MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt đua nhau vượt trên đường Đinh Bộ Lĩnh 9 (quận Bình Thạnh).

Ám ảnh “hung thần” xe buýt

M.QUÂN- H.TRÂN LDO | 15/12/2016 18:03
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra các vụ va quệt, tai nạn giao thông chết người liên quan đến xe buýt. Với một đô thị mà có đến hàng nghìn xe buýt to đùng lưu thông trộn lẫn cùng làn với hàng triệu chiếc xe gắn máy thì không xảy ra tai nạn mới là điều lạ. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, một ngày nào mà thành phố vẫn chưa xây dựng được những làn đường riêng, làn ưu tiên cho xe buýt lưu thông thì người dân vẫn còn ám ảnh với những vụ tai nạn liên quan đến xe buýt.

Thót tim với xe buýt

Chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, người dân TPHCM bị ám ảnh bởi các vụ tai nạn xe buýt cán chết người. Cụ thể như ngày 9.11, chiếc xe buýt chạy tuyến Bến Thành – BX An Sương lưu thông trên đường Lê Lai (quận 1) hướng chợ Bến Thành đã tông chết người đàn ông khoảng 50 tuổi chạy xe máy; trước đó, một phụ nữ chạy xe máy cũng chết dưới bánh xe buýt xảy ra trên đường Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận) ngày 19.10… Đó là chưa kể kể hàng loạt vụ va quệt  giữa xe buýt và xe gắn máy diễn hằng ngày trên khắp nẻo đường thành phố. Trong số các vụ va quệt, tai nạn chết người xảy ra không hẳn tất cả lỗi đều do tài xế xe buýt, song có một sự thật đang diễn ra đó là xe buýt đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân đi xe gắn máy.  Bất cứ ai tham gia lưu thông trên đường phố bằng xe máy mỗi ngày cũng đều có những lần thót tim với những cú tấp vô trạm đột ngột, cắt ngang đầu các phương tiện khác, rú còi inh ỏi, giành đường, chèn ép xe máy… của xe buýt.
Khoảng 15h ngày 13.12, người đi đường bỗng dưng thót cả tim khi một chiếc xe buýt thuộc tuyến số 03 chạy rầm rầm, bóp còi inh ỏi trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận). Phát hiện có hành khách vẫy tay trong lề, lái xe buýt đang lưu thông trong làn xe ô tô lập tức chuyển làn tấp vào đón khách. PV ghi nhận, khi chiếc xe buýt chuyển làn tấp vào trạm đều cắt ngang hàng loạt đầu các xe máy chạy song song khiến nhiều người phải thắng gấp hoặc né dạt ra ngoài hết sức nguy hiểm. Bức xúc trước hình ảnh trên, anh Nguyễn Văn Bình - người vừa bị xe buýt ép vào lề đường - đã dừng xe máy để nói chuyện với tài xế xe buýt. Tuy nhiên, khi anh Bình vừa vỗ tay vào thùng xe để ra hiệu thì chiếc xe buýt này lại rồ ga phóng nhanh hướng đường Nguyễn Kiệm... Anh Bình cho biết, anh thường chạy xe máy trên đường Nguyễn Kiệm và đã không ít lần bị xe buýt ép vào lề đường. Mới đây vào đầu tháng 5.2016, trong lúc chạy xe máy đi làm anh bị một xe buýt tuyến 03 khi tấp vào trạm đón khách đã ép văng vào lề đường, khiến thành xe buýt cọ vào tay làm anh Bình bị xây xát nhẹ.
Trên địa bàn TPHCM có những tuyến đường dù chật hẹp, song vẫn  “cõng” đến hàng chục tuyến xe buýt đi qua. Điển hình như đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) có đến gần 20 tuyến xe buýt chạy qua với hàng trăm chuyến mỗi ngày. Mỗi lần những chiếc xe buýt kềnh càng tránh hoặc vượt nhau thì người đi xe máy phải leo lên vỉa hè để tránh. Ngoài ra, một số tuyến đường khác như Âu Cơ, Trường Chinh (Q.Tân Bình), Lũy Bán Bích, Hòa Bình (Q.Tân Phú), Hồng Bàng (Q.6)... cũng có nhiều tuyến xe buýt chạy qua khiến người đi đường nơm nớp lo sợ mỗi ngày.
Sáng 12.12, trên đường Đinh Bộ Lĩnh đoạn qua Bến xe Miền Đông, chúng tôi chứng kiến nhiều xe buýt đua nhau trên đường để đón khách. Có lúc các xe buýt dàn hàng ngang trên đường khiến xe máy không còn lối lưu thông. Trong khi đó, nhiều trường hợp tài xế xe buýt đón đón trả khách cách xa lề đường gây nguy hiểm cho hành khách. Khoảng 7h ngày 12.12, tại trạm xe buýt gần giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), chiếc xe buýt tuyến số 51 dừng đón khách cách xa lề đường buộc một nữ hành khách lớn tuổi phải chạy ra giữa đường để lên xe. Trong khi đó, một số xe buýt khác khi tấp xe vào lề đón, trả khách nhưng tài xế không thắng xe dừng hẳn, mà để xe chạy rà rà và mở cửa buộc khách tự nhảy lên, xuống xe một cách vội vàng. “Mặc dù tài xế xe buýt có bật đèn xi nhan mỗi khi vào trạm hoặc trở ra, nhưng thực tế cho thấy họ chỉ bật đèn cho có rồi ào ào rẽ vào trạm, ào ào trở ra mà ít quan tâm tới người chạy xe máy phía trước, phía sau và bên hông xe buýt. Nhiều trường hợp người chạy xe máy bị ép sát vào trạm hoặc dừng lại chờ phía sau khi xe buýt đột ngột vào trạm rước, trả khách” – ông Lâm – một người chạy xe ôm đang chờ khách tại đây nói.
Nguy hiểm hơn, tại nhiều nút giao, khi xe buýt ôm cua gấp thường ép người chạy xe máy phải ôm cua theo. Lúc 16h ngày 11.12, chiếc xe buýt thuộc tuyến số 8 bất ngờ quẹo phải từ đường Đinh Bộ Lĩnh qua đường Bạch Đằng ép một đôi nam nữ chạy xe máy hướng ra đường Điện Biên Phủ phải quẹo theo. Bánh sau của chiếc xe buýt suýt đụng vào chiếc xe máy. Hai người đi trên chiếc xe máy bị một phen thót tim. Đã có không ít lần, khi xảy ra va quệt, người đi xe gắn máy bức xúc  vỗ vào thành xe, nhắc nhở xe buýt thì  bị lái xe buýt sừng cộ lại. Thậm chí, có trường hợp như ngày 27.10 trên đường 3/2, sau khi người đi xe gắn máy phản ứng lại thái độ xe buýt chạy ẩu thì lái xe xuống dùng vật nhọn đâm  người đi xe gắn máy bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn giữa xe buýt và xe máy trên đường Lê Lai (quận 1) ngày 9.11 làm một người đàn ông chạy xe máy chết tại chỗ.

Cần làn đường riêng cho xe buýt

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đau lòng liên quan đến xe buýt, trong đó có nguyên nhân do hạ tầng giao thông yếu kém, các tuyến đường chật hẹp phải tải một lượng lớn các phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng như xe buýt. Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, TPHCM có khoảng 8 triệu chiếc xe gắn máy  lưu thông đan xen giữa 3.000 xe buýt khá nguy hiểm. Trong tình hình đường sá chật chội và quá tải như hiện nay cộng với tình trạng xe buýt lưu thông trộn lẫn vào làn xe 2 bánh gắn máy (hiện nay làn đường cho xe gắn máy đã chật cứng), thì các vụ va quệt, tai nạn giữa xe buýt và xe gắn máy còn diễn ra dài dài. “Khoảng 99% trạm dừng, nhà chờ xe buýt đều đặt bên phải lề đường – tức sát làn đường dành cho xe 2-3 bánh. Do vậy mỗi lần ra vào trạm dừng, nhà chờ để đón, trả khách, xe buýt phải cắt ngang đầu hoặc chèn ép xe gắn máy nên cực kỳ nguy hiểm” – luật sư Minh phân tích. Không chỉ mỗi khi ra vào trạm, xe buýt mới lưu thông lấn làn xe gắn máy, được biết trước đây thành phố cũng có quy định ưu tiên cho xe buýt khi cách giao lộ từ 100 mét trở lên và các làn xe đều bị tắc  thì xe buýt được phép lưu thông vào làn xe gắn máy. Trên thực tế,  tình trạng xe buýt lạm dụng quyền ưu tiên lưu thông vào làn xe gắn máy dường như khá phổ biến gây không ít phiền hà cho người đi đường. Đặc biệt vào giờ cao điểm, tài xế xe buýt khuất tầm nhìn, không thể quan sát hết những xe máy dày đặc đang đi bên hông hay quá gần trước mặt mình, vì thế dễ xảy ra tai nạn. Mặt khác, những người lái xe buýt luôn chịu pháp áp lực chạy đúng giờ, đúng lịch trình nên có thể xảy ra hiện tượng chạy nhanh, chạy ẩu, chạy không đúng làn đường nên cũng dễ gây tai nạn.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai - Trường ĐH Bách khoa TPHCM, hiện TP chỉ có 14% các tuyến đường đủ rộng cho hoạt động của xe buýt, còn lại 86% các tuyến đường là xe gắn máy lưu thông chật cứng khiến xe buýt không còn chỗ lưu thông. Do đó, ông Mai cho rằng, TP và Sở GTVT cần nghiên cứu xây dựng, bố trí những làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt nhằm tách bạch ra khỏi xe gắn máy để đảm bảo an toàn. Khi có làn đường dành riêng hoặc ưu tiên, xe buýt chạy sẽ đảm bảo đúng lịch trình, biểu đồ giờ chạy, từ đó vừa thu hút được người dân đi xe buýt, vừa  giải quyết được xung đột giữa xe buýt và xe gắn máy như hiện nay.  Ngoài ra, ông Mai cũng đề xuất giải pháp tối ưu chính vẫn là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT chất lượng cao do có khối lượng vận chuyển lớn, tương đương tàu điện ngầm (vì có đường dành riêng hoặc ưu tiên cũng như chi phí đầu tư rẻ). “Thành phố có 25 hành lang giao thông có thể phát triển được hệ thống BRT. Tuy nhiên, xung quanh nó phải có tính kết nối, nghĩa là cần sự liên kết với các tuyến xe buýt khác và cơ sở hạ tầng, bến bãi... thì BRT mới phát triển được. Vậy mà chuyện này  thành phố cứ loay hoay mãi” – PGS, TS Phạm Xuân Mai nhận định.
Theo ông Lê Hoàng Minh – Phó GĐ Sở GTVT,  việc xây dựng, bố trí làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho buýt là cần thiết, song với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay thì  làm việc này không phải dễ dàng. Trong khi đó, luật sư Trần Quốc Minh cho rằng: “Khi nào thành phố chưa tách biệt được việc lưu thông của xe buýt  ra khỏi làn xe gắn máy 2- 3 bánh thì vẫn còn đó nhiều nỗi lo về tai nạn giao thông”. 

Những vụ tai nạn liên quan đến xe buýt xảy ra gần đây:

Ngày 9.11, một người đàn ông khoảng 45 tuổi, khi đang chạy xe máy trên đường Lê Lai (hướng về chợ Bến Thành, quận 1) thì bị chiếc xe buýt mã số 04 (lộ trình Bến Thành – Bến xe An Sương) cán chết. Ngày 30.10, một người phụ nữ lớn tuổi khi băng qua đường Lê Quang Định (phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM) để bán khoai lang thì bị chiếc xe buýt số 18 (lộ trình Bến Thành – chợ Hiệp Thành) cán chết. Ngày 19.10, trên đường Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận), chiếc xe buýt  03 (Bến Thành – Thạnh Lộc) chuyển làn tấp vào trạm bất ngờ va chạm với xe máy do 2 chị em đang chạy cùng chiều rồi cán chết người chị.

Được biết, cách đây vài năm, TPHCM đã thực hiện thí điểm tổ chức một số làn đường ưu tiên cho buýt lưu thông trên một số đoạn đường Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân, Xô Viết Nghệ Tĩnh và bước đầu hoạt động hiệu quả, song không hiểu lý do gì, thành phố đã xóa sổ những tuyến đường ưu tiên này đối với xe buýt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn