MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung với ngân hàng trong việc tìm vốn.

Bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bao giờ mới hết vướng

G.Miêu - T.Vy LDO | 22/10/2017 18:00
Được đánh giá là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, thế nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay khá chật vật trong việc tìm vốn bởi thủ tục vay vốn phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo, thông tin, tài chính thiếu đầy đủ, kém minh bạch, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, trình độ quản trị tài chính kém…

“Đỏ mắt” tìm vốn

Theo NHNN, đến 31.8.2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Điều này có được là nhờ các tổ chức tín dụng đã chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các DN này. Tuy vậy, đa phần các DNNVV vẫn than thở khi nhắc về câu chuyện gọi vốn.

Mặc dù doanh nghiệp đã mang toàn bộ tài sản là máy móc, thiết bị để thế chấp vay vốn thế nhưng gõ cửa khắp các ngân hàng vẫn không vay được vốn. Nơi mở cửa đồng ý cho vay thì lại định giá tài sản quá thấp khiến số tiền vay chẳng là bao.

Anh Nguyễn Ninh, giám đốc một công ty chuyên về gia công chế biến đồ gỗ xuất khẩu ở thành phố HCM cho biết, công ty ông cần vay số vốn gần 1 tỷ đồng để sản xuất một sản phẩm đồ gỗ mới theo đơn đặt hang, thế nhưng mặc dù đã mang hồ sơ tài sản là máy móc thiết bị qua hơn 8 ngân hàng vẫn không nhận được một cái gật đầu. Nơi đồng ý xem hồ sơ thì lại định giá tài sản quá thấp chỉ đồng ý cho vay khoảng 250 triệu đồng.

Doanh nghiệp cũng đã nhận được lời chào mời của một số công ty cho thuê tài chính rất hấp dẫn như vay tín chấp, thủ tục đơn giản, nhân viên nhiệt tình, có trách nhiệm…Tuy nhiên, hồ sơ soạn lên, soạn xuống, duyệt lên duyệt xuống rất mất thời gian. Thậm chí, doanh nghiệp phải cắt cử riêng một nhân sự của phòng kế toán để thực hiện, hoàn tất hợp đồng với ngân hàng, nhưng đến giờ phút vẫn chưa vay được.

Ngoài ngân hàng, trước đây còn có một “cửa” mà DNNVV có thể tìm đến là Quỹ bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, hai năm nay, quỹ này hoạt động kém hiệu quả do sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quy trình cho vay và bảo lãnh. Đồng thời, quy định bảo lãnh của các quỹ này cũng tương tự như các ngân hàng, yêu cầu DNNVV phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tài sản bảo đảm…

Đại diện một số ngân hàng khi được hỏi đều thừa nhận cũng ngại nhận tài sản thế chấp là máy móc hoặc cho vay nhưng định giá rất thấp. Nhiều ngân hàng cho biết mặc dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay; khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi cho vay vốn vì không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay...

Các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đó là: phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp; chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay…

Làm sao tìm được tiếng nói chung?

Theo lãnh đạo NHNN, mặc dù việc tiếp cận tín dụng đã được giải quyết được một cách rất tích cực qua các cơ chế của nhà nước như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, nhưng thực tế hiện nay phía DN vẫn phàn nàn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại kêu khó mở rộng tín dụng cho DNNVV. Cái khó được bắt nguồn từ 2 phía nên cần tìm ra giải pháp để sớm hoàn thiện, gỡ vướng cho DNNVV.

Về phía NHNN, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung triển khai một số giải pháp để mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV. Cụ thể, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, trong đó có các DNNVV; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Lê Xuân Nghĩa, việc mở rộng tín dụng cho DNNVV, cho kinh tế hộ gia đình và cho vay tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa DN với DN và ngân hàng với ngân hàng cũng đặt ra nhiều rủi ro rất đáng quan tâm như: sử dụng vốn sai mục đích; sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đặc biệt là BĐS; mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường và năng lực quản lý của DNNVV; quản lý vốn, quản lý tài chính của DN thiếu minh bạch.

Chính vì thế, giải pháp hiện nay là các ngân hàng thương mại cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc vào quy trình thủ tục đơn thuần. Các DN phải báo cáo định kỳ cho ngân hàng về các chỉ tiêu tài chính cơ bản có liên quan đến sử dụng vốn vay. Điều này vừa giúp cho ngân hàng quản lý nợ có hiệu quả, đồng thời giúp DN quản lý vốn vay và tài chính hữu hiệu, tránh những sai lầm đáng tiếc.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng cần thiết kế những sản phẩm đặc thù đối với các DNNVV; đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ như: tư vấn, đào tạo, thông tin, hội thảo... nhằm giúp các khách hàng là DNNVV hiểu rõ về những sản phẩm ấy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn