MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CLB khánh thành giếng nước và tặng quà cho bà con làng Gò Gia Trung. Ảnh: P.N

Ấm áp tình người từ một CLB thiện nguyện

Phố Nhơn LDO | 24/09/2017 15:15

“Các hoạt động của CLB phần lớn được tổ chức vào cuối tuần, bởi là công chức nhà nước, các thành viên chỉ có thể dành thời gian cho CLB vào ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi. Các hoạt động của CLB đều hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo”, chị Tô Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Người tình nguyện Chữ thập đỏ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (gọi tắt là CLB) chia sẻ.

“Hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo”

Cuối tuần, chị Tô Thị Thu Nguyệt gọi hỏi tôi: “Hôm nay CLB đi tặng quà cho người nghèo trong huyện, nếu em rảnh thì đi với CLB”. Tôi gật đầu, rồi lên đường. Hôm ấy, đích đến của CLB là làng Gò Gia Trung (xóm Sơn Lãnh, thôn Thạch Bàn Tây, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát). Ở đó có 14 hộ dân tộc Ba Na đang sinh sống. Chúng tôi lên đường, trời nắng háp, gió táp vào mặt bỏng rát, đến rặng bạch đàn cũng héo khô. Chỉ cách quốc lộ 1A chừng 17 cây số, nhưng làng Gò Gia Trung như một cõi khác. Những ngôi nhà nhỏ xây tạm bợ nằm thưa thớt ở chân núi.

Ở giữa làng, các hộ dân đang tập họp ngay cạnh một giếng nước mới toanh. Công trình này là do anh Lý Quốc Chiến (quê ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, hiện làm việc ở Mỹ) tài trợ. “Năm ngoái, trong lần về thăm nhà, anh Chiến cùng CLB lên tặng quà cho người dân Ba Na ở Cát Sơn. Tận mắt thấy cảnh thiếu thốn trăm bề, nhất là thiếu nước sinh hoạt, anh hứa tài trợ kinh phí để đào giếng cho bà con. Sau đó, anh chuyển 50 triệu đồng để CLB đào giếng cho bà con”, chị Nguyệt cho biết.

Theo kế hoạch ban đầu, giếng có đường kính 1,2m, có nền rộng 4mx4m để thuận tiện cho bà con lấy nước. Ngoài ra còn có bồn chứa nước, máy bơm… Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, các thợ đào giếng tư vấn không nên làm máy bơm lẫn ròng rọc kéo nước, thành giếng phải thật cao. Bởi, người lớn đi làm cả ngày, chỉ có trẻ con ở nhà, đảm bảo an toàn cho con em là trên hết. Hôm ấy, tôi thấy được niềm vui của những trẻ nhỏ, với những bàn tay đen nhẻm tung tóe bọt nước.

Theo ông Đinh Văn Hoan, người uy tín của làng Gò Gia Trung, làng được thành lập từ tháng 11 năm 2000. Khi ấy, cả làng có 3 giếng nước được Nhà nước xây dựng theo chương trình nước sạch nông thôn. Theo thời gian, cả 3 đều hư hỏng. “Có được giếng nước mới, thật chẳng niềm vui nào bằng. Nguồn nước mới không chỉ giúp bà con thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần “giải khát” cho mùa màng, hoa màu. Bây giờ, người làng không cần leo qua dốc xin nước nữa. Làng sẽ cử người canh chừng, bảo vệ, giữ cho giếng luôn sạch sẽ”, ông Hoan chia sẻ.

Không chỉ đào giếng, CLB còn tặng quà cho 14 hộ dân, mỗi suất quà trị giá 800 ngàn đồng, gồm xoong nồi, gạo, mì… và gàu để xách nước. “Ngoài đào giếng, CLB còn tặng 14 hộ dân Ba Na ở đây nhiều vật dụng gia đình. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với trẻ em, nên mọi sự hỗ trợ dù là nhỏ nhất cũng đều đáng quý”, chị Nguyệt tâm sự.

Theo tìm hiểu, hộ nghèo, người già, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam là những đối tượng mà CLB dành nhiều sự quan tâm. Không chỉ gói gọn trong địa bàn huyện Phù Cát, CLB còn đến với Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (huyện Hoài Nhơn), Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm (TP.Quy Nhơn), Làng Trẻ em SOS Quy Nhơn. Ngoài những đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4, hầu như cuối tuần nào CLB cũng có hoạt động thăm nom, tặng quà, khám bệnh phát thuốc.

“Các hoạt động của CLB phần lớn được tổ chức vào cuối tuần để tranh thủ những ngày nghỉ. Bởi là công chức nhà nước, các thành viên chỉ có thể dành thời gian cho CLB vào ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi. Các hoạt động của CLB đều hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo”, chị Nguyệt chia sẻ.

CLB hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Ảnh: P.N

Cho là nhận

Tôi bắt đầu dõi theo hoạt động của CLB từ khi quen chị Nguyệt trên facebook. Chị hiện là Trưởng trạm Y tế thị trấn Ngô Mây. Theo chị Nguyệt, CLB hiện có 25 thành viên chính thức, trong đó có 6 người rất tích cực, góp mặt trong tất cả các hoạt động của CLB.

Và, “thủ lĩnh” không ai khác chính là chị Nguyệt. Thông thuộc địa bàn, xông xáo với từng sự kiện, chăm chút từng việc nhỏ, chị Nguyệt là linh hồn của CLB. Đặc biệt, chị và các thành viên chủ chốt đã vận động được các mối quan hệ cá nhân để hình thành đội ngũ Mạnh Thường Quân hùng hậu.

Theo tìm hiểu, tất cả các hoàn cảnh cần giúp đỡ và kết quả hỗ trợ đều được đưa lên facebook của CLB và cá nhân chị Nguyệt. Đó là cách làm đơn giản mà hiệu quả nhất để thông tin đến được với nhiều người. Mọi sự hỗ trợ được thông báo công khai để người gửi tiền, quà được biết tấm lòng của mình đã đến nơi cần đến. Những người trong “friendlist” nhìn thấy và dễ dàng tham gia hỗ trợ nếu thích.

“Minh bạch, chính xác, kịp thời chính là ưu điểm mà CLB có được để quy tụ ngày càng nhiều hơn những tấm lòng nhân ái. Như trường hợp chị Thái Thị Ngọc Hảo, dù chưa một lần gặp mặt các thành viên CLB nhưng vẫn đều đặn chuyển khoản đóng góp cho các hoạt động của CLB, nhất là hỗ trợ trực tiếp cho các hoàn cảnh éo le”, chị Nguyệt cho biết.

Đến với CLB, các thành viên đều nhận được sự ủng hộ của gia đình, nếu không chẳng ai có thể làm tròn vai. Nhiều người không chỉ tham gia một mình, mà còn “lôi kéo” cả vợ chồng, con cái. Hôm ở làng Gò Gia Trung, thành viên Lý Thị Bích Thảo cũng cho con gái Lý Bích Hiền đi theo. Cháu Hiền cũng xăng xái xách gạo, bưng mì tôm. “Đó cũng là một cách để tụi nhỏ biết cuộc sống bên ngoài còn rất nhiều cực khổ, để biết sẻ chia”, chị Thảo tâm sự.

Chị Thảo còn kể tôi nghe về một cán bộ huyện Phù Cát nhờ CLB cho con trai tham gia cùng trong các đợt từ thiện. Bởi, khi mẹ kể, cậu bé kia chẳng bao giờ tin ngày nay lại có người làm việc tốt, chẳng mảy may xúc động trước những cảnh đời bất hạnh. Vài lần được trải nghiệm, cậu đã thay đổi hẳn, bớt ham chơi, lo học hành và nghĩ nhiều hơn về lòng tốt giữa người với người.

Nhiều lần cùng chị Nguyệt và CLB rong ruổi khắp nơi, tôi vẫn hỏi đùa, có thấy mệt lắm không, có ai nói ra nói vào khiến chị chùn chân không. Chị vẫn một mực, làm được việc thiện là thấy vui, thấy hạnh phúc. Chị Nguyệt tâm sự rằng, nhiều người bảo nhờ làm việc thiện mà chị có phúc, cả hai con đều chăm ngoan, học giỏi, thành đạt. Chồng đã nghỉ hưu, phụ giúp phần nào việc nhà, nên chị càng có điều kiện tham gia vào hoạt động xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn