MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Pháp luật không thừa nhận việc chung sống mà không đăng ký kết hôn là vợ chồng. Ảnh ST

5 năm chung sống và 50.000 đồng còn sót lại

Nguyễn Thị Thúy Hường LDO | 08/10/2017 07:23
Người đàn ông nước ngoài ấy cứ khẩn khoản gặp luật sư. Nhìn bề ngoài học thức và lịch lãm, ít ai ngờ ông lại bị cô gái trẻ lấy hết tiền sau vài năm chung sống. 

Cách đây 6 năm, ông đến Việt Nam theo lời mời của một trường đại học để làm quản lý và giảng dạy cho một số chương trình nước ngoài mà trường đào tạo. Hôn nhân với người vợ bên Úc cũng vừa mới chấm dứt sau nhiều năm chung sống vì cả hai không tìm được hạnh phúc chung. Do vậy ông đến Việt Nam trong tâm thế muốn thay đổi và tìm kiếm một hạnh phúc mới trong cuộc đời.

“Vắt chanh, bỏ vỏ”

Tình cờ trong một lần đi quán bar chơi với bạn, ông gặp một cô gái trẻ, xinh đẹp cũng đến chơi ở đây. Ấn tượng bởi mái tóc dài suôn mượt và nụ cười tươi tắn của cô, ông đến làm quen. Rất nhanh chóng, cả hai đã trở thành một cặp xứng đôi vừa lứa, dù chênh nhau mười mấy tuổi. Rồi cả hai dọn về chung sống cùng nhau sau vài tháng quen biết.

Ông rất cưng chiều bạn gái, đưa hẳn thẻ ATM của ông để cô ấy muốn xài gì thì xài. Cả hai thống nhất dùng tiền của ông để trả tiền thuê căn hộ hai người chung sống, mua sắm đồ ăn, thức uống, chi trả người giúp việc…

Vốn dĩ tin tưởng bạn gái nên hầu như không bao giờ hỏi cô chi tiêu thế nào, tại sao mua cái này, sắm cái kia? Sau hơn một năm chung sống, cô ấy sinh cho ông một đứa con trai, nên ông càng cưng chiều hơn. Lúc nào cô cũng nói là phải hy sinh lắm mới sinh con cho ông. Vì vậy ông phải có nghĩa vụ bù đắp cho cô ấy.

Từ lúc có con chung, ông càng cố gắng làm việc nhiều hơn. Ngoài quản lý chính ở trường Đại học, ông còn cộng tác với một số chương trình khác để có thêm thu nhập. Hằng tháng, các đơn vị vẫn gửi tiền lương và thù lao qua tài khoản ngân hàng của ông. Do công việc rất bận rộn và cũng không có nhu cầu nhiều, nên ông rất hiếm mua sắm cho bản thân.

Còn bạn gái ông thì ngược lại, sẵn có tiền trong thẻ ATM của ông, lại được cưng chiều, nên cô thoải mái sắm sửa. “5 năm chung sống, cô ấy mua sắm cho mình đủ thứ, từ quần áo, giày dép đến túi xách, mắt kiếng, còn chẳng sắm gì cho ông. Con chung thì đã có người giúp việc lo, nên cô ấy cũng chẳng quan tâm gì, mỗi khi con khóc là cô ấy đưa cái ipad cho con chơi, thế là xong nhiệm vụ!”, ông rầu rĩ kể.

Càng ngày ông càng nhận thấy mình đã sai lầm khi quyết định chung sống cùng cô bạn gái ấy, nhưng vì thương con còn nhỏ nên ông vẫn cố gắng chịu đựng. Cứ nghĩ đến cảnh con trai sống trong cảnh không có gia đình trọn vẹn ở tuổi ấu thơ là ông lại không nỡ nói lời chia tay. Tuy vậy cô người yêu thì ngày càng quá quắt, gần đây suốt ngày kiếm cớ gây sự và lớn tiếng đòi đuổi ông ra khỏi căn hộ mà hai người chung sống.

Ông bực mình nói qua, nói lại thì cô ấy nói đã mua lại căn hộ của chủ cũ và hiện giờ căn hộ đang đứng tên cô ấy. Do giữ thẻ ATM của ông, nên mấy năm nay cô âm thầm rút tiền trong tài khoản rồi gom lại mua căn hộ. Quá cay đắng, ông hỏi tại sao lại làm thế thì cô trả lời cô ấy là chủ sở hữu nên có quyền đuổi ông ra khỏi nhà. Cô ta còn quẳng cái thẻ ATM trả lại cho ông và nói từ giờ cũng chẳng cần dùng đến nó nữa.

Quyết giành quyền nuôi con

Khi kiểm tra lại tài khoản, thì ông phát hiện chỉ còn có 50.000 đồng, vừa đủ để duy trì tài khoản. Dù rất bất bình và tức giận trước hành vi ngang ngược, phũ phàng đó, ông vẫn nói với cô chỉ có một nguyện vọng duy nhất được đem con trai đi cùng. Cô ta đồng ý liền, vì để con ở lại chỉ vướng bận cho cuộc đời của cô.

Nhưng khi ông nói muốn được toàn quyền nuôi con và đem con trai hơn 3 tuổi về Úc để ổn định cuộc sống, thì cô ta lại yêu sách đủ kiểu, đòi ông phải chu cấp cho cô ta mỗi năm 5.000 USD cùng nhiều chi phí khác. Quá bất bình trước đòi hỏi vô lý đó, ông nhờ luật sư tư vấn làm cách nào để có quyền nuôi con mà không phải chu cấp tiền cho cô ta.

Theo quy định tại khoản 1, điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”.

Như vậy quan hệ giữa hai người trong tình huống này không được pháp luật thừa nhận nhận quan hệ vợ chồng. Mặc dù không được thừa nhận là vợ chồng, nhưng vì có con chung, nên nếu ông và cô ấy không thống nhất được quyền nuôi con, thì ông có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án ra phán quyết cho ông được quyền nuôi con.

Ông cũng có quyền từ chối những đòi hỏi vô lý của người phụ nữ ấy thì mới cho ông có quyền nuôi con. Khoản 2, điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1, điều 14 của luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại điều 15 và điều 16 của luật này.

Ngoài việc tranh chấp về quyền nuôi con, nếu ông chứng minh được cô ta dùng tiền của ông kiếm được để mua căn hộ, thì ông cũng có thể yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu căn hộ này với cô.

Kết thúc câu chuyện, ông chua chát: “Nếu biết trước cô ta tệ bạc như thế, thì không đời nào tôi chung sống với cô ấy. Năm năm chung sống với cô ấy, từ mấy tỷ đồng tôi kiếm được, giờ cô ấy để lại cho tôi được 50.000 đồng, thậm chí còn ra giá để giành quyền nuôi con với tôi. Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để được nuôi con và đòi lại quyền lợi cho mình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn