong đời mà không biết trong cuộc đời làm nghề sau này còn có thể gặp ca nào tương tự hay không”.

Bác sĩ không được quyền “sai 1 li”

GS Trần Đông A cho biết, mỗi ê-kip bác sĩ nào cũng đóng vai trò quan trọng trong ca mổ. Ca mổ thành công đều do sự cố gắng của từng người. Tuy nhiên, GS Đông A cho rằng 2 ê-kíp mang trọng trách nặng nhất trong ca đại phẫu này là nhóm bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ ngoại thần kinh. Bởi em bé dính nhau phần cùng cụt đến 15 cm. Vùng tủy sống đoạn cuối chung nhau, việc tách dây thần kinh và tách tủy vô cùng khó. Hai em bé dính nhau lại luôn nằm ở tư thế đấu lưng, việc gây mê hồi sức làm sao cho các bác sĩ thực hiện thao tác tách rời là “siêu khó”. Mọi thao tác theo GS Trần Đông A, chỉ có quyền “chính xác 100% trở lên, không được sai 1 li nào cả”.

Theo BS Đặng Đỗ Thanh Cần, cái khó nhất trong ca mổ là làm sao sau khi tách rời vẫn đảm bảo chi dưới của 2 bé vẫn hoạt động được do ở phần dính nhau, các dây thần kinh của 2 bé như chùm đuôi ngựa, đan xen vào nhau. Các bác sĩ phải xác định được dây thần kinh nào chi phối bé nào để bóc tách. Ngoài ra, hai bé còn chung nhau một đoạn tủy, cần phải tách phần tủy này ra. Trong khi đó cấu trúc thần kinh của cặp song sinh lại rất lộn xộn. Các bé quá nhỏ, do đó các bác sĩ phải sử dụng máy kích thích thần kinh để dò chức năng thần kinh của từng bé, sử dụng kính hiển vi và dụng cụ vi phẫu để phẫu thuật: “Khi tách xong, chúng tôi phải làm sao đóng kín màng cứng để tránh xì dò dịch não tủy, đồng thời phải tính toán kỹ lưỡng khi đóng da bởi nếu da quá ít, không thể đóng kín thì phẫu thuật coi như thất bại” - BS Đặng Đỗ Thanh Cần chia sẻ.

Riêng về gây mê, GS Đông A đã phải mời BS Phan Thị Thanh Tâm người rời Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lâu. BS Thanh Tâm được xem là chuyên gia hồi sức bởi trước đó, bác sĩ đã gây mê thành công cho 5 cặp song sinh dính nhau được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Dù là ca thứ 6, song, có những lúc, BS Thanh Tâm vẫn phải “cân não” tìm cách tháo gỡ vấn đề khó khăn. “Trong những lần phẫu thuật đặt túi giãn da cho bé trước đó, chúng tôi phải tranh thủ thăm dò, đo lường được chức năng hô hấp của 2 bé. Trong 2 chị em thì bé Bảo Ân có vẻ yếu hơn. Chúng tôi rất lo lắng làm sao gây mê để bé có thể chịu đựng được cuộc mổ kéo dài 10-12 tiếng”.

Không chỉ vậy, theo BS Thanh Tâm, với hai em bé nằm đấu lưng vào nhau và dính nhau, khi bác sĩ ngoại thần kinh thực hiện thao tác tách thần kinh cùng tủy, bác sĩ gây mê phải tìm cách lật úp lẫn xoay người em bé. Điều này vô cùng khó. Các bác sĩ phải thao tác vô cùng cẩn thận để tránh làm sút 1 trong 13 đường truyền, ống gắn trên người bé. Chỉ cần sút 1 đường truyền thì sẽ ảnh hưởng ngay đến vấn đề hồi sức. “Có lúc, chúng tôi phải đau đầu tìm cách làm sao bưng hai bé lên, xoay người hai bé cho các bác sĩ thực hiện thao tác tách rời thần kinh. Bởi trong một cuộc mổ lớn, việc di chuyển em bé có thể gây sốc, xáo trộn huyết động rất nguy hiểm. May mắn, lúc đó, 1 bác sĩ có kinh nghiệm trong ê-kíp đã nghĩ ra cách lấy bọc nilon sát trùng để cố định em bé. Bằng cách này, chúng tôi cố định em bé khá tốt trong quá trình phẫu thuật cũng như lúc chuyển bé qua phòng hồi sức”.

Việc đo các chỉ số, tim, huyết áp, dịch… cho 2 bé trong suốt ca mổ cũng rất khó khăn. Bởi hơn 1 năm ở bệnh viện điều trị và chuẩn bị cho ca tách rời, hai bé đã phải thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật, tiêm nhiều thuốc, dịch truyền nên đường ven trên người gần như xơ cứng. Bác sĩ gây mê hồi sức rất khó để chích thuốc và theo dõi các chỉ số. Ê-kíp phải khắc phục từng chỉ số bằng các loại máy móc hiện đại nhất.

“Để có thể tiến hành ca mổ này, phòng mổ phải trang bị gần 20 máy móc các loại, 2 máy gây mê, 6 máy bơm tim, 2 máy sưởi ẩm, 2 máy monitor theo dõi tim mạch… Phòng mổ chật cứng máy móc, chúng tôi phải sắp xếp để bác sĩ vẫn có không gian thực hiện ca mổ. Với máy móc nhiều như vậy, bác sĩ cũng phải rất tỉ mỉ để làm sao giữ loại dây không bị nhiễm trùng từ máy này sang máy kia, tránh ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân” - BS Tâm kể lại.

Hai em bé lúc chưa tách rời. Ảnh: K.Q

Vì sao xảy ra tình trạng trẻ song sinh dính nhau?

Hiện sức khỏe 2 bệnh nhi đã ổn định, có thể uống sữa và đi ngoài bình thường. Theo kinh nghiệm, GS Trần Đông A cho biết, việc tách cặp song sinh đã thành công bước đầu. Nếu bảo đảm tách thần kinh tốt, sau này 2 bệnh nhi sẽ phát triển bình thường. Tuy nhiên, để đánh giá được điều này phải chờ thêm một thời gian nữa.

Mẹ bé là chị Thị Q (19 tuổi, ngụ Lộc Ninh, Bình Phước) chia sẻ trong niềm hạnh phúc: “Lúc mang thai tôi có đi khám nhưng không tầm soát đầy đủ nên không phát hiện 2 con mình bị dính nhau. Đến khi sinh con ra thấy con bị vậy, hai vợ chồng vừa buồn vừa thương 2 con nên đã chuyển lên tuyến trên để điều trị. Giờ nhìn 2 con đã được tách rời tôi vui lắm, chưa kể 2 đứa đã có thể tự cử động nữa chứ”.

Theo GS Trần Đông A, song sinh dính liền nhau trước đây tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung chủ yếu là dính phần ngực bụng, ít ca nào dính liền phần mông như ca trên. Nguyên nhân song sinh dính liền theo giải thích của các nhà khoa học là quá trình thụ tinh có 2 tinh trùng cùng “chui” vào 1 trứng. Theo nguyên tắc thì sau 1 tuần thụ tinh phải tách đôi thành 2 phôi. Tuy nhiên, do yếu tố nào đó, có thể là môi trường nên việc tách đôi bị trễ dẫn đến sự dính liền một phần cơ thể. Tuy nhiên, giải thích trên chưa tìm được chứng cứ và chỉ mới là giả thiết được nhiều người đồng tình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn