MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con CNLĐ bị tai nạn lao động hưởng trợ cấp thường xuyên được giảm 50% học phí. Ảnh: Nam Dương

16 năm làm công việc nặng nhọc có được nghỉ hưu sớm?

Nam Dương LDO | 17/09/2017 06:41
Tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động nhận được các câu hỏi chính về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, điều kiện nghỉ hưu khi làm công việc nặng nhọc, chế độ miễn giảm học phí cho con CNLĐ bị tai nạn lao động,...

Nghỉ trước khi sinh con bao lâu?

Bạn đọc số 0931800XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn Pháp luật của Báo Lao Động 0961360559, hỏi: Tôi nghỉ thai sản tổng cộng 2 tháng 8 ngày trước khi sinh con. Tôi có được hưởng chế độ thai sản cho thời gian nghỉ trước này không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 1, điều 34 Luật BHXH 2014 quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản chỉ được tính từ thời điểm đủ 2 tháng trước khi sinh con. Thời gian nghỉ 8 ngày trước đó, bạn thương lượng với Cty để được tính lương theo thỏa thuận.

16 năm làm công việc nặng nhọc có được nghỉ hưu sớm?

Bạn đọc số 02862949XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn Pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Trước năm 1995, tôi có làm công việc đốt lò hơi (công việc nặng nhọc) được 8 năm. Khi nghỉ việc tôi có nhận trợ cấp thôi việc. Nay tôi đã làm thêm 16 năm cũng công việc đốt lò hơi. Năm nay tôi 55 tuổi. Tôi có đủ điều kiện nghỉ hưởng lương hưu không?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 6, điều 123 Luật BHXH quy định: NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1.1.1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH.

Việc tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 để hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 1.1.1995 để hưởng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân.

Do thời gian làm việc trước 1995 bạn đã nhận trợ cấp thôi việc, nên không được tính là thời gian tham gia BHXH nữa. Như vậy, hiện tại bạn mới có 16 năm tham gia BHXH.

Khoản 1, điều 54 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau: NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1, điều 2 của luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Điều kiện tiên quyết của việc nghỉ hưởng lương hưu theo quy định này là phải có số năm đóng BHXH tối thiểu là 20 năm. Do bạn mới chỉ đó 16 năm đóng BHXH nên chưa đủ điều kiện để nghỉ hưởng lương hưu.

32 năm đóng BHXH, nghỉ hưu lúc nào có lợi hơn?

Bạn đọc số 02866840XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn Pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi năm nay 54 tuổi, có 32 năm đóng BHXH. Tôi nên giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu từ bây giờ hay bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH để khi đủ 60 tuổi mới nghỉ hưu thì lợi hơn?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 55 Luật BHXH 2014, đối với nam, kể từ ngày 1.1.2017, để được nghỉ hưu sớm, phải có 3 điều kiện: tuổi từ đủ 52 trở lên, có ít nhất 20 năm đóng BHXH và suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Do bạn đã đủ điều kiện về số năm đóng BHXH, độ tuổi, nên để được nghỉ hưởng lương hưu sớm thì phải giám định suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Giả sử bạn đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017, thì tỉ lệ % lương hưu của bạn sẽ được tính bằng 45% + (32 -15) x 2% = 79%. Nhưng do tỉ lệ lương hưu được khống chế không quá 75%, nên hai năm đóng BHXH dư của bạn, sẽ được trợ cấp một lần mỗi năm ½ tháng lương.

Ngoài ra, do bạn nghỉ sớm trước 6 tuổi nên sẽ bị trừ mỗi năm 2% lương hưu. Như vậy, tỉ lệ lương hưu bạn sẽ được hưởng là 75% - 12% = 63%.

Nếu bạn bảo lưu thời gian đã tham gia BHXH đến năm 60 tuổi (2023) mới nghỉ, thì theo quy định của Luật BHXH hiện hành, từ năm 2022 trở đi, đối với nam, 20 năm đầu tham gia BHXH mới được tính tỉ lệ lương hưu bằng 45% và phải có 35 năm tham gia BHXH mới được hưởng đủ 75% lương hưu.

Đến năm 2023 bạn sẽ có tỉ lệ lương hưu như sau: 45% + (32 -20) x 2% = 69%. Bạn có thể cân nhắc để tính nghỉ ngay năm nay hay chờ đến khi 60 tuổi mới nghỉ hưu.

Giảm 50% học phí cho con NLĐ bị tai nạn lao động

Bạn đọc số 0968212XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn Pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi bị TNLĐ trên 81% hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Con tôi đi học có được miễn, giảm học phí không?

Văn phòng Tư vấn Pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm a, khoản 2, điều 8 Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ) và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 - 2021, quy định các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên. Do đó, con bạn đi học trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được giảm 50% học phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn